Năm 2018, gia đình anh Lý Văn Huyên (ở thôn Ngòi Khang, xã Minh Dân, Hàm Yên) được Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hàm Yên cho vay 80 triệu đồng từ vốn vay hộ nghèo để nuôi trâu sinh sản. Đến cuối năm 2020, trâu đẻ 2 nghé. Mới đây, gia đình anh bán 2 con trâu giống, nhờ đó mà có thêm kinh phí xây dựng nhà mới, có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Tuy có gần 2ha vườn đồi nhưng trước đây gia đình chị Chúc Thị Nải (ở thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình) phải bỏ hoang do không có vốn đầu tư. Năm 2018, gia đình chị được tiếp cận 50 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lâm Bình để cải tạo vườn, trồng các cây ăn quả như: Bưởi, chanh, mít, ổi, kết hợp nuôi gà thả vườn. Đến nay, trừ chi phí, mỗi năm gia đình chị Nải thu lãi gần 100 triệu đồng.
Việc thực hiện có hiệu quả các chính sách cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, nhất là chính sách cho vay ưu đãi theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ, góp phần thúc đẩy nhanh hơn tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Theo lãnh đạo Ngân hàng CSXH Tuyên Quang, để nâng cao hiệu quả hơn nữa nguồn vốn tín dụng ưu đãi, Chi nhánh thường xuyên phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác để tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ hội, đoàn thể ở cơ sở, trưởng thôn theo hình thức "cầm tay chỉ việc" về quy trình thẩm định thực tế, kiểm tra hồ sơ vay vốn của khách hàng, hướng dẫn người dân sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả.
Sau khi giải ngân, các tổ chức chính trị - xã hội phải kiểm tra thực tế việc sử dụng vốn của hộ được vay. Nếu trường hợp nào sử dụng chưa đúng thì tiếp tục hướng dẫn để hộ sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả nguồn vốn.
Trong đợt vay vốn theo Nghị quyết 11 của Chính phủ về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội lần này, gia đình anh Nguyễn Xuân Mao, chủ Homestay Mao Linh, tổ dân phố Nặm Đíp, thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) được vay 100 triệu theo Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.
Anh Mao chia sẻ, sau nhiều tháng ngưng hoạt động bởi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cơ sở kinh doanh homestay của anh gặp nhiều khó khăn do mất nguồn thu nhập, muốn đầu tư sửa chữa các hạng mục phục vụ khách du lịch thì phải có nguồn vốn.
Khi biết Ngân hàng CSXH có chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, anh đã chủ động tìm hiểu thông tin để thực hiện hồ sơ vay vốn. Mặc dù số tiền vay còn ít so với nhu cầu của gia đình nhưng đây là một sự tiếp sức kịp thời, giúp anh có thêm động lực đầu tư khôi phục kinh tế.
Là hộ kinh doanh vận tải hành khách, phục vụ khách tham quan các điểm du lịch trên Khu du lịch sinh thái Na Hang - Lâm Bình, anh Quan Văn Dơ (tổ 4 thị trấn Na Hang, Na Hang), cho biết, anh được Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Na Hang giải quyết cho vay 100 triệu đồng từ vốn vay giải quyết việc làm để duy tu, chỉnh trang lại phương tiện, thuê nhân công khôi phục hoạt động của cơ sở.
Theo kế hoạch tín dụng của Ngân hàng CSXH Việt Nam, năm 2022 Tuyên Quang được giao giải ngân 131,750 tỷ đồng của 5 chương trình cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ gồm: Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; cho vay nhà ở xã hội; cho vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 đến 2030 và cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Ngay sau khi nhận được nguồn vốn phân bổ, Ngân hàng CSXH tỉnh đã khẩn trương triển khai cho vay nhằm kịp thời hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 có nguồn vốn phục hồi phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Ông Nguyễn Phan Vỹ - Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Tuyên Quang cho biết: Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, Ngân hàng CSXH tỉnh đã khẩn trương, chủ động phối hợp với các ban, ngành của tỉnh, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH các huyện rà soát, nắm bắt nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, Ngân hàng CSXH tỉnh và các huyện đã sẵn sàng giải ngân kịp thời khi được giao vốn, đảm bảo công khai, minh bạch, sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, tránh trục lợi chính sách.