Tuyển sinh đại học 2022: Thí sinh than thở vì điểm cộng ưu tiên khu vực

Thu Thủy Thứ tư, ngày 08/06/2022 06:37 AM (GMT+7)
Trong những năm gần đây, điểm cộng ưu tiên khu vực vẫn gây ra nhiều tranh luận. Theo dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2022 của Bộ GDĐT, thí sinh tự do sẽ không được cộng điểm ưu tiên. Điều này khiến thí sinh xét tuyển lại đại học lo lắng.
Bình luận 0

Điểm cộng ưu tiên khu vực: Thí sinh kêu chưa hợp lý

Nguyễn Phương Anh (sinh năm 2003) là một thí sinh tự do tại tỉnh Phú Thọ năm nay dự định xét tuyển đại học lại. Gia đình của Phương Anh ở huyện Lâm Thao, nhưng do khoảng cách địa lý và theo nguyện vọng cá nhân, năm lớp 10, nữ sinh theo học tại Trường THPT Việt Trì. Theo quy định của Bộ GDĐT, thí sinh học liên tục và tốt nghiệp tại khu vực nào sẽ được hưởng ưu tiên theo khu vực đó. TP.Việt Trì là khu vực 2 nên Phương Anh được cộng 0,25 điểm ưu tiên.

Chia sẻ với Dân Việt, Phương Anh cho biết, năm 2021, nữ sinh nộp hồ sơ xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT vào ngành Kế toán của Đại học Giao thông Vận tải với tổ hợp xét tuyển là A00, tổng điểm của Phương Anh là 25,15. Kể cả điểm cộng ưu tiên khu vực, Phương Anh được 25,40 trong khi điểm trúng tuyển là 25,50, nữ sinh đã trượt rất đáng tiếc.

"Nếu em học ở địa bàn huyện Lâm Thao - khu vực 2 nông thôn -  thì có lẽ em đã vừa đủ điểm trúng tuyển. Chỉ hơn kém nhau 0,25 điểm thôi cũng là hai mốc khác biệt có sự cạnh tranh rất khốc liệt", nữ sinh này bùi ngùi nói.

Năm ngoái, Phương Anh đỗ một ngành khác ở một trường tại Hà Nội, tuy nhiên, nữ sinh quyết định ôn tập lùi lại một năm và bất ngờ khi nhận được thông tin theo dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2022, thí sinh tự do sẽ không được cộng điểm ưu tiên khu vực.

"Nếu Bộ GDĐT công bố quy chế đúng theo dự thảo, các thí sinh tự do như em khó "có cửa" vào đại học dù em cũng đã gửi hồ sơ xét tuyển học bạ và đang đợi kết quả", Phương Anh cho hay.

Tuyển sinh đại học 2022: Thí sinh than thở vì điểm cộng ưu tiên khu vực  - Ảnh 1.

Giám thị kiểm tra thông tin của thí sinh trước giờ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh: Tuệ Mẫn

Phạm Tiến Tài, học sinh lớp 12 tại một trường THPT ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho rằng, hiện nay, các thí sinh ở khu vực 3 không được cộng điểm ưu tiên, như vậy là rất thiệt thòi trong xét tuyển đại học.

"Em có tham gia trại hè với nhiều bạn cùng tuổi ở các tỉnh khác, gia đình các bạn ấy rất khá giả, học trường loại tốt không thua kém gì chúng em nhưng kỳ tuyển sinh đại học năm nay theo quy chế các bạn ấy chắc chắn vẫn được cộng điểm ưu tiên. Em nghĩ quy định về điểm ưu tiên chưa hợp lý, chỉ nên cộng điểm cho những bạn có hoàn cảnh thực sự khó khăn ở vùng sâu vùng xa, và đúng người được hưởng điểm ưu tiên chứ không nên cộng chung theo khu vực", Tài cho biết.

Điểm cộng ưu tiên khu vực vẫn gây nhiều tranh cãi

Điểm cộng ưu tiên khu vực đã được điều chỉnh theo nhiều giai đoạn. Trước năm 2003, thí sinh được cộng nhiều nhất 3 điểm ưu tiên khu vực. Từ năm 2004 đến 2017, thí sinh được cộng tối đa là 1,5 điểm. Và từ 2018, điểm ưu tiên khu vực cao nhất là 0,75 .

Theo dự thảo do Bộ GDĐT công bố, mức điểm cộng ưu tiên khu vực vẫn giữ nguyên: thí sinh khu vực 1 được cộng 0,75 điểm; khu vực 2 nông thôn là 0,5 điểm; khu vực 2 là 0,25 điểm. Tuy nhiên, dự thảo quy định chỉ cộng điểm ưu tiên khu vực với thí sinh tốt nghiệp THPT năm nay.

Quy định điểm cộng ưu tiên khu vực đã gây tranh cãi trong nhiều năm, và đến nay, vẫn có những ý kiến trái chiều do quy định đối tượng hưởng điểm còn bất cập, chưa hợp lý.

Tuyển sinh đại học 2022: Thí sinh than thở vì điểm cộng ưu tiên khu vực  - Ảnh 2.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại điểm thi Trường phổ thông Duy Tân, TP.Tuy Hòa, Phú Yên. Ảnh: T.H

Theo các chuyên gia tuyển sinh, việc cộng điểm ưu tiên theo kiểu đại trà dễ dẫn tới bỏ sót người tài thực sự, ưu tiên không đúng người.

"Trong bối cảnh xã hội có nhiều thay đổi, mặc dù quy định về điểm cộng ưu tiên khu vực đã được điều chỉnh nhưng vẫn có những bất cập cần chỉnh sửa thêm. Với phổ điểm như năm ngoái có thể thấy, việc cạnh tranh vào đại học là khá lớn. Với các trường top trên, thí sinh chỉ 0,1 điểm cũng có thể quyết định đỗ hay không", một chuyên gia tuyển sinh nói với Dân Việt.

Còn theo TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, tại Việt Nam, sự thụ hưởng từ phúc lợi xã hội còn chưa đồng đều. Chính sách cộng điểm ưu tiên nhằm khuyến khích, hỗ trợ các thí sinh vùng nông thôn, điều kiện học tập khó khăn hơn thành thị và chỉ nên bỏ điểm ưu tiên khi đã đảm bảo được sự bình đẳng, công bằng giữa các vùng miền, khu vực.

Bộ GDĐT nhận ra bất hợp lý về điểm cộng ưu tiên khu vực

Mới đây, chia sẻ với báo chí, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho biết qua phân tích dữ liệu thi và kết quả học tập, phổ điểm 4 khu vực tuyển sinh của thí sinh, bộ đã nhận ra một số bất hợp lý trong việc cộng điểm ưu tiên khu vực, trong đó diện được ưu tiên chiếm đa số, trong khi diện không được ưu tiên (khu vực 3) chiếm thiểu số. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng cho hay bộ đang cân nhắc việc cho phép thí sinh được hưởng ưu tiên theo lần hay theo năm. Nếu theo lần, thí sinh chỉ được hưởng một lần ưu tiên. Nếu theo năm, bộ sẽ quy định thí sinh chỉ được hưởng điểm ưu tiên trong 2 năm liên tiếp, kể từ năm các thí sinh tốt nghiệp THPT. Song nếu thực hiện, quy định này sẽ bắt đầu từ kỳ tuyển sinh năm 2023.

Tuyển sinh đại học 2022 - Nhiều điểm mới mà phụ huynh, sĩ tử cần nhớ. Clip: VTC Now

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem