Dân Việt

Thuê máy xúc đào móng kè bờ, tình cờ phát lộ vật báu này trong vườn nhà một ông nông dân Quảng Ninh

Trần Minh 10/06/2022 09:26 GMT+7
Ngày 16/1/2022, gia đình ông Tẩy Văn Nhốc và bà Nguyễn Thị Huệ (thôn Lưỡng Kỳ, xã Thống Nhất, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) trong quá trình sử dụng máy xúc đào móng xây kè vườn vô tình đã làm phát lộ một chiếc trống đồng ngay bên bờ suối nhỏ.

Khi ấy gia đình ông Nhốc và người lái máy xúc đều không biết được rằng đây mới chỉ là chiếc trống đồng thứ hai được phát hiện ở Quảng Ninh.

Vật báu được phát hiện tình cờ

Để tránh cho vườn khỏi xói lở do nằm bên con suối nhỏ, gia đình ông Nhốc đã thuê máy xúc đến đào móng xây kè. Đào đến đâu xây kè đến đó. 

Buổi sáng ngày 16/1/2022, quá trình đào móng, người thợ lái máy xúc đã phát hiện dưới gàu múc một vật hình trụ tròn gần giống như cái cối đá lật ngửa nhưng thành mỏng. Anh cẩn thận dừng máy rồi gọi gia chủ tới xem. 

Mọi người cùng cẩn thận đưa vật lạ lên, xịt nước rửa sạch sẽ. Ông Nhốc báo ngay cho chính quyền xã Thống Nhất, sau đó xã báo cho Bảo tàng tỉnh. Khi cán bộ của Bảo tàng tỉnh vào khảo sát thì mới biết đó là trống đồng. Hiện vật đã được bàn giao, chuyển về Bảo tàng tỉnh ngay sau đó.

Thuê máy xúc đào móng kè bờ, tình cờ phát lộ vật báu này trong vườn nhà một ông nông dân Quảng Ninh - Ảnh 1.

Vị trí phát hiện trống đồng ngay bên bờ suối nhỏ, cách di tích - danh thắng núi Mằn khoảng 400m về phía đông. Vườn nhà ông Tẩy Văn Nhốc và bà Nguyễn Thị Huệ ở thôn Lưỡng Kỳ, xã Thống Nhất (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh).

Còn nhớ, 41 năm trước (1981), gia đình ông Đinh Khắc Lân, ở xã Quảng Chính, huyện Quảng Hà (nay là Hải Hà), trong quá trình tìm nơi an táng cho người thân cũng đã tình cờ phát hiện một chiếc trống đồng trên một quả đồi thấp, dưới mặt đất gần 1m. 

Trống đồng được lấy địa danh phát hiện để đặt tên là Trống đồng Quảng Chính và được các nhà khoa học xác định thuộc loại trống Heger I (hay còn gọi là Trống đồng Đông Sơn) - trống có niên đại sớm nhất và giá trị nhất trong các loại trống đồng xưa.

Quay trở lại chiếc trống đồng vừa được phát hiện, do chưa được Bảo tàng tỉnh tổ chức giám định, đặt tên, nên tạm gọi là Trống đồng Thống Nhất. Trống còn tương đối nguyên vẹn. Sở dĩ nói thế bởi do nằm dưới đất lâu năm, bị ôxi hoá, lại bị gàu máy xúc va phải nên trống bị vỡ một mảnh chân (rất may có thể ghép lại). 

Trống đồng có chiều cao 42cm, đường kính mặt 69,5cm, đường kính chân 66cm. Về cơ bản, trống có cấu tạo chia làm 3 phần: Tang trống hơi phình hình tròn, phần thân và chân đế được ngăn cách bởi một đường gờ nổi.

Thuê máy xúc đào móng kè bờ, tình cờ phát lộ vật báu này trong vườn nhà một ông nông dân Quảng Ninh - Ảnh 2.

Theo GS.TS Trịnh Sinh, trống đồng phát hiện ở xã Thống Nhất (bên trái) rất giống một trống đang lưu giữ ở Bảo tàng Hà Nội.

Trống đồng có 4 quai, đối xứng trên phần tang trống. Mặt trống chờm khỏi tang gần 3cm. Hoa văn được trang trí các vành trên mặt và tang, thân trống không có hình người như trống Quảng Chính mà chủ yếu là hoa văn hình học có tính chất lặp đi lặp lại. 

Ngôi sao giữa mặt trống đồng có 12 tia nhỏ, mảnh. Tính từ ngôi sao đến rìa ngoài cùng của mặt trống có 15 dải hoa văn hình tròn là những hoa văn hình học, hoa thị có tính chất lặp đi, lặp lại. Rìa mặt trống đồng có 6 tượng cóc. Trong 6 tượng cóc trên có 2 tượng là cặp cóc trong tư thế đang giao hoan.

Thuê máy xúc đào móng kè bờ, tình cờ phát lộ vật báu này trong vườn nhà một ông nông dân Quảng Ninh - Ảnh 3.

Trống đồng mới phát hiện tại xã Thống Nhất và Trống đồng Quảng Chính (bên phải) đã được công nhận Bảo vật quốc gia năm 2020.

Trong quan niệm dân gian từ xa xưa của người Việt cổ truyền đến nay, cóc là một con vật biểu tượng cầu mưa "Con cóc là cậu ông Trời”. 

Người xưa liên tưởng đến tiếng kêu của cóc với tiếng trống trầm hùng, để mỗi khi hạn hán lại mang trống ra đánh, mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Những cặp cóc này đã bổ sung vào nét đẹp phồn thực của cóc ngoài biểu tượng cầu mưa. Có thể cóc còn mang một sứ mệnh quan trọng là tượng trưng cho mong muốn phồn thực, con đàn cháu đống của người xưa.

Phần tang và thân trống có 20 dải hoa văn hình học lặp lại, giống như trên mặt trống. Điều này là khác biệt với trống đồng Quảng Chính (và những trống đồng Đông Sơn - Heger I), thường có các trang trí hình người, thú với cảnh lễ hội, đua thuyền vui nhộn.

Chủ nhân của trống đồng là ai?

Theo kết luận sơ bộ của Bảo tàng Quảng Ninh, căn cứ vào đặc điểm cấu tạo, hình dáng, hoa văn của trống đồng phát hiện tại xã Thống Nhất thì đây là trống Heger II. Trống này được phát hiện chủ yếu trong các mộ táng của người Mường ở Hoà Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, một số tỉnh Tây Bắc và vùng Hoa Nam (Trung Quốc) nên còn gọi là trống Mường. 

Hiện người Mường ở Hoà Bình, Thanh Hoá vẫn sử dụng trống này trong lễ hội, tín ngưỡng. Bảo tàng Hoà Bình cũng đang lưu giữ hơn 70 trống đồng loại này. Bảo tàng Thanh Hoá cũng lưu giữ gần 100 chiếc. Bởi gắn bó chặt chẽ với văn hoá của người Mường, nên người ta còn gọi trống đồng Heger II là trống Mường.

Thuê máy xúc đào móng kè bờ, tình cờ phát lộ vật báu này trong vườn nhà một ông nông dân Quảng Ninh - Ảnh 4.

Từ vị trí phát hiện trống đến chân núi Mằn - di tích lịch sử - danh thắng quốc gia của TP Hạ Long chỉ khoảng 400m.

Khi xem xét tỉ mỉ bản ảnh và quá trình phát hiện trống, GS,TS Trịnh Sinh, nguyên Trưởng Phòng Thời đại kim khí (Viện Khảo cổ học) - một chuyên gia nghiên cứu về trống đồng của Việt Nam nhận định đây là trống Heger II, được chế tác vào khoảng đầu Công nguyên đến cuối thế kỷ IX. Hiện Bảo tàng Hà Nội cũng có 1 trống đồng gần giống như trống này.

Vùng đất Quảng Ninh, cả về điều kiện tự nhiên, địa lý, lịch sử và đến ngày nay không phải địa bàn cư trú của người Mường. Vậy chiếc trống phát hiện ở Lưỡng Kỳ kia vì sao lại xuất hiện tại vùng đất ven biển Quảng Ninh? Phải chăng nó là sản phẩm của quá trình giao thoa văn hoá giữa người Việt ven biển và người Mường ở vùng trên? Giữa người Việt cổ và người Mường có mối quan hệ văn hoá như thế nào trong lịch sử?

Theo vị trí thực tế cho thấy, trống đồng được gia đình ông Nhốc phát hiện bên bờ một con suối nhỏ, cách mặt đất khoảng 1,5m. Gọi là suối nhưng con suối này chỉ nhiều nước vào mùa mưa. Mùa khô, nước rất ít. Điểm đến của con suối là sông Bân, nằm ven núi Mằn - di tích lịch sử văn hoá quốc gia. 

Từ vị trí phát hiện trống đồng đến chân núi Mằn khoảng 400m. Trước khi gia đình ông Nhốc định cư ở đây, vùng này là bán sơn địa, địa hình lồi lõm, không thể trồng lúa, mà chỉ có thể trồng cây ăn quả.

GS,TS Trịnh Sinh cho biết thêm, trống đồng phát hiện ở Thống Nhất có thể nói lên nhiều vấn đề về lịch sử văn hoá của Quảng Ninh. Có thể suy đoán là vùng ven biển Hạ Long ngày xưa có nhiều tộc người, có thể có cả nhóm người chủ nhân của trống đồng Thống Nhất, mà các nhà khoa học cho rằng cho đến ngày nay người Mường vẫn sử dụng trống loại này mà vẫn được mệnh danh là trống Mường.

Thuê máy xúc đào móng kè bờ, tình cờ phát lộ vật báu này trong vườn nhà một ông nông dân Quảng Ninh - Ảnh 5.

Trang trí hoa văn mặt trống đồng phát hiện tại xã Thống Nhất, TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh).

Trống đồng Quảng Chính đã được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2020. Sự hiện diện của nó đủ chứng minh Quảng Ninh cùng với di tích Đầu Rằm (Hoàng Tân, Quảng Yên), Hòn Hai - Cô Tiên (TP Hạ Long) từng có một giai đoạn người Việt cổ phát triển ở nền Văn minh Đông Sơn rực rỡ. 

Nói như GS,TS Trịnh Sinh, sự xuất hiện của trống đồng Thống Nhất gợi mở thêm rất nhiều điều về lịch sử, văn hoá vùng đất Quảng Ninh. Bởi vậy, phát hiện này, bảo vật này cực kỳ có ý nghĩa khi được các nhà khoa học giải mã.

Chúng tôi sẽ trở lại câu chuyện này với bạn đọc vào một dịp gần nhất.

Trống đồng Heger II được phân bố chủ yếu ở vùng Hoa Nam (Trung Quốc) và Bắc Việt Nam. Ở nước ta, trống đồng Heger II chiếm số lượng nhiều ở các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa.

Loại trống đồng này thường có kích thước lớn và nét dễ nhận ra là mặt trống chờm ra khỏi tang trống, có 4 hoặc 6 tượng cóc chân cao, một vài trống thay tượng cóc bằng tượng chim hay tượng rùa, tượng voi...

Dáng trống đồng dường như được chia thành tang trống, thân trống và chân trống nhưng phổ biến, phần thân trống và chân trống choãi dần đều, chỉ phân định bằng một đường gờ, nên có cảm giác trống chỉ có hai phần là tang và thân trống.

Về phân loại và niên đại loại trống đồng này chưa được nghiên cứu nhiều. Trước đây, có nhà nghiên cứu chia trống Heger II thành 2 nhóm: Nhóm trống Vĩnh Phú, Ninh Bình, Thanh Hóa và nhóm trống Nghệ An.

Trong Hội nghị khoa học về trống đồng Việt Nam năm 1985, có nhà nghiên cứu chia thành 3 nhóm (thiên niên kỷ I sau Công nguyên, thời Lý - Trần và sau thời Trần, có người chia thành 5 nhóm (nhóm I: Niên đại từ thế kỷ III-II trước Công nguyên đến cuối thiên niên kỷ I sau Công nguyên; nhóm II: Niên đại từ thế kỷ XI đến XIV; nhóm III từ thế kỷ XV đến XVIII; nhóm IV có niên đại từ thế kỷ XVIII đến XIX và nhóm V có niên đại từ thế kỷ XIX).

Về chủ nhân của trống đồng Heger II, do tuyệt đại đa số đều phát hiện và khai quật được trong mộ táng và trong khu vực cư trú của đồng bào Mường, nên thường gọi là “Trống Mường”. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cho rằng, chủ nhân của trống đồng Heger II phát hiện được ở Việt Nam là người Việt - Mường (trước thế kỷ X) và người Kinh (từ sau thế kỷ X) đúc ra và đưa lên miền núi bằng nhiều hình thức khác nhau.

Thật ra, việc phân định chủ nhân trống đồng Heger II là người Việt hay người Mường chỉ có tính chất tương đối, bởi vì Việt - Mường đều có chung một cội nguồn và trong quá trình phát triển lâu dài đã có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, ảnh hưởng qua lại lẫn nhau.

GS, TS khoa học Lưu Trần Tiêu