Là tỉnh tiên phong đi đầu cả nước về chính sách đầu tư phát triển nông nghiệp, nhất là trước yêu cầu sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm đến phát triển nông nghiệp hữu cơ và có nhiều quyết sách đối với lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Hoàng Dương - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, năm 2015, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 201/NQ-HĐND về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có chính sách hỗ trợ phân vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc, sinh học với mức 5 triệu đồng/ha.
Thực hiện nghị quyết này, các đơn vị trực thuộc Sở NNPTNT đã hỗ trợ được trên 1.000ha rau ăn lá/năm, đặc biệt năm 2020, tổng diện tích hỗ trợ tăng lên gần 3.000ha.
Cuối năm 2019, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ giai đoạn 2020-2022.
Tính đến nay, Vĩnh Phúc có hơn 3.300ha sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ và hữu cơ, bao gồm diện tích trồng rau, quả các loại, lúa gạo, cùng với 5 cơ sở chăn nuôi lợn thịt với quy mô 900 con.
Theo đó, trong năm 2020 và 2021, Sở NNPTNT đã tổ chức 70 lớp tập huấn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, hướng hữu cơ cho 7.000 lượt người tham gia; xây dựng mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ quy mô 200 con và chăn nuôi gà thương phẩm hữu cơ với quy mô 2.000 con; xây dựng mô hình sản xuất ba kích hữu cơ với quy mô 3ha.
Ngoài ra, xây dựng mô hình trồng rau hữu cơ với quy mô 3ha; hỗ trợ trồng rau ăn lá theo hướng hữu cơ với diện tích 2.774ha tại 50 xã, phường, thị trấn đã được quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn.
"Thông qua chương trình này, các hộ nông dân đã được sử dụng các loại phân bón hữu cơ vi sinh đảm bảo chất lượng. Nhờ vậy, năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm rau ăn lá theo hướng hữu cơ không ngừng tăng, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác, qua đó nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ" - ông Dương đánh giá.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cũng hỗ trợ giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học giai đoạn 2021-2023 với quy mô 22,5 triệu con gà, 400.000 con lợn thịt, 6.000 con bò thịt và 5.000 con bò sữa.
Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, việc sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi sẽ giảm được mùi hôi, tiết kiệm nước và công lao động, đảm bảo tạo ra sản phẩm chăn nuôi an toàn.
Nông sản dễ bán hơn
Trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn, HTX Rau an toàn Vĩnh Phúc (xã Kim Long, huyện Tam Dương) đã có lúc phải giảm sản lượng, giảm quy mô liên kết để bảo đảm cân đối cung cầu. Nhưng từ khi chuyển sang sản xuất theo hướng hữu cơ, rau của HTX đã dễ bán hơn và được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng.
Chị Kiều Thị Huệ - Giám đốc HTX Rau an toàn Vĩnh Phúc cho hay, trước đây, các hộ dân trồng nhiều mướp hương, rau su su, song khó tiêu thụ vì cung vượt cầu, giá thành sản phẩm thấp.
Sau đó, HTX chuyển hướng sang trồng bí đao chanh, loại quả rắn, ngọt, ngon hơn bí đao thông thường, tiêu thụ rất tốt. Su su bao tử cũng trở thành mặt hàng thay thế cho rau su su và được người tiêu dùng ưa thích.
Hiện nay, HTX Rau an toàn Vĩnh Phúc có 5ha sản xuất rau hữu cơ như mướp, su su, cà chua và liên kết với bà con trồng rau an toàn với diện tích khoảng 20ha…
Tuy nhiên, chị Huệ cũng cho rằng, muốn sản xuất rau hữu cơ thì cũng không hề đơn giản. Cụ thể, vật tư để sản xuất rau hữu cơ cao hơn từ 20-50% so với thông thường, công lao động cao hơn nhiều vì phải làm cỏ bằng tay. Sản phẩm rau trồng theo hướng hữu cơ của HTX có giá thành cao hơn khoảng 20%, song vẫn được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng.
Trong chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc đã triển khai dự án xây dựng mô hình vỗ béo bò thịt và xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học tại xã Vân Trục (Lập Thạch) và xã Tứ Yên (Sông Lô).
Anh Nguyễn Quốc Tuấn (ở thôn Vân Trục, xã Vân Trục, huyện Lập Thạch), đang nuôi 100 con bò 3B, chia sẻ: Tham gia mô hình, gia đình đã áp dụng đệm lót sinh học trong chuồng nuôi bò, nhờ đó đã giảm được mùi hôi thối và khí độc trong chuồng nuôi, giảm ruồi muỗi, các bệnh truyền nhiễm, tiết kiệm nước, công lao động. Đặc biệt là đàn bò khỏe mạnh, lớn nhanh.
Đệm lót sau quá trình sử dụng trở thành một nguồn phân bón rất tốt cho cây trồng, các hộ nuôi có thể tận dụng để trồng cỏ, ngô sinh khối làm thức ăn cho bò. Nếu số lượng nhiều có thể bán với giá 400.000 đồng/khối, giúp người chăn nuôi có thêm nguồn thu nhập…
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc, mỗi năm các HTX, doanh nghiệp trên địa bàn cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 50.000 tấn rau củ quả, hơn 1.000 tấn gạo, 200 tấn thịt lợn được sản xuất theo hướng hữu cơ và hữu cơ, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Diện tích áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ và hữu cơ sử dụng khoảng 3.300 tấn phân bón hữu cơ vi sinh, qua đó giảm 1.500 tấn phân bón vô cơ và hơn 2.000kg thuốc bảo vệ thực vật hóa học.