Giá xăng dầu tăng kỷ lục, doanh nghiệp sản xuất nhỏ đứng trước "bờ vực"

Mạnh Hoàng Thứ ba, ngày 14/06/2022 16:08 PM (GMT+7)
Các doanh nghiệp nhỏ vừa trải qua cú sốc vì dịch bệnh nay lại phải đối mặt với giá xăng dầu tăng cao. Nhiều doanh nghiệp sản xuất đang đau đầu tìm cách ứng phó, thậm chí đứng trước bờ vực đóng cửa.
Bình luận 0

Giá xăng dầu tăng nhưng doanh nghiệp nhỏ khó điều chỉnh giá sản phẩm

Tính đến ngày 13/6, giá xăng dầu trong nước đã có lần thứ 6 điều chỉnh tăng liên tiếp, chuỗi tăng giá hơn 50 ngày ghi nhận mức tăng từ 4.600 đến 5.100 đồng/ lít xăng E5 và Ron 95. Đây là mức tăng giá xăng dầu mạnh và chuỗi tăng giá liên tục dài nhất trong những năm gần đây.

Đáng chú ý, giá dầu Diesel tăng cao hơn, ở mức 2.630 đồng/lít, dầu hỏa tăng 2.490 đồng/lít. Điều này gây lo ngại cho các hãng vận tải hành khách, hàng hoá khi giá xăng dầu hiện chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí đầu vào của các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp sản xuất nhỏ đau đầu trước giá xăng  - Ảnh 1.

Giá xăng dầu liên tục tăng cao. Ảnh DV

Xăng dầu tăng gây lo ngại đến tăng trưởng, lạm phát và đời sống của người dân. Xăng dầu tăng giá làm đội chi phí cho các hãng vận tải, tăng chi phí logistics và tăng giá hàng hoá, đặc biệt trong bối cảnh chi phí vận tải, logistics của Việt Nam thuộc hàng đắt đỏ nhất thế giới.


Anh Lê Duẩn, chủ doanh nghiệp sản xuất cơm cháy Hải Nam (Tân Châu, Thiệu Hoá, Thanh Hoá) chia sẻ: "Doanh nghiệp mới khai trương nhưng đang đau đầu vì giá xăng dầu tăng cao. Trong khi đó, lương công nhân phải đáp ứng đủ, giá thành sản phẩm phải giữ nguyên nên doanh nghiệp đang vô cùng khó khăn".

Anh Duẩn cho biết thêm, doanh nghiệp của mình chỉ là một doanh nghiệp nhỏ, có vài thiết bị chạy bằng dầu cùng một số xe vận tải, mặt hàng sản xuất không phải độc quyền nên nếu tăng giá thành sản phẩm sẽ rất dễ mất khách và đối tác.

Các doanh nghiệp sản xuất nhỏ đau đầu trước giá xăng  - Ảnh 2.

Xưởng sản xuất cơm cháy Hải Nam của anh Lê Duẩn (xã Tân Châu, Thiệu Hoá, Thanh Hoá). Ảnh DNCC

Với tình hình hiện nay, doanh nghiệp cũng chỉ có thể chờ đợi Nhà nước có những chính sách và bình ổn được giá xăng dầu để doanh nghiệp dễ thở hơn.

Gặp phải khó khăn tương tự, chị Nguyễn Thị Tâm, chủ một doanh nghiệp may mặc ở phường Xuân Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ: "Dịch bệnh vừa đi qua, bản thân các doanh nghiệp cũng đang gặp nhiều khó khăn. Người dân đang ít tiền nên sức mua cũng kém. Khi giá xăng dầu tăng như hiện nay để ổn định cung cầu rất khó. Chính vì vậy doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi, khó khăn chồng chất khó khăn".

Các doanh nghiệp sản xuất nhỏ đau đầu trước giá xăng  - Ảnh 3.

Khó khăn đến với các doanh nghiệp nhỏ khi giá xăng dầu tăng nhưng giá sản phẩm rất khó để điều chỉnh. Ảnh DNCC

Nói thêm về ảnh hưởng khi giá xăng dầu tăng, chị Hạnh cho biết, lương công nhân đang trở thành một vấn đề nổi cộm, khi giá xăng tăng người lao động cũng đòi hỏi việc tăng lương để đảm bảo cuộc sống. Vì vậy, công ty của chị Hạnh trước đó cũng đã tăng 20% lương cho người lao động. Tuy nhiên giá xăng lại tiếp tục lên giá, trong khi sức mua kém đi, doanh số đi xuống nên doanh nghiệp đang lao đao tìm cách tháo gỡ khó khăn, thậm chí đã tính toán đến bước đóng cửa doanh nghiệp.

"Giá xăng tăng, tất cả nguyên liệu đầu vào tăng theo, sản phẩm tăng giá rất khó bán được hàng. Đặc biệt trong tình trạng hồi phục kinh tế sau dịch Covid đã rất vất vả để vượt qua, mong Nhà nước có những hỗ trợ cho người dân, rất mong giá xăng sẽ ổn định và thời gian tới sẽ giảm để doanh nghiệp ổn định trở lại", chị Tâm bùi ngùi chia sẻ.

Doanh nghiệp phải hạn chế tối đa sử dụng đến phí xăng dầu

Với tình hình giá xăng đang ở mức cao như hiện nay, chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định: "Nói chung giá xăng dầu Việt Nam phụ thuộc nhiều vào giá xăng dầu thế giới. Hiện nay hầu hết các doanh nghiệp sản xuất đều có sử dụng đến giao thông vận tải để có nguyên vật liệu đầu vào và vận chuyển hàng hoá đầu ra. Chính vì vậy dù cho có doanh nghiệp sử dụng nhiều hay doanh nghiệp sử dụng ít xăng dầu thì đều phải chịu khó khăn cả".

Nói về các biện pháp hạn chế và giảm thiểu được tối đa chi phí liên quan đến xăng dầu, PGS.TS Định Trọng Thịnh nêu: Về biện pháp, trước tiên bản thân các doanh nghiệp phải tiết kiệm tối đa việc sử dụng xăng dầu đồng thời phải có kế hoạch sử dụng hiệu quả, đỡ lãng phí nhất có thể.

Thứ 2 các doanh nghiệp vận tải phải xem xét để có thể vận tải hai chiều tránh trường hợp chạy xe rỗng. Lúc đó sẽ nâng cao được quá trình vận chuyển và giảm được chi phí sản xuất của doanh nghiệp.

Thứ 3, Các doanh nghiệp vận tải cần giảm bố trí, kế hoạch hoá thời gian chờ đợi, thời gian lưu kho lưu bãi của hàng hoá cũng như thời gian chờ đợi của xe vận chuyển. Khi đó cũng sẽ giảm được chi phí, như xe máy lạnh một ngày chờ đợi là mất rất nhiều xăng dầu, lưu kho lưu bãi thì rất tốn kém.

Thứ 4, các doanh nghiệp cần liên doanh liên kết với các doanh nghiệp cùng ngành cũng như các doanh nghiệp khác ngành, để từ đó tận dụng được những cái lợi thế trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Theo đó có thể hỗ trợ cho quá trình phát triển đồng thời giảm bớt được khó khăn như hiện nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem