Clip: Vẻ đẹp trang phục truyền thống của người Dao đỏ ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.
Xã Khai Trung, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái hiện có 294 hộ dân với 1.400 nhân khẩu, trong đó người Dao đỏ chiếm trên 61%.
Sinh sống trên bình nguyên và có sự xen kẽ với các dân tộc khác, nhưng những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Dao đỏ nơi đây vẫn được giữ gìn, bảo tồn.
Các lễ hội như lễ cầu mùa, cấp sắc, nhảy lửa vẫn được tổ chức thường xuyên, những hủ tục trong đám cưới, đám ma dần bị loại bỏ.
Đặc biệt, đối với trang phục truyền thống, người Dao đỏ nơi đây không chỉ mặc vào những dịp đặc biệt, lễ, tết, mà còn duy trì mặc hằng ngày. Bên cạnh đó, người Dao đỏ còn tự tay may vá, thêu thùa và truyền dạy cách làm bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình cho con, cháu.
Tranh thủ thời gian nông nhàn, hôm nay bà Triệu Thị Sính (ở thôn Giáp Cang, xã Khai Trung, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) lại dạy cách làm váy áo cho những phụ nữ trẻ trong thôn.
Từ đường kim, mũi chỉ, đến ý nghĩa của từng họa tiết, hình ảnh đều được bà Sính truyền dạy một cách tỉ mỉ.
Bà Triệu Thị Sính cho biết: "Để làm ra được 1 bộ trang phục hoàn chỉnh của người Dao đỏ đòi hỏi phải có sự miệt mài, tỉ mỉ, mất rất nhiều thời gian và cầu kỳ. Do vậy, người phụ nữ Dao đỏ phải tranh thủ thời gian nông nhàn để thêu thùa. Chúng tôi nhận thức đây là bộ trang phục truyền thống của đồng bào mình nên phải truyền dạy cho thế hệ sau, có như vậy mới không bị mai một."
Trang phục của dân tộc Dao đỏ gồm có khăn đội đầu, khăn quàng cổ, yếm, áo, quần và thắt lưng.
Trên nền vải màu đen, người Dao đỏ sử dụng 4 màu chủ đạo là đỏ, vàng, xanh và trắng để trang trí cho bộ trang phục.
Chất liệu trang phục chủ yếu dựa trên chất liệu vải thổ cẩm, satin với các họa tiết rất gần gũi thiên nhiên như: cỏ, cây, hoa lá hay các loài động vật. Những họa tiết này không chỉ giúp làm đẹp cho chiếc áo mà còn thể hiện mong ước một cuộc sống phú quý, hạnh phúc, gia đình khỏe mạnh của đồng bào dân tộc Dao đỏ.
Trên thân áo có một hàng cúc bạc hình chữ nhật to, khắc trên cúc áo là dấu của Thiên Đế tức là dấu của trời. Bởi theo quan niệm của người Dao, khi mặc trang phục truyền thống trên người, họ luôn được trời, tổ tiên che chở, phù hộ. Khi mất đi, bộ trang phục sẽ được chôn cùng, và những chiếc cúc áo chính là dấu hiệu để người Dao được lên trời, nhận về với tổ tiên của mình.
Các họa tiết trên quần của phụ nữ Dao đỏ luôn cùng màu với áo, gồm những hình vuông, hình chữ nhật màu đỏ - vàng - trắng, hình cây thông, hình chữ vạn. Những họa tiết này đều được thêu ở nửa dưới của hai ống quần.
Khăn đội đầu của người Dao đỏ lại được thêu kín các họa tiết trang trí bằng chỉ màu trắng, xanh lơ và màu đỏ lên toàn bộ mặt khăn. Khăn được gấp đôi theo chiều dọc, khi đội thì cuộn nhiều vòng quanh đầu.
Những họa tiết trang trí hình tam giác trên chiếc khăn đội đầu là mô phỏng chiếc cối giã gạo bằng sức nước của người Dao. Qua đó, đồng bào mong muốn thể hiện tín ngưỡng phồn thực, mùa màng bội thu, cơm gạo đủ đầy.
Việc được truyền dạy cách làm, ý nghĩa của các hình, biểu tượng trên trang phục đã góp phần giúp người Dao đỏ ở Lục Yên giữ gìn trang phục truyền thống cũng như các nét đẹp văn hóa.
Chị Bàn Thị Thu Phương (trú tại Thông Giáp Cang, xã Khai Trung, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) cho biết: "Để tạo ra một bộ trang phục truyền thống của người phụ nữ Dao mất khoảng 3 tháng. Những chi tiết thêu trên trang phục rất cầu kỳ, đòi hỏi người phụ nữ Dao vô cùng kiên trì.
Thế hệ trẻ chúng tôi sẽ tiếp tục giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình và truyền dạy cho các con, các cháu sau này".
Trao đổi với PV Dân Việt, bà Nông Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: Lục Yên là huyện miền núi nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Yên Bái, là huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm hơn 85% dân số toàn huyện.
Hiện nay, sự phát triển của xã hội đã phần nào ảnh hưởng đến nhận thức cũng như thị hiếu thẩm mĩ của bà con. Đa số đồng bào các dân tộc đã có những thay đổi về thói quen mặc trang phục truyền thống bằng các trang phục phổ thông.
"Huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số thấy được giá trị văn hóa đặc sắc của bộ trang phục truyền thống.
Bên cạnh đó. các địa phương cũng xây dựng các trang web để giới thiệu, quảng bá về trang phục truyền thống.
Tiếp tục khuyến khích học sinh người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện sẽ mặc trang phục dân tộc của mình ít nhất 2 buổi trên một tuần.
Huyện cũng mở các gian hàng ở các phiên chợ, nơi có danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, các chương trình du lịch, qua đó tạo được những không gian trưng bày. Đồng thời, mở các lớp dạy nghề truyền thống về thổ cẩm, may thêu, váy áo cho đồng bào," Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Yên cho biết.