Giá xăng dầu hôm nay 19/6: Cắt đứt chuỗi tăng giá liên tục, giá dầu giảm tuần đầu tiên
Giá xăng dầu hôm nay 19/6: Cắt đứt chuỗi tăng giá liên tục, giá dầu giảm tuần đầu tiên
Nguyễn Phương
Chủ nhật, ngày 19/06/2022 09:03 AM (GMT+7)
Giá xăng dầu hôm nay 19/6: Tính chung cả tuần qua, giá dầu Brent giảm lần đầu tiên trong 5 tuần, còn giá dầu WTI giảm lần đầu tiên trong 8 tuần. Giá dầu Brent còn hơn 113 USD/thùng.
Với sự trượt giá lớn liên tiếp, cả hai mặt hàng dầu Brent và WTI lần đầu tiên sau nhiều tuần tăng giá đã được trải nghiệm một tuần giảm. Cụ thể, tuần giảm này đã cắt đứt chuỗi 4 tuần tăng liên tiếp của dầu Brent và 7 tuần tăng liên tiếp của dầu WTI.
Phiên đầu tuần (13/6), giá dầu tăng do nguồn cung dầu đang bị thắt chặt khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) không thể cung cấp đầy đủ sản lượng đã cam kết tăng do nhiều lí do, bao gồm nhiều nhà sản xuất thiếu năng lực mở rộng công suất khai thác, các lệnh trừng phạt đối với Nga và tình hình bất ổn ở Libya.
Tuy nhiên, một yếu tố góp phần "kìm" bớt đà tăng của giá dầu là tình hình dịch Covid-19 diễn biến khó lường tại Trung Quốc. Mới đây, quận Triều Dương đông dân nhất của thành phố Bắc Kinh đã thông báo sẽ triển khai ba đợt xét nghiệm hàng loạt để dập tắt đợt bùng phát dịch Covid-19 tại đây.
Theo các nhà phân tích, thị trường hiện không biết điều gì sẽ xảy ra với Trung Quốc trong bối cảnh dịch Covid-19 tại nước này vẫn chưa kết thúc. Tâm trạng lúc này của giới đầu tư đang rất tồi tệ vì nhu cầu năng lượng của Trung Quốc lại đứng trước nguy cơ suy giảm.
Giá dầu quay đầu đi xuống trong hai phiên giao dịch liền sau đó, do đồng USD tiếp tục tăng giá. Thông thường, giá dầu diễn biến ngược chiều với đồng USD, bởi đồng bạc xanh mạnh lên khiến các mặt hàng được định giá bằng đồng tiền này trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Lo ngại về sự sụt giảm nhu cầu sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm đã khiến giá dầu mất 2% trong phiên giao dịch ngày 15/6. Đợt tăng lãi suất mạnh nhất của Fed kể từ năm 1994 này cũng khiến đồng USD mạnh lên, với chỉ số đồng USD đo sức mạnh của "đồng bạc xanh" so với rổ các đồng tiền chủ chốt khác tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2002.
Giá dầu đảo chiều phục hồi trong phiên giao dịch ngày 16/6 trước khi tiếp tục "lao dốc" phiên cuối tuần. Lo ngại về việc nguồn cung có khả năng bị siết chặt hơn nữa đã giúp thị trường dầu mỏ khởi sắc. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo nguồn cung dầu mỏ toàn cầu khó có thể đáp ứng được nhu cầu trong năm tới khi các biện pháp trừng phạt siết chặt hơn buộc Nga phải đóng cửa nhiều giếng dầu và số lượng các nhà sản xuất hạn chế sản lượng ngày càng tăng.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 17/6, giá dầu giảm khoảng 6% và chạm mức thấp nhất 4 tuần do lo ngại rằng việc các ngân hàng trung ương lớn nâng lãi suất có thể làm trì trệ kinh tế toàn cầu và làm giảm nhu cầu năng lượng.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn lùi 6,69 USD (tương đương 5,6%) xuống 113,12 USD/thùng. Trong khi giá dầu WTI giao kỳ hạn cũng mất 8,03 USD (tương đương 6,8%) xuống còn 109,56 USD/thùng.
Đây là mức đóng cửa thấp nhất của dầu Brent kể từ ngày 20/5/2022 và là mức chốt phiên thấp nhất của dầu WTI kể từ ngày 12/5/2022. Đây cũng là phiên có mức giảm mạnh nhất của dầu Brent từ đầu tháng 5 và là phiên tồi tệ nhất của dầu WTI kể từ cuối tháng 3/2022.
Tính chung cả tuần qua, giá dầu Brent giảm lần đầu tiên trong 5 tuần, còn giá dầu WTI giảm lần đầu tiên trong 8 tuần. Thị trường Mỹ sẽ đóng cửa phiên 20/6 do nghỉ lễ Juneteenth.
Các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu hiện đang thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát sau một thời gian dài nới lỏng chính sách do đại dịch để tránh suy thoái kinh tế.
Giá xăng và dầu diesel kỳ hạn tại Mỹ cũng giảm 4% do lo ngại giá xăng tăng vọt sẽ làm giảm nhu cầu của người dân.
Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần này đã đưa vào hoạt động thêm 4 giàn khoan dầu, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden phàn nàn việc các nhà sản xuất kiếm lợi từ giá cao thay vì sản xuất nhiều hơn để thúc đẩy sản lượng.
Dầu thô có thể chịu sức ép trong ngắn hạn khi Mỹ tìm cách hạ nhiệt giá dầu.
Tổng thống Joe Biden ngày càng chịu áp lực phải hạ nhiệt giá xăng khi mà các cuộc khảo sát cho thấy giá năng lượng tăng cao đang là một trong các vấn đề khiến cho người dân Mỹ quan tâm hàng đầu. Quan trọng nhất, thời điểm tháng 11 tại Mỹ sẽ diễn ra bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Hạ viện, do đó áp lực để giảm bớt gánh nặng chi phí cho các hộ gia đình hiện tại là tương đối lớn.
Gần đây, Chính phủ Mỹ liên tục có các động thái như mở các cuộc họp khẩn cấp với các công ty dầu lớn như Exxon Mobil và Marathon Petroleum, và kêu gọi các công ty lớn có động thái để tăng công suất khai thác cũng như công suất lọc dầu. Trước đấy, Mỹ cũng đã gỡ bỏ một số quy định về tỷ lệ tối đa trộn ethanol để giảm bớt tiêu thụ dầu.
Tuy vây, với các báo cáo hàng tuần của Cơ quan Năng lượng Mỹ EIA vẫn luôn chỉ ra công suất lọc dầu hiện đã ở mức cao 94%, các công ty cũng khó có thể ngay lập tức tìm ra giải pháp để hạ nhiệt giá xăng dầu.
Tại thị trường trong nước, ngày 13/6, liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở cho các mặt hàng xăng dầu trong nước.
Theo đó, giá xăng dầu lại tăng mạnh từ 15 giờ ngày 13/6 khi xăng E5 RON 92 tăng 882 đồng/lít còn xăng RON 95-III tăng 797 đồng/lít.
Cụ thể, sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng bán lẻ trong nước lập kỷ lục mới: xăng E5 RON 92 là 31.110 đồng một lít; RON 95-III vượt 32.000 đồng, lên mức 32.370 đồng một lít. RON 95-III là loại bán phổ biến, chiếm gần 70% lượng tiêu thụ trên thị trường và được liên Bộ Công Thương - Tài chính điều hành giá.
Các mặt hàng dầu (dầu hoả, dầu diesel) ở kỳ điều hành này tăng khá mạnh, trên 2.000 đồng/lít. Dầu hoả đắt thêm 2.490 đồng, lên mức giá 27.830 đồng/lít. Dầu diesel cũng tăng 2.630 đồng, lên 29.020 đồng/lít. Riêng dầu mazut giảm 550 đồng/lít, còn 20.350 đồng.
Cơ quan quản lý quyết định trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng, không thực hiện trích lập đối với dầu diesel và dầu hỏa (kỳ trước trích 100 đồng/lít), tiếp tục thực hiện trích lập quỹ đối với mặt hàng dầu mazút ở mức 300 đồng/kg.
Đồng thời, chi sử dụng quỹ với xăng E5 RON 92 ở mức 100 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 200 đồng/lít, dầu diesel ở mức 400 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít, dầu mazút không chi.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 19/6 cụ thể như sau: Xăng E5RON92 không cao hơn 31.117 đồng/lít, tăng 882 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành. Xăng RON95-III không cao hơn 32.375 đồng/lít, tăng 797 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành. Dầu diesel 0.05S không cao hơn 29.020 đồng/lít, tăng 2.626 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành. Dầu hỏa không cao hơn 27.839 đồng/lít, tăng 2.493 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành. Dầu mazút 180CST 3.5S không cao hơn 20.357 đồng/kg, giảm 544 đồng/kg so với giá bán hiện hành.
Tại kỳ điều hành giá ngày 1/6, giá xăng dầu cũng đã tăng mạnh khi xăng E5 RON 92 tăng 602 đồng/lít, xăng RON95-III tăng 921 đồng/lít, dầu diesel 0.05S tăng 841 đồng/lít và dầu hỏa tăng 941 đồng/lít.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu được điều chỉnh tới 15 đợt. Trong đó giá xăng RON95 tăng 8.157 đồng/lít, xăng E5 tăng 7.962 đồng/lít và dầu diesel tăng 10.606 đồng/lít.
Tại kỳ điều chỉnh gần nhất (ngày 13/6), giá bán lẻ xăng dầu trong nước tiếp tục lập đỉnh mới sau khi tăng mạnh. Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 16/6, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc cho biết, cơ quan này đang phối hợp các cơ quan nghiên cứu phương án tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.