Dân Việt

Điều chỉnh điểm cộng ưu tiên trong Quy chế tuyển sinh đại học 2022: Thí sinh điểm cao sợ bị thiệt

Tào Nga 12/06/2022 09:44 GMT+7
Từ năm 2023, mức điểm cộng ưu tiên khu vực cho các thí sinh đạt từ 22,5 điểm trở lên sẽ giảm dần đang là chủ đề gây tranh cãi.

Thay đổi điểm cộng ưu tiên chưa hợp lý?

Bộ GDĐT mới đây cho biết, quy chế và công tác tuyển sinh năm 2022 cơ bản được giữ ổn định, tuy nhiên có 8 điểm mới được điều chỉnh nhằm khắc phục những khó khăn và bất hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh, các cơ sở đào tạo.

Trong 8 điểm mới này có 2 điểm chú ý đó là từ năm 2023, thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp để xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Và đặc biệt, việc tính mức điểm ưu tiên được điều chỉnh nhằm tạo sự công bằng giữa các nhóm thí sinh thuộc các khu vực và đối tượng khác nhau. 

Điều chỉnh điểm cộng ưu tiên trong quy chế tuyển sinh đại học 2022: Thí sinh điểm cao lo sợ bị thiệt - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh: Phạm Hưng

Cụ thể, Quy chế tuyển sinh đại học 2022 đã quy định mức điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên (trên tổng điểm 30 tối đa của mỗi tổ hợp 3 môn, tương đương 7,5 điểm trên thang điểm 10) được giảm tuyến tính (tới 30 điểm thì mức điểm ưu tiên bằng 0), theo công thức: Mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng = [(30 - Tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x Tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường.

Ví dụ, nếu lấy mốc 24 điểm, thì những thí sinh đạt từ 24 điểm/3 môn trở xuống vẫn sẽ được hưởng điểm ưu tiên như hiện nay. Nhưng nếu thí sinh đạt mức 25 điểm sẽ chỉ còn được hưởng 5/6 mức điểm ưu tiên, 27 điểm chỉ còn 3/6… Thí sinh 30 điểm thì không còn được điểm ưu tiên. Như vậy sẽ không có thí sinh có điểm xét vượt quá 30, các ngành điểm cao việc cạnh tranh sẽ công bằng hơn.

Liên quan đến điều thay đổi trên, nhiều thí sinh đã bày tỏ ý kiến đồng tình với quy chế tuyển sinh mới của Bộ GDĐT.

Tuy nhiên, cũng có nhiều thí sinh lo lắng. Em Tiến Lợi, học sinh lớp 12A7, Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh, Thái Bình nói: "Với 8 điểm mới trong kỳ tuyển sinh đại học sẽ là tạo cơ hội, thuận lợi cho chúng em. Tuy nhiên, điểm cộng ưu tiên thay đổi như vậy em thấy chưa hợp lý. Sẽ bất công với những bạn học tốt hơn ở những vùng ưu tiên. Em nghĩ nếu đã để ưu tiên thì mọi thí sinh bằng nhau còn không thì nên bỏ hẳn".

Em Đặng Thuỳ Linh, học sinh Trường THPT Tân Sơn, Phú Thọ bày tỏ: "Điều chỉnh trong kỳ thi THPT và thi đại học năm nay thật ra không khác lắm so với các năm. Với điểm ưu tiên thì sẽ khiến cho chúng em ở khu vực 1 thiệt thòi. Chúng em nỗ lực hết mình nhưng đến giai đoạn cuối điểm ưu tiên lại thay đổi. Điều này khiến cho em thấy mình phải cố gắng hơn nữa vì chỉ cần chênh từ 22,5 với 22 là bạn em sẽ ngang điểm em hoặc hơn".

Thùy Linh cho hay: "Em nghĩ không nên thay đổi quy chế vì chúng em đi học vất vả hơn các bạn thành phố. Bản thân em phải đạp xe gần 15km mỗi ngày cả đi cả về, mùa hè nóng nực, mùa đông sương muối. Vì vậy em đề xuất nên giữ ưu tiên như cũ".

Một học sinh khác cũng cho rằng, cách cộng điểm ưu tiên mới không công bằng: "Học sinh nỗ lực mới được điểm cao nhưng điểm cao lại càng cộng ít thì thật vô lý". Một học sinh khác cũng bày tỏ: "Nếu không cộng thì tất cả không cộng, còn nếu cộng thì nên giống nhau. Tất cả học sinh đều phải được bình đẳng về quyền lợi".

Em Hán Văn Linh, học sinh Trường THPT Mỹ Văn, Tam Nông, Phú Thọ chia sẻ: "Với 8 điểm mới của Quy chế tuyển sinh đại học 2022, em không thích nhất là đăng ký qua mạng vì gây bất tiện cho chúng em. Nên để cả đăng ký trực tuyến cả đăng ký giấy. Còn các điểm khác em thấy hợp lý. Điểm cộng ưu tiên em nghĩ không nên để nữa vì sẽ khiến mất công bằng".

Thí sinh tự do lo thiệt vì điểm cộng ưu tiên

Liên quan đến việc cộng điểm, nhiều thí sinh tự do bày tỏ niềm vui khi Bộ GDĐT sửa đổi thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp để xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Như vậy, các thí sinh không may mắn bị trượt phải thi lại năm sau vẫn được hưởng quyền lợi như cũ. 

Tuy nhiên, cũng có quan điểm nên giữ mức cộng như áp dụng trong năm đầu tiên dự thi vì những thí sinh thi lại thường là những thí sinh lực học không thuộc loại khá, giỏi. Nhiều em thuộc có hoàn cảnh khó khăn vừa học vừa phải đi làm. 

Em Thùy Linh, ở quận Hà Đông, Hà Nội cho hay: "Tại sao thí sinh tự do thi lại năm 2, năm 3 lại không được cộng điểm ưu tiên? Việc học rồi lại tự học rất gian nan với nhiều bạn như em. Tâm lý thi lại rất căng thẳng, kiến thức dễ mai một trong khi còn phải vừa học, vừa làm, vừa giúp đỡ gia đình vất vả. Đối với chúng em dù chỉ 0,1 điểm cũng đã quyết định tương lai phía trước rồi". 

Nhiều thí sinh khác cho biết, rất ủng hộ, hoan nghênh Bộ GDĐT đã điều chỉnh quy chế tuyển sinh. Ví dụ việc bỏ nhập học trước của các trường và không cần photo công chứng bảng điểm để nộp là hợp lý vì tốn thời gian và tiền bạc cho các thí sinh.

Chia sẻ với PV báo Dân Việt về điểm cộng ưu tiên, thầy Mai Văn Đạt, Bí thư Đoàn Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 Nghệ An bày tỏ quan điểm, với quy định mới này sẽ bất lợi cho học sinh vùng khó khăn. 

Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 Nghệ An có số học sinh ở nội trú 100%. Thầy Đạt cho hay: "Trường có tới 95% học sinh dân tộc thiểu số. Điều kiện học của các em tương đối khó khăn như là con hộ nghèo, mồ côi... Tuy nhiên, các em đã luôn cố gắng nỗ lực học tập.

Thầy Nguyễn Mạnh Hà, giáo viên dạy Toán ở Hà Nội cũng bày tỏ: "Việc cộng điểm ưu tiên là dành cho các thí sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, tạo điều kiện công bằng trong tiếp cận giáo dục. Nhưng tuyển sinh đại học với nguyên tắc đầu tiên là chọn được người giỏi, người phù hợp. Do đó với việc quy định này vô hình chung phân biệt giữa học sinh kém thì được cộng điểm ưu tiên còn học sinh giỏi lại không được cộng".

Tuy nhiên, một số giáo viên khác bày tỏ quan điểm đồng tình với điều chỉnh của Bộ GDĐT. Đây là phương án hữu hiệu nhằm tránh trường hợp điểm chuẩn vượt quá 30 và hiện tượng 27-28 điểm vẫn trượt đại học đã xảy ra ở một số năm vừa qua gây ồn ào trong dư luận. 

Chia sẻ về sửa đổi quy chế tuyển sinh năm 2022, Bộ GDĐT cho hay, việc áp dụng chính sách xã hội là cần thiết, tuy nhiên tổng số thí sinh thuộc diện hưởng các ưu tiên khác nhau là rất lớn, chiếm tới 75% tổng số thí sinh tốt nghiệp hàng năm. Áp dụng chính sách ưu tiên là nhằm giúp tăng tiếp cận giáo dục và đào tạo bậc cao đối với các thí sinh ở vùng khó khăn và thuộc đối tượng yếu thế. Thế nhưng cũng cần đảm bảo sự công bằng, tránh để sự hỗ trợ đó lại làm nhóm thí sinh khác bị bất lợi và yếu thế.