Trả lời PV Dân Việt, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài chính) nhấn mạnh: Đây là thời điểm nên bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu bởi vai trò của Quỹ đã hoàn thành, không còn lý do để duy trì.
"Quỹ Bình ổn giá xăng dầu bản chất và cơ chế hoạt động là thu lúc giá xuống, sử dụng trong lúc giá cao để giảm bớt biến động của giá xăng dầu theo giá thị trường thế giới", ông Ánh nói.
Theo vị này, mỗi lần thu chỉ có mấy trăm đồng/lít, nên quy mô quỹ nhỏ, cao lắm chỉ được vài nghìn tỷ đồng. Nếu biến động ít, Quỹ còn có thể sử dụng được, tỏ rõ được vai trò nhưng biến động nhiều như hiện nay, tăng liên tục thì dùng không tác dụng gì cả", ông Ánh nói.
Theo ông Ánh, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu bản chất là thu thêm trong giá xăng nên tác dụng của nó chỉ thể hiện được khi giá xăng tăng xong lại giảm mà thôi, còn giá xăng tăng liên tục thì không.
TS. Ánh nhấn mạnh: "Nếu giá xăng tăng liên tiếp, vô hình số thu vài trăm đồng/lít xăng khiến cho quỹ thất thu, phải chi liên tục nên quỹ này chẳng để làm gì so với biến động giá xăng dầu hiện nay".
Thực tế, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hình thành và áp dụng từ năm 2009, trong 13 năm hoạt động, theo đánh giá của các chuyên gia, ở những thời điểm nhất định, quỹ có vai trò giúp giảm đà tăng giá xăng dầu cũng như các tác động bất lợi của giá xăng dầu đối với nền kinh tế.
Theo TS. Vũ Đình Ánh, "Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã hoàn thành vai trò lịch sử của mình. Đến thời điểm này, Quỹ Bình ổn không còn phù hợp, tác dụng can thiệp đến thị trường là rất nhỏ, không đáng kể, tôi đề nghị bỏ nhiều năm trước đây rồi".
Cũng trao đổi với PV Dân Việt, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho rằng: Hiện nay Quỹ Bình ổn không cần thiết khi giá xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường.
"Đối với giá xăng dầu, định hướng giá xăng dầu của Việt Nam tiệm cận đến giá thị trường thì chẳng có lý do gì để tồn tại Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cả. Quỹ bình ổn là hình thái can thiệp của nhà nước vào giá xăng, chúng ta đang muốn sửa đổi cơ chế, chính sách nên cần loại bỏ", ông Bảo nói.
Về những thắc mắc xung quanh việc quản lý quỹ, thu chi và lợi ích của doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam khẳng định: Doanh nghiệp chẳng được lợi lộc gì, nếu doanh nghiệp nào sử dụng âm thì lại phải vay nợ ngân hàng, chịu khoản lãi để bù giá. Doanh nghiệp đầu mối xăng dầu không hề mong muốn.
Theo ông Vũ Ngọc Bảo, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là công cụ kiểm soát giá, là cần thiết từ giác độ quản lý về vĩ mô của Nhà nước, còn đứng ở góc độ doanh nghiệp, người ta không cần, không được lợi.
"Quỹ do doanh nghiệp quản lý, nằm ở tài khoản doanh nghiệp, nhưng quy định, định đoạt phải gửi ở tài khoản nhất định, không được đụng chạm gì cả. Khi âm quỹ, giá xăng dầu tăng cao, doanh nghiệp vẫn phải trích tiền xả quỹ, vốn không có lại lo vay nặng nợ ngân hàng", ông Bảo nhấn mạnh.
Thực tế, tại dự thảo sửa đổi Luật Giá được Bộ Tài chính đưa ra, cơ quan soạn thảo có đưa vấn đề tham chiếu hàng ngày đối với giá xăng dầu là căn cứ để doanh nghiệp cung ứng xăng dầu trong nước tính giá xăng dầu. Đây là điểm mới, bởi theo quy định tại Nghị định 95/2021/NĐ-CP hiện trung bình cứ 10 ngày liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ tham chiếu giá cơ sở ở Singapore để điều chỉnh giá xăng dầu.
Ông Bảo nhấn mạnh: Quy định này rõ ràng hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đưa ra giá thị trường sát hơn, có động thái tăng, giảm xăng chủ động sát với diễn biến giá xăng dầu thế giới và khu vực.
"Thay vì 10 ngày các cơ quan chức năng xem xét điều chỉnh giá xăng dầu thì quy định tham chiếu giá từng ngày tạo cơ hội cho doanh nghiệp điều chỉnh giá sát diễn biến của thị trường", ông Bảo nhấn mạnh.
Tuy nhiên, vị đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, nếu thả lỏng giá thì cơ quan chức năng cần rà soát, kiểm soát giá chặt chẽ, tạo nguồn cung chủ động ngăn chặn doanh nghiệp bắt tay nhau câu kết, làm giá để trục lợi, gây bất ổn thị trường.
Tuy nhiên, đánh giá về vai trò của quỹ, đại diện Hiệp hội nhấn mạnh: Quỹ Bình ổn thời gian qua đã vận hành tương đối tốt là kiềm chế sự tăng giá quá đột ngột ở những lần tăng giá mạnh.
"Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu trong suốt thời gian qua đã tỏ rõ vai trò, tác dụng của việc kiềm chế giá xăng dầu, để không tăng nóng. Nhà nước có lúc thì thay đổi từ 15 ngày, lại 10 ngày điều chỉnh giá xăng một lần, nhưng thời điểm như vậy quỹ phải trích tiền ra để bù vào thiếu hụt, nếu không thì thị trường sẽ biến động tiêu cực ngay", ông Bảo nói.