Tại Diễn đàn nói trên, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhận định, Tây Nguyên được xác định là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, chính trị, quân sự của cả nước.
Cùng với tiềm năng, lợi thế nội tại ngành nông nghiệp, Tây Nguyên còn có hệ thống hạ tầng kinh tế kỹ thuật, thương mại, du lịch thuận lợi cho phát triển nông sản nội vùng, liên vùng và xuất khẩu.
Tây Nguyên cũng là một trong những trung tâm sản xuất nông sản hàng hóa lớn của cả nước, với sự dồi dào về sản lượng và phong phú về chủng loại nông sản, như: cà phê, bơ, chanh leo.
Hiện khu vực đã có 141 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm với nhiều sản phẩm đặc trưng như cà phê, mắc ca, mật ong…; 583 sản phẩm OCOP được công nhận.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận về chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của khu vực Tây Nguyên, trong đó nhấn mạnh cần mở rộng không gian tiêu thụ nông sản và nâng cao giá trị hàng nông sản Tây Nguyên khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Đổi mới mô hình phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, có giá trị gia tăng cao và bền vững; khai thác tài nguyên đi đôi với bảo vệ, bảo tồn, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp và văn hóa truyền thống các dân tộc Tây Nguyên.
Tại Diễn đàn đã diễn ra lễ ký kết nhiều biên bản ghi nhớ, hợp tác kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa Bộ NNPTNT với 5 tỉnh Tây Nguyên và một số Hiệp hội ngành hàng chủ lực; giữa UBND tỉnh Gia Lai và 3 thành phố - trung tâm tiêu thụ nông sản lớn của vùng Tây Nguyên; giữa tỉnh Gia Lai và các doanh nghiệp, nhà phân phối lớn ngoài tỉnh.
Trong đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NNPTNT) và Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã ký kết thỏa thuận hợp tác "Xây dựng mô hình khuyến nông cộng đồng cho ngành hàng cà phê”.
Theo nội dung hợp tác, trong 3 năm (2022 – 2024), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Công ty TNHH Vĩnh Hiệp sẽ phối hợp xây dựng 2 mô hình tổ khuyến nông cộng đồng tại tỉnh Gia Lai nhằm thúc đẩy sự phát triển vùng nguyên liệu cà phê khu vực Tây Nguyên.
Trong đó, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp sẽ sử dụng dịch vụ khuyến nông của Trung tâm Khuyến nông Gia Lai để xây dựng, quản lý và phát triển vùng nguyên liệu cà phê tại Gia Lai phục vụ xuất khẩu. Xây dựng và tài liệu hóa bộ tiêu chí sản xuất cà phê bền vững phục vụ xuất khẩu.
Xây dựng kế hoạch liên kết cụ thể hàng năm với diện tích và địa điểm sản xuất vùng nguyên liệu trên cơ sở phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện canh tác và định hướng kinh doanh của doanh nghiệp.
Tổ chức sản xuất, liên kết với các hộ nông dân trồng cà phê trên địa bàn để hình thành chuỗi giá trị sản phẩm vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Cử cán bộ kỹ thuật tham gia và phối hợp chặt chẽ với tổ khuyến nông cộng đồng...
Ông Thái Như Hiệp - Giám đốc Công ty Vĩnh Hiệp đánh giá, việc phát triển vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn để xuất khẩu không hề đơn giản. Hiện, vùng nguyên liệu cà phê của doanh nghiệp phân bố rải rác ở 4 tỉnh, trong khi công ty đang có 38 cán bộ, nhân viên phát triển chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Lực lượng này là không đủ.
Do đó, ông Hiệp hy vọng, mô hình khuyến nông cộng đồng sẽ giúp Vĩnh Hiệp giảm bớt áp lực nhân sự cho công ty.
Nhưng để mô hình khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả, theo ông Hiệp, phía Bộ NNPTNT cần có thêm chính sách hỗ trợ cho những người làm khuyến nông để họ yên tâm sống được với nghề.
Ông Hiệp đề nghị, công ty sẽ thuê dịch vụ khuyến nông và trả lương để cán bộ khuyến nông hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp. Họ sẽ trực tiếp làm việc với các nông dân, HTX đang liên kết với Vĩnh Hiệp.
Ông Kpă Thuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh, với diện tích 98.000ha; sản lượng 257.000 tấn/năm. Dù đang nỗ lực thực hiện chương trình tái canh, nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng nhìn chung, chất lượng cà phê còn thấp, xuất thô còn nhiều.
Ông Kpă Thuyên đồng tình với 2 đề án phát triển vùng nguyên liệu và nâng cao chất lượng khuyến nông, đồng thời đề nghị Bộ NNPTNT sớm có hướng dẫn triển khai: "Bộ NNPTNT cũng cần có cơ chế đảm bảo quyền lợi cho lực lượng khuyến nông cộng đồng. Có như thế mới tạo động lực để họ gắn bó hơn với nông dân, HTX và là cầu nối thiết thực cho doanh nghiệp".
Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và hệ thống khuyến nông cả nước đã phát huy tốt vai trò cầu nối giữa Nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học với hộ nông dân và thị trường.
Hệ thống khuyến nông đã thể hiện vai trò tư vấn, phổ biến kiến thức, tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, cung cấp thông tin, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cho nông dân, mở ra cơ hội mới, tạo dựng giá trị bền vững cho nền nông nghiệp Việt Nam.
Nhằm phát huy hơn nữa vai trò của hệ thống khuyến nông, ngày 25/3/2022, Bộ NNPTNT đã phê duyệt Đề án "Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng".
Một trong những hoạt động quan trọng trong đề án là đẩy mạnh hoạt động mô hình khuyến nông cộng đồng gắn kết với các hoạt động của doanh nghiệp, nhằm phục vụ phát triển vùng nguyên liệu, phát triển các ngành hàng, trong đó có cà phê.