Tuyên Quang: Kéo lưới lên toàn thấy cá đặc sản to bự, nông dân giàu thấy rõ

Thứ sáu, ngày 26/06/2020 13:05 PM (GMT+7)
Toàn huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang) có 3.569 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, trong đó ao hồ nhỏ hơn 69 ha, còn lại là hồ sinh thái Lâm Bình. Đây là điều kiện thích hợp để phát triển nuôi các loài cá đặc sản như cá anh vũ, cá bỗng, cá chiên, cá lăng chấm, lăng đen... mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.
Bình luận 0

Nhắc đến nghề nuôi loại cá đặc sản có lẽ ít ai ở huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) “vượt mặt” được ông Nguyễn Văn Tùng, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm. 

Ông Tùng bảo, cách đây chục năm, khi nghề đánh bắt cá trên sông, hồ đang thịnh, nhiều người đánh bắt được những con cá chiên 3 - 4 kg...

Tuyên Quang: Kéo mẻ lưới lên toàn thấy cá đặc sản to bự, nông dân giàu thấy rõ - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Tùng, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) nuôi cá đặc sản ở lòng hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình.

Những con cá khủng như thế lúc bấy giờ cũng bán được hơn 200 nghìn đồng/kg mà không có để mua. Nhận thấy nhu cầu cá đặc sản của thị trường ngày càng tăng cao, từ năm 2014 ông Tùng đã đầu tư làm lồng kiên cố để nuôi thêm các loại cá đặc sản.

Đến nay, ông Tùng phát triển được 19 lồng cá đặc sản gồm 14 lồng cá lăng đen, 2 lồng cá lăng chấm, 2 lồng cá bỗng, 1 lồng cá chiên. 

Nuôi các loại cá đặc sản cần thời gian từ 2 - 3 năm mới được xuất bán, nên ông Tùng nuôi thêm các loại cá có chu kỳ sinh trưởng ngắn hơn như cá chép, rô phi, trắm, nheo… để lấy ngắn nuôi dài. 

Mỗi lồng cá đặc sản khi đến kỳ xuất bán đạt 2,5 - 3 tấn. Doanh thu từ bán cá đặc sản của gia đình ông Tùng đạt hơn 1 tỷ đồng/năm. Nguồn thu từ chăn nuôi cá đã giúp gia đình ông Tùng có thu nhập ổn định và làm giàu hiệu quả.

Ngoài nuôi cá trên lòng hồ, một số hộ còn tận dụng khe suối nuôi cá bỗng, cá anh vũ-những loài cá được coi như "cá tiến vua" như gia đình anh Nguyễn Việt Hòa, thôn Bản Chợ, xã Thượng Lâm.

Cá bỗng và cá anh vũ là các loại cá quý hiếm sau 3 năm mới đạt trọng lượng 2,5 - 3 kg, mặc dù lớn chậm nhưng các loại cá này ít dịch bệnh, thịt cá chắc, rất thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng, có giá trị kinh tế cao.

Hiện nay trang trại của anh Hòa rộng khoảng hơn 2 ha với hơn 3.000 m2 mặt nước. Trên diện tích đó, anh chia ra 10 ao thả khoảng 2.500 con cá bỗng và 1.000 con cá anh vũ. Hiện số cá bỗng có trọng lượng từ 2,5 - 3 kg trở lên với giá bán trên thị trường là 250 nghìn đồng/kg, khi bán ra thị trường mang lại nguồn thu lớn cho gia đình.

Do cá quý phải nuôi trong thời gian dài mới cho thu hoạch, nên gia đình anh Hòa còn nuôi thêm loài cá ngắn ngày hơn như trắm cỏ, trôi, chép để tăng thu nhập.

Cũng như các hộ dân ở Thượng Lâm, nhiều người dân ở xã Khuôn Hà, Phúc Yên cũng tận dụng mặt nước hồ sinh thái Lâm Bình để chăn nuôi cá lồng. 

Ông Chẩu Văn Toan, Chủ tịch UBND xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) cho biết, cả xã hiện có 30 hộ nuôi hơn 50 lồng cá. Ngoài các loại cá thông thường, nhiều hộ dân nuôi thêm các loại cá đặc sản là cá bỗng, chiên đáp ứng đa dạng nhu cầu của thị trường.

Từ nuôi cá đặc sản các hộ có thu nhập ổn định, như gia đình các ông: Chúc Văn Hào, thôn Nà Chang; ông Quan Văn Sư, thôn Nà Vàng; ông Lương Văn Hùng, thôn Nà Muồng…

Toàn huyện Lâm Bình có hơn 300 lồng nuôi cá, trong đó có gần 40 lồng cá đặc sản. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển nuôi cá, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu quy hoạch, xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, góp phần tạo ra chuỗi liên kết sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm. 

Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Lâm Bình phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh Tuyên Quang thường xuyên kiểm tra các chỉ số PH, nhiệt độ, NH3, H2S… để hướng dẫn người nuôi trồng thủy sản điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế bảo đảm việc chăn nuôi thủy sản ở Lâm Bình phát triển theo hướng bền vững.







Hải Hương (Báo Tuyên Quang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem