Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 21/6/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2022 đứng ở mức 108,81 USD/thùng, tăng 0,82 USD/thùng trong phiên.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 8/2022 đứng ở mức 114,20 USD/thùng, tăng 1,08 USD/thùng trong phiên.
Giá dầu ngày 21/6 tăng mạnh trong bối cảnh thị trường dầu thô ghi nhận thêm nhiều yếu tố làm gia tăng lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
Lệnh cấm vận của Mỹ, EU và các nước đồng minh tiếp tục là rào cản khiến dầu thô của Nga vẫn đang ở ngoài tầm với đối với đa số quốc gia và bị “ế” trên thị trường do lo ngại về vận chuyển cũng như thanh toán.
Mặc dù OPEC+ đã điều chỉnh kế hoạch tăng mạnh sản lượng vào tháng 7 và 8/2022 nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, động thái này có lẽ sẽ chỉ nằm trên giấy khi mà thực tế, từ nhiều tháng nay, OPEC+ vẫn không thể đạt được mức gia tăng sản lượng 424.00 thùng/ngày.
Nguồn cung dầu còn bị thắt chặt hơn khi sản lượng khai thác thực tế tại Libya hiện chỉ là 100.000 thùng/ngày so với mức sản lượng trước kia là 1,2 triệu thùng/ngày.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Iran cũng làm giảm một lượng đáng kể nguồn cung trên thị trường.
Ở diễn biến khác, giá dầu hôm nay còn được thúc đẩy mạnh bởi đồng USD suy yếu trước cảnh báo về tình trạng suy thoái kinh tế là “không thể tránh khỏi” đối với nền kinh tế Mỹ.
Trước đó nhiều nhận định lại cho rằng, giá dầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm khi thiếu hụt nguồn cung bị lu mờ trước lo ngại về nền kinh tế.
Một loạt các ngân hàng trung ương từ đầu năm đến giờ đã tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, và điều này được giới phân tích cảnh báo sẽ làm tăng xác suất xảy ra suy thoái kinh tế, đặc biệt khi thay đổi về chính sách tiền tệ như hiện tại sẽ gây sức ép làm giảm hoạt động sản xuất, tuy nhiên vấn đề cốt lõi là thiếu hàng hóa sản phẩm và chuỗi cung ứng gián đoạn vẫn không được giải quyết.
Do đó, các doanh nghiệp có thể gặp nhiều khó khăn cả về mặt sản xuất lẫn tiêu thụ sản phẩm. Điều này đang khiến cho giá dầu, nguồn năng lượng được sử dụng hàng đầu trong ngành sản xuất, đang chịu áp lực điều chỉnh mạnh, nhất là sau giai đoạn tăng liên tiếp.
Các khảo sát cho thấy người dân ngày càng kỳ vọng lạm phát sẽ gia tăng trong năm nay. Tại Mỹ, theo Cục Thống kê Lao động, hộ gia đình và doanh nghiệp Mỹ đang cho rằng đến năm sau lạm phát vẫn sẽ duy trì trên 5%, trong khi thị trường tài chính và các chuyên gia kinh tế vẫn đang cho rằng con số sẽ ở dưới 4%. Đối với lạm phát, yếu tố kỳ vọng luôn có ảnh hưởng lớn, do người dân có thể sẽ điều chỉnh hành vi, như giảm chi tiêu kể cả trước khi lạm phát tăng quá mạnh.
Dollar Index hiện đã điều chỉnh giảm nhẹ, tuy vẫn đang ở mức đỉnh 20 năm, khi các nhà đầu tư chuyển sang nắm giữ tiền mặt trước các lo ngại về các “cú sốc” trong giai đoạn này, làm dòng tiền chuyển dịch khỏi tài sản tài chính như dầu. Giá Dollar tăng cũng khiến dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ tiền tệ khác, và làm giảm sức hấp dẫn của mặt hàng này.
Trong nước, dự báo giá xăng hôm nay sẽ tăng tiếp, nếu nhà điều hành không dùng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng trong nước có thể tăng 350 - 450 đồng/lít. Còn giá dầu diesel có khả năng tăng tới gần 1.000 đồng/lít.
Cụ thể: Hôm nay (21/6) tới chu kỳ điều hành của giá xăng dầu. Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương, giá xăng bình quân trên thị trường Singapore đến ngày 15/6 tiếp tục tăng, với RON 92 giá là 151,6 USD/thùng, còn RON 95 là 158,1 USD/thùng. Giá dầu liên tục lập đỉnh mới lên tới trên 172 USD/thùng.
Do đó, theo một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, giá xăng có thể tăng 350 - 450 đồng/lít nếu không sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, còn dầu tăng tới gần 1.000 đồng/lít. Ngược lại, nếu nhà điều hành dùng Quỹ bình ổn, giá có thể đứng yên hoặc tăng ở mức thấp hơn.
Bộ Tài chính vừa đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng từ 2.000 đồng về 1.000 đồng - đây là mức thấp nhất trong khung thuế bảo vệ môi trường. Như vậy, tới tay người dùng, giá xăng sẽ giảm tương ứng 1.100 đồng mỗi lít (đã gồm VAT).
Tuy nhiên, nếu đề xuất này được thông qua, thuế môi trường với xăng chỉ có thể giảm từ đầu tháng 8 khi Nghị quyết đề xuất này có hiệu lực. Như vậy, giá xăng ở vài kỳ hành tới vẫn chưa thể hạ nhiệt nếu giá quốc tế không giảm đáng kể.
Kỳ điều hành gần nhất ngày 13/6, liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở cho các mặt hàng xăng dầu trong nước.
Theo đó, giá xăng dầu lại tăng mạnh từ 15 giờ ngày 13/6 khi xăng E5 RON 92 tăng 882 đồng/lít còn xăng RON 95-III tăng 797 đồng/lít.
Cụ thể, sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng bán lẻ trong nước lập kỷ lục mới: xăng E5 RON 92 là 31.110 đồng một lít; RON 95-III vượt 32.000 đồng, lên mức 32.370 đồng một lít. RON 95-III là loại bán phổ biến, chiếm gần 70% lượng tiêu thụ trên thị trường và được liên Bộ Công Thương - Tài chính điều hành giá.
Các mặt hàng dầu (dầu hoả, dầu diesel) ở kỳ điều hành này tăng khá mạnh, trên 2.000 đồng/lít. Dầu hoả đắt thêm 2.490 đồng, lên mức giá 27.830 đồng/lít. Dầu diesel cũng tăng 2.630 đồng, lên 29.020 đồng/lít. Riêng dầu mazut giảm 550 đồng/lít, còn 20.350 đồng.
Cơ quan quản lý quyết định trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng, không thực hiện trích lập đối với dầu diesel và dầu hỏa (kỳ trước trích 100 đồng/lít), tiếp tục thực hiện trích lập quỹ đối với mặt hàng dầu mazút ở mức 300 đồng/kg.
Đồng thời, chi sử dụng quỹ với xăng E5 RON 92 ở mức 100 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 200 đồng/lít, dầu diesel ở mức 400 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít, dầu mazút không chi.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 21/6 cụ thể như sau: Xăng E5RON92 không cao hơn 31.117 đồng/lít, tăng 882 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành. Xăng RON95-III không cao hơn 32.375 đồng/lít, tăng 797 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành. Dầu diesel 0.05S không cao hơn 29.020 đồng/lít, tăng 2.626 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành. Dầu hỏa không cao hơn 27.839 đồng/lít, tăng 2.493 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành. Dầu mazút 180CST 3.5S không cao hơn 20.357 đồng/kg, giảm 544 đồng/kg so với giá bán hiện hành.
Tại kỳ điều hành giá ngày 1/6, giá xăng dầu cũng đã tăng mạnh khi xăng E5 RON 92 tăng 602 đồng/lít, xăng RON95-III tăng 921 đồng/lít, dầu diesel 0.05S tăng 841 đồng/lít và dầu hỏa tăng 941 đồng/lít.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu được điều chỉnh tới 15 đợt. Trong đó giá xăng RON95 tăng 8.157 đồng/lít, xăng E5 tăng 7.962 đồng/lít và dầu diesel tăng 10.606 đồng/lít.