Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khép lại phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ 3 về ngân hàng thuộc trách nhiệm trả lời của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng sáng nay (9/6).
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trên cơ sở những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế thời gian qua, để phát triển ngành ngân hàng lành mạnh, bền vững, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn đề nghị Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các Bộ trưởng, Trưởng ngành quan tâm thực hiện tốt một số giải pháp.
Thứ nhất, tiếp tục phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế, chi ứng kịp thời về diễn biến thị trường trong nước và quốc tế.
Hai là, tiếp tục triển khai quyết liệt Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết 11/NQ-CP về chính sách tiền tệ, tài khóa hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Đồng thời, tiếp tục phấn đấu tiết giảm chi phí và hạ lãi suất cho vay đối với nền kinh tế như Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội.
Ba là, rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý về tiền tệ, quản lý ngoại hối, vàng và hoạt động ngân hàng, bảo đảm an toàn hoạt động hệ thống các tổ chức tín dụng như tổ chức tín dụng, Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Phòng, chống rửa tiền…
Bốn là, tổ chức triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, phát triển hệ thống tổ chức tín dụng theo hướng các tổ chức tín dụng trong nước đóng vai trò chủ lực, hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch, đáp ứng các chuẩn mực về an toàn và các hoạt động ngân hàng và tiệm cận thông lệ quốc tế, phấn đấu đạt trình độ phát triển của nhóm nước dẫn đầu khu vực ASEAN năm 2025.
Năm là, tập trung xây dựng, phê duyệt, triển khai Đề án cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém, phấn đấu đến hết năm 2025 cơ bản xử lý xong các ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém, nâng cao năng lực tài chính của tổ chức tín dụng. Quan tâm cung cấp thêm vốn điều lệ cho Ngân hàng Thương mại Nhà nước và Ngân hàng có cổ phần nhà nước chi phối.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị tiếp tục ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo và sử dụng có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng.
Đồng thời, tăng cường năng lực, hiệu lực công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, thanh tra chuyên đề đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật số, đẩy mạnh ứng dụng Fintech, công nghệ tài chính trong lĩnh vực này.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về xử lý nợ xấu, thực hiện quyết liệt các biện pháp để thu hồi nợ, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh đến năm 2025 đưa nợ xấu toàn hệ thống bao gồm nợ xấu đã bán cho VAMC và xuống mức 3%.
Về tăng trưởng tín dụng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xây dựng tiêu chí phân tích chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng đảm, bảo đảm thống nhất, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị, điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng tổ chức tín dụng. Nghiên cứu hạn chế tiến tới xóa bỏ việc điều hành theo hạn mức tín dụng một cách hành chính như hiện nay.
Bên cạnh đó, có kế hoạch và giải pháp mở rộng quy mô, tăng nhanh tỷ trọng các dịch vụ ngân hàng có giá trị gia tăng cao, phi tín dụng, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cùng các Bộ trưởng tiếp tục phát triển thị trường tài chính nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng một cách lành mạnh.
Giám sát chặt để tốc độ tăng trưởng dư nợ và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Đồng thời bảo đảm cung ứng vốn cho thị trường chứng khoán, bất động sản tiếp tục phát triển lành mạnh và bền vững, quyết liệt triển khai chiến lược tài chính toàn diện, phát triển mạnh các tổ chức tài chính vi mô, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn vay.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, đơn giản quy trình, thủ tục vay vốn, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức với lãi suất phục vụ sản xuất kinh doanh, nhu cầu đời sống tiêu dùng chính đáng, góp phần hạn chế tín dụng đen, đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị tăng cường quản lý, giám sát hoạt động cung cấp, cung ứng dịch vụ ngân hàng điện tử và phối hợp với cơ quan bảo vệ pháp luật để phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm có liên quan.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan chức năng triển khai mở rộng, cho phép các ngân hàng kết nối, khai thác thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, khai thác thông tin trên thẻ căn cước công dân gắn chip, hạn chế các hành vi gian lận mạo danh, làm giả giấy tờ tùy thân khi thực hiện giao dịch ngân hàng điện tử. Đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng, hiện tượng mua bán tài khoản ngân hàng trên không gian mạng.