Một ông nông dân tỉnh Tuyên Quang nuôi lợn gặp thời, thu 14 tỷ mỗi năm, ở nhà lầu, sắm xe hơi
Một ông nông dân tỉnh Tuyên Quang nuôi lợn gặp thời, thu 14 tỷ mỗi năm, ở nhà lầu, sắm xe hơi
Minh Ngọc
Thứ năm, ngày 01/10/2020 06:34 AM (GMT+7)
Trước khi trở thành tỷ phú nuôi lợn, ông Hoàng Văn Chung, trú tại xã Phú Lương, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang đã trải qua nhiều nghề để kiếm sống, từ buôn xe máy cũ, trồng rừng, nuôi bò...Với sự chịu khó học hỏi nghề nuôi lợn, đến nay, ông đã sở hữu đàn lợn thịt gần 2.000 con, doanh thu mỗi năm đạt gần 14 tỷ đồng.
Trang trại nuôi lợn thịt của ông tỷ phú nông dân Hoàng Văn Chung, xã Phú Lương, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
Tuổi trẻ đầy gian khó và sóng gió
Trò chuyện với PV Báo điện tử DANVIET.VN, ông Chung cho biết, ông là người dân tộc Cao Lan, gia đình nghèo khó, ông đã phải bươn trải kiếm sống bằng nhiều nghề, khắp các tỉnh phía Bắc ông đều đã đặt chân đến.
Ông kể, trước đây gia đình ông cũng như nhiều gia đình khác trong thôn luôn ở trong tình trạng làm ruộng, chăn nuôi nhỏ lẻ không đủ ăn, năm nào cũng thiếu ăn trong thời gian giáp hạt. Ốm đau không có tiền đi bệnh viện, con cái không được ăn no, mặc đẹp để đến trường, nhà cửa thì tạm bợ.
Khi làm nghề buôn trâu, bò, nên biết tin ở đâu bán trâu, bò là ông lại tìm đến để hỏi mua, dù có xa đến mấy. Có những đận ông Chung mải miết buôn trâu, bán bò cả tháng mới về nhà một lần.
"Bản thân tôi là người thích đi nhiều để tìm hiểu kinh nghiệm về chuyện đời, chuyện nghề, nên tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống." – ông Chung chia sẻ.
Thế rồi, cơ duyên đến, ông Chung làm việc ở một trang trại chăn nuôi lợn khép kín (từ khâu chăn nuôi lấy phân trồng cây, trồng cỏ sau đó cây lương thực, cỏ trồng lại dùng làm thức ăn chăn nuôi) ở tỉnh Hưng Yên. Làm thuê ở trang trại chăn nuôi lợn khép kín ngót 10 năm, ông Chung cũng đã tích lũy được kha khá kinh nghiệm nuôi lợn.
Năm 2000, ông Chung trở về quê hương xã Phú Lương, huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) vay mượn được hơn 7 triệu đồng. Ông đã quay vào đầu tư nuôi bò và trồng rừng. Từng bước, ông đã có của ăn của để, với thu nhập từ 40 đến 50 triệu đồng/năm.
Không an phận, sau nhiều lần đi thăm quan học tập các trang trại chăn nuôi lợn lớn ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Hưng Yên, ông trăn trở đến mất ngủ. Sau nhiều đêm thức trắng suy tính, ông Chung đã hạ quyết tâm làm giàu bằng mô hình nuôi lợn.
Theo đó, ông Chung quyết tâm thay đổi phương thức chăn nuôi lợn từ kiểu tận dụng "cơm thừa canh cặn, rau lang, bèo tây" của nhà nông, chuyển sang chăn nuôi theo hướng trang trại quy mô.
Năm 2008, ông Chung đã đi tham quan, học tập kỹ thuật chăn nuôi và mua lợn đực giống dòng CP Thái Lan, PIC ở các trang trại lợn các tỉnh Hưng Yên, TP Hà Nội. Sau đó, ông đã dồn hết vốn liếng của gia đình, vay thêm vốn từ ngân hàng và của anh em bạn bè gần 1 tỷ đồng xây dựng hệ thống chuồng trại nuôi lợn và mua thêm lợn giống.
Diện tích chuồng nuôi được xây dựng trên 1.000 m2, gồm 3 nhà chuồng, mỗi khu vực chuồng đều giành riêng cho lợn nái, lợn đẻ, lợn thịt. Vừa chăn nuôi lợn ông Chung vừa tích cực đi tham quan học tập, tham gia các cuộc hội thảo về chăn nuôi, sử dụng thuốc thú y, tìm hiểu công nghệ chăn nuôi lợn qua các phương tiện thông tin đại chúng để áp dụng trong chăn nuôi của gia đình.
Ông Chung nhớ lại, năm 2019, khi dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát mạnh, trang trại của ông đang nuôi 1.650 con lợn, trong đó có 175 con lợn nái. Để chủ động phòng chống, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi, gia đình ông đã phòng chống, tiêu độc khử trùng xung quanh chuồng trại.
"Thời điểm đó, gần như người trong gia đình, tôi yêu cầu không được đi ra ngoài. Nếu có thì phải cách ly 3 ngày mới được vào chuồng lợn" - ông Chung nói và cho biết. Nhờ làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh không chỉ bảo vệ an toàn cho đàn lợn mà còn giúp gia đình ông tránh được rủi ro, thiệt hại về kinh tế.
Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi lợn, nên đàn lợn của gia đình ông Chung luôn được bảo vệ an toàn, không xảy ra dịch bệnh.
Trong những năm trước, trang trại của ông Chung thường xuyên duy trì chăm sóc 5 đực giống và 90 con lợn nái sinh sản. Toàn bộ số lợn con được sinh ra, được chăn nuôi lợn thịt tập chung.
Trở thành tỷ phú nuôi lợn
Ông Chung cho biết, từ năm 2017 trở về trước, mỗi năm trang trại có tổng cộng đàn lợn nái sinh sản 180 lứa lợn, với 1.800 con lợn thịt, xuất chuồng 180 tấn lợn hơi.
Giá lợn hơi những năm đó luôn giao động tuỳ từng thời điểm, từ 42.000 đồng đến 48.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí gia đình anh Chung thu lãi 1 tỷ đồng mỗi năm.
Nhưng từ năm 2018 trở lại đây, giá lợn lúc lên, lúc xuống, trang trại chăn nuôi của ông Chung vẫn duy trì và phát triển lên 150 lợn nái ngoại, 1.500 con lợn thịt trở lên.
Từ đầu năm 2020 đến nay, trung bình mỗi tháng gia đình ông Chung xuất bán trên 200 con lợn thịt, trung bình mỗi con nặng 130 kg. Ông Chung bán lợn hơi với giá dao động từ 80.000 đến 105.000 đồng/kg. Sau khi trừ các chi phí, ông Chung thu lãi trên 8 tỷ đồng.
Sau nhiều năm mở trang trại chăn nuôi lợn, ông Chung cho rằng, việc chủ động được con giống tại chỗ là yếu tố quan trọng nhất kiểm soát được dịch bệnh, giúp đàn lợn tăng trưởng nhanh, chất lượng đảm bảo, luôn bán được giá cao.
Để kiểm soát dịch bệnh một cách triệt để, bảo vệ đàn lợn, ông Chung tiến hành nâng cấp hệ thống chuồng nuôi cũ theo hướng công nghiệp. Mặt khác, giải phóng mặt bằng để chuẩn bị mở rộng quy mô chuồng trại chăn nuôi hiện đại hơn, ứng dụng công nghệ cao trong năm tới.
Từ năm 2017 đến giữa năm 2019, giá lợn hơi trên thị trường xuống thấp, người chăn nuôi phải đối diện với dịch lở mồm long móng và dịch tả lợn châu Phi, ảnh hưởng đến sản xuất đàn lợn và gây tâm lý hoang mang cho người chăn nuôi. Nhưng ông Chung quyết tâm duy trì đàn lợn, ông đã chủ động tham gia học lớp thú y chăn nuôi do tổ chức JNV (Nhật Bản) tổ chức.
"Từ những lớp học chăn nuôi lợn như thế này đã giúp người chăn nuôi chúng tôi tự tin, cũng như nắm chắc được các khâu trong ngăn chặn dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học, từ đó, giữ được đàn lợn" – ông Chung nói.
Ngoài chăn nuôi lợn, hiện gia đình ông Chung còn đầu tư trồng thêm 8ha rừng bạch đàn, tạo công ăn việc làm cho 7 lao động. Mỗi năm ông trả cho công nhân khoảng 40-50 triệu đồng/người, giúp họ có cuộc sống ổn định.
Ông Chung tự hào khoe "Nhờ nguồn thu nhập từ chăn nuôi, trồng rừng, hiện gia đình đã xây dựng căn nhà lầu khang trang đồng thời mua được xe hơi gần 1 tỷ đồng phục vụ nhu cầu đi lại".
Từ năm 2015 đến nay, bản thân ông Chung trở thành "thầy giáo", thường xuyên trao đổi kinh nghiệm nuôi lợn, truyền cảm hứng cho hàng chục hộ gia đình ở địa phương cùng nhau chăn nuôi lợn vươn lên thoát nghèo. Trong các cuộc vận động làm nhà văn hóa, đường bê tông, xây dựng nông thôn mới của địa phương gia đình ông luôn đi đầu đóng góp, tham gia.
Ông Hầu Chí Bàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Lương, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang tự hào cho biết, ông Hoàng Văn Chung là điển hình trong phát triển kinh tế, là hộ chăn nuôi lợn có tiếng ở xã, ở huyện.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Chung còn tích cực, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi lợn, hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho hàng chục hộ ở xã, ở huyện, tạo động lực giúp nhiều hộ chăn nuôi vươn lên thoát nghèo.
Từ năm 2016 đến nay, ông Hoàng Văn Chung đã đóng góp gần 40 triệu đồng ủng hộ kinh phí làm nhà văn hóa, đường bê tông, xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Với sự phấn đấu, vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu bằng nghề nuôi lợn, ông nông dân tỷ phú Hoàng Văn Chung là một trong 4 nông dân tỉnh Tuyên Quang được đi dự Hội nghị đại biểu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ V, giai đoạn 2012-2017 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức. Ông Hoàng Văn Chung cũng vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng 3.
Năm 2019, tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang lần thứ III, ông Hoàng Văn Chung được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang.
Đặc biệt năm 2020, ông Hoàng Văn Chung còn vinh dự được Hội đồng chung khảo bình chọn là 1 trong 63 gương mặt nhà nông tiêu biểu nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam suất sắc".
Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2020 dự kiến được tổ chức trọng thể vào trung tuần tháng 10/2020 tại Thủ đô Hà Nội nhân Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2020).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.