Dân Việt

Nuôi con đặc sản chả tốn mấy tiền thức ăn, bán kiểu gì cũng dễ như ăn kẹo, nông dân Đắk Nông khá giả

Duy Hậu 03/06/2022 19:00 GMT+7
Hàng trăm con dê của bà con bon Ta Mung (xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) được Hội Nông dân hỗ trợ về vốn và cả kỹ thuật. Nông dân nuôi dê lại không lo đầu ra.

Chi phí thấp, thu nhập cao

Những năm qua, để có thêm thu nhập cho chị Mai Thị Yến (bon Ta Mung, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) nuôi thêm gia cầm. Nhưng chi phí đầu tư khá cao, đầu ra không ổn nên thu nhập của chị Yến chẳng đáng là bao.

Tổ nuôi dê ở Ta Mung không sợ thiếu vốn, không lo thức ăn, cũng không lo ế - Ảnh 1.

Nhờ được hỗ trợ kỹ thuật, đàn dê của chị Mai Thị Yến phát triển tốt. Ảnh: Duy Hậu.

Được Hội Nông dân xã vận động, chị quyết định đầu tư 20 triệu đồng để mua dê về nuôi. 12 con dê giống của chị Yến "lớn nhanh như thổi", nếu mang bán ngay cũng đã có một khoản lời không nhỏ.

"Tôi thấy nuôi dê khỏe lắm. Thức ăn cho chúng hầu hết đã có sẵn quanh vườn. Từ trái cây, đến cây cỏ đều có thể làm thức ăn. Ngoài thức ăn sẵn có, tôi cho chúng ăn thêm thức ăn tinh nên đàn dê phát triển nhanh lắm"- chị Yến nói.

Nhà chị Trần Thị Huệ (cùng bon) cũng có rẫy vườn khá rộng. Được cán bộ Hội Nông dân xã Trường Xuân tư vấn, chị cũng quyết định đầu tư nuôi dê. Ngoài dê thịt, chị Huệ nuôi thêm 6 con dê sinh sản.

Tổ nuôi dê ở Ta Mung không sợ thiếu vốn, không lo thức ăn, cũng không lo ế - Ảnh 2.

Nhờ đàn dê sinh sản, gia đình chị Mai Thị Yến có thêm thu nhập đáng kể. Ảnh: Duy Hậu.

"Đàn dê thay nhau sinh sản nên tôi đã có thêm một khoản thu đáng kể. Ngày trước gia đình tôi khó khăn lắm, giờ thì đỡ hẳn rồi. Có đàn dê, tôi có thêm nguồn phân bón. Tiền bán dê cũng đủ để đầu tư phân bón cho cây trồng và trang trải hàng ngày"- chị Huệ nói.

Không chỉ chị Yến, chị Huệ, ở Ta Mung có hơn 10 gia đình chăn nuôi dê. Đây là mô hình chăn nuôi hoàn toàn mới ở đây. Không chỉ người Kinh, đồng bào dân tộc thiểu số ở đây cũng học hỏi làm theo.

Để đầu ra ổn định, Hội Nông dân xã Trường Xuân đã vận động người dân thành lập Tổ nuôi dê. Toàn bộ các hộ nuôi dê trong bon đều tham gia vào cùng chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau.

Ông Hoàng Văn Tăng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Xuân nói: "Thị trường dê thịt khá ổn định, hiện đang tăng lên nên người nuôi dê có nguồn thu nhập khá. Do liên kết với nhau nên đàn dê của bà con trong bon Ta Mung nuôi được con nào bán hết con đó".

Không sợ thiếu vốn, chẳng lo kỹ thuật

Ông Tăng cho biết thêm, tại bon Ta Mung điều kiện chăn nuôi dê rất thuận lợi. Hầu hết thức ăn cho dê đều có sẵn xung quanh vườn nhà của người dân. "Ban đầu, tổ nuôi dê chỉ có vài hộ nhưng bây giờ ngày càng tăng lên do hiệu quả thấy rõ"- ông Tăng nói.

Tổ nuôi dê ở Ta Mung không sợ thiếu vốn, không lo thức ăn, cũng không lo ế - Ảnh 3.

Người nuôi dê ở Ta Mung tận dụng nguồn thức ăn xung quanh rẫy vườn nên chi phí khá thấp. Ảnh: Duy Hậu.

Cũng theo ông Tăng, bà con bon Ta Mung, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống trước đây khá khó khăn. Từ khi hình thành tổ nuôi dê, kinh tế của các gia đình trong tổ nâng lên rõ rệt. Hội đang vận động bà con mạnh dạn vay vốn đầu tư để phát triển kinh tế.

Ông Tăng khẳng định, người dân không lo về vốn đâu tư. Hội Nông dân xã sẽ hỗ trợ bà con từ nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân và từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Bên cạnh đó, Hội cũng hỗ trợ bà con hoàn toàn về kỹ thuật chăn nuôi.

"Nuôi dê nhốt chuồng tuy đơn giản, nhưng nếu không nắm vững các khâu kỹ thuật về làm chuồng, chọn giống, chăm sóc và phòng bệnh thì nuôi không hiệu quả. Dê không đạt trọng lượng thương lái sẽ mua giá thấp. Nhưng đối với tổ nuôi dê của bon Ta Mung thì điều đó không phải lo lắng. Bởi cán bộ Hội Nông dân xã đã hỗ trợ hoàn toàn về kỹ thuật"- Chị Mai Thị Yến nói.

"Tổ chăn nuôi dê ở Ta Mung đã có hiệu quả rõ rệt. Nhờ việc liên kết với nhau nên tất cả các thông tin về thị trường, dịch bệnh... đều nhanh chóng được chia sẻ. Các kỹ thuật mới, kinh nghiệm hay cũng được bà con thường xuyên chia sẻ với nhau nên hàng trăm con dê ở Ta Mung đều phát triển khỏe mạnh"- ông Tăng nói.