Xưởng cơ khí của ông Vũ Văn Dung, luôn tấp nập người ra vào nhờ sửa chữa, chế tạo các loại máy nông cụ.
Ông Dung ngày nhỏ mới chỉ học đến lớp 5. Lớn lên, thời trai trẻ ông cũng bôn ba nhiều nơi, học và làm nhiều nghề mưu sinh. Nhưng không có nghề nào mà ông ưng như nghề sửa xe máy để rồi nó vận vào thân đến tận ngày hôm nay.
Trò chuyện với phóng viên, ông Vũ Văn Dung - chủ xưởng cho biết: "Trước đây tôi mưu sinh bằng nghề sửa chữa xe máy. Năm 2005, tình cờ tôi đi ra ngoài đồng thấy người nông dân lội bùn lầy để vác, kéo… từng bó (đon) lúa lên bờ mà thương".
"Tôi về nhà suy nghĩ phải làm gì đó giúp nông dân tăng năng suất lao động, tiết kiệm sức người trong khi thu hoạch lúa. Tôi nghĩ là làm, tôi sử dụng động cơ của xe máy cũ chế thành máy kéo lúa. Khi đem ra đồng thực nghiệm, máy kéo lúa thấy hiệu quả hơn ngoài sức mong đợi, bà con phấn khởi, tôi cũng thấy vui theo"- ông Dung tâm sự.
"Các nông cụ tôi chế tạo luôn được người dân tin tưởng sử dụng bởi máy dùng ít nhiên liệu, giá thành rẻ… Đặc biệt, tính thuận tiện cao, phụ tùng thay thế luôn có sẵn nên được mọi người ưa chuộng".
Ông Vũ Văn Dung
Từ lần làm ra chiếc máy kéo lúa, ông Dung tiếp tục mày mò, sáng chế ra nhiều loại máy khác từ động cơ xe máy cũ như: Máy phát điện, máy bơm nước, máy tời… sau này là chiếc máy cày đa năng.
Ông Dung kể: "Các nông cụ tôi chế tạo luôn được người dân tin tưởng sử dụng bởi máy dùng ít nhiên liệu, giá thành rẻ... Đặc biệt, tính thuận tiện cao, phụ tùng thay thế luôn có sẵn nên được mọi người ưa chuộng".
Ông Dung "kỹ sư chân đất" sáng chế, chế tạo ra chiếc máy nào là có người đặt mua hết. Có những chiếc máy chưa xong tay đã có người đến đặt hàng bởi, máy ông làm ra có nhiều chức như: Cày, bừa, phay, tời, bơm nước.
Hiện tại, ông Dung đang tạo công việc cho 3 lao động với mức lương thỏa thuận khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm doanh thu mà xưởng cơ khí Tiến Dung thu về 400 triệu đồng/năm.
Theo quan sát của phóng viên, trong nhà ông Vũ Văn Dung luôn có hàng chục chiếc xe máy cũ. Những chiếc xe cũ này ông Dung thu mua từ khắp nơi về, rồi phá bỏ lấy các bộ phận cần thiết để chế tạo cho chiếc máy bơm nước, máy làm gạch, máy cắt cỏ…
Ông Dung chia sẻ: "Các bộ phận xe máy cũ nếu bán sắt vụn thì không đáng giá gì, nhưng khi chế lại để dùng cho việc khác lại rất bền. Vì thế, các sản phẩm tôi làm ra từ xe máy hư luôn có độ bền đẹp và độ chính xác rất cao".
Tâm đắc nhất của ông Dung là chế tạo chiếc máy cấy, với nhiều ưu việt: Không chỉ giảm công sức mỗi vụ cấy mà hàng lúa còn đều, đẹp, lúa phát triển tốt, dễ chăm sóc khi thu hoạch sẽ cho năng suất cao. Trước đó, ông Dung còn được người dân trong vùng biết đến với sáng chế độc đáo là chiếc máy "2 trong 1" vừa kéo và bơm nước. Chiếc máy này của ông được nhiều người biết đến, và rất đông người mua về sử dụng.
Đến nay, ông Dung đã xuất xưởng lên đến hơn 1.000 chiếc, có thời điểm một ngày ông bán cả chục cái máy với giá 3 triệu đồng/cái.
Trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Ninh Bình lần thứ VIII, sản phẩm máy cấy không động cơ của ông Dung đã đoạt giải thưởng, đây là sự động viên để ông hoàn thiện hơn nữa chiếc máy của mình, ngày càng có những sáng chế tốt phục vụ bà con nông dân. Chiếc máy cày đa chức năng của ông Dung không chỉ được nhiều người thán phục, mà còn đoạt giải thưởng Khuyến tài-Nhân tài Đất Việt Nam 2017.
Với sáng chế "máy cấy không động cơ", lão nông Vũ Văn Dung đã được Bộ trưởng NNPTNT tặng bằng khen vì đã góp phần vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam.
Ông Dung còn được tôn vinh là 1 trong 17 nông dân có sáng chế, sáng kiến, cải tiến về công nghệ, kỹ thuật, máy móc,… tiêu thụ sản phẩm thuộc ngành NNPTNT mang lại hiệu quả cao hơn so với trước đó.