Thời gian qua, nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp, trạm khuyến nông huyện Phù Ninh (tỉnh Phú Thọ) đã triển khai nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản, trong đó có mô hình nuôi ốc nhồi đặc sản có giá trị kinh tế cao.
Các mô hình nuôi trồng thủy sản này ứng dụng tiến bộ KHKT nhằm tăng năng suất, rút ngắn thời gian nuôi, sản phẩm đảm bảo sạch và bảo vệ môi trường. Từ thành công của mô hình nuôi ốc nhồi trong lưới đã được triển khai tại 3 xã An Đạo, Tiên Du, Phù Ninh với 5 hộ tham gia là một trong những mô hình đã được Trạm khuyến nông huyện triển khai và thực hiện.
Tháng 7/2020, sau khi bỏ công việc làm xây dựng tại Hà Nội do dịch Covid- 19, với quyết tâm của chàng thanh niên muốn làm giàu từ chính quê hương của mình, anh Hoàng Văn Thanh ở khu 4 xã An Đạo đã mạnh dạn chuyển đổi 4 sào ruộng của gia đình đang trồng lúa kém hiệu quả sang đào ao nuôi ốc nhồi giống và ốc thịt trong lưới.
Khởi nghiệp với số tiền 100 triệu đồng, anh quyết định mua 11 vạn ốc nhồi giống về nuôi, sau khi học hỏi kinh nghiệm nuôi ốc nhồi từ nhiều nơi và trên mạng Internet, anh bắt tay vào tiến hành cải tạo khu vực nuôi đúng quy trình kỹ thuật.
Ao anh chia thành 7 ô nuôi bằng lưới nuôi theo từng khu: ốc nhồi bố mẹ, khu nuôi ốc thịt, khu nuôi bèo tấm, bèo tây, khu trồng sắn để làm thức ăn cho ốc. Bên cạnh đó anh còn được Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ 4,5 vạn ốc giống và được tập huấn kỹ thuật nuôi ốc nhồi, cách chăm sóc, phòng trừ bệnh.
Đến nay sau hơn 1 năm nuôi, mô hình nuôi ốc nhồi đã cho thành công bước đầu. Đàn ốc nhồi sinh sản phát triển nhanh, hiện anh đã có 70 vạn ốc nhồi giống và 10 vạn ốc nhồi giống, với giá bán ốc nhồi thịt 90.000 – 100.00/kg như hiện nay, trừ chi phí sau một năm anh thu lãi gần 300 triệu đồng.
Nếu năm sau anh không phải mua giống vì ốc nhồi giống tự sinh sản và không phải mất thêm kinh phí xây dựng khu nuôi thì có thể sẽ lãi cao hơn. Phấn khởi chia sẻ những thành công bước đầu khi xây dựng mô hình nuôi ốc nhồi.
Anh Hoàng Văn Thanh, khu 4 xã An Đạo cho biết: Khi bắt tay vào xây dựng mô hình nuôi ốc nhồi, cái thuận lợi nó có nhiều hơn khó khăn, loại ốc này cũng khá dễ nuôi, thích nghi tốt với nền ruộng của gia đình. Bên cạnh đó tôi luôn chú ý đến từng giai đoạn phát triển,các yếu tố tự nhiên ảnh hưởng tới con ốc. Hiện tại tôi đang dần mở rộng thêm 5 sào diện tích đất nuôi thêm ốc giống và ốc thương phẩm, đáp ứng được nhu cầu của thị trường hiện nay.
Kỹ thuật nuôi ốc nhồi không khó, quan trọng là nguồn nước đảm bảo sạch, cung cấp đủ thức ăn an toàn cho ốc nhồi.
Theo anh Thanh chia sẻ, ốc nhồi có đặc tính dễ nuôi, ít dịch bệnh, nguồn thức ăn là bèo tấm, bèo tây, rau củ quả các loại cây trồng nên có chi phí thấp, dễ kiếm trong tự nhiên, dồi dào và không tốn nhiều công chăm sóc.
Đặc biệt ốc không ăn được cám công nghiệp, không ăn tạp chất bẩn và môi trường sống phải sạch nên được đánh giá là sản phẩm sạch, tự nhiên không gây ô nhiễm môi trường. Ốc nhồi là món ăn giàu dinh dưỡng nên có giá ổn định ở mức cao, trở thành món đặc sản được nhiều người ưa chuộng.
Mặc dù dễ nuôi, song để ốc đạt tăng trưởng cao, miệng đầy, mình béo, anh luôn chú ý đến chế độ ăn đầy đủ, bảo đảm dinh dưỡng, sau mỗi vụ cần cải tạo nguồn nước, môi trường phải luôn bảo đảm sạch sẽ. Ốc chỉ sinh trưởng và phát triển khi thời tiết ấm, 1 năm ốc mẹ đẻ 5-6 lần, mỗi buồng trứng được gần 150 ốc con nếu ta biết ấp trứng tốt. Mùa đông giá lạnh ốc nhồi gần như không phát triển hoặc chết.
Khi đó cần chú ý thực hiện các biện pháp giữ ấm cho ốc bằng cách phủ kín bèo tây, căng ni lông, bạt hoặc thắp điện để sưởi ấm. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư vào mô hình này cũng không nhiều, chỉ cần mua giống một lần mà hiệu quả kinh tế mang lại khá cao nên rất phù hợp để khởi nghiệp với điều kiện kinh tế của người dân nông thôn.
Điển hình như anh Nguyễn Anh Tuấn, khu 10 xã Tiên Du với lợi thế sẵn có là 1,4 ha mặt nước của gia đình. Sau khi mạnh dạn đầu tư mua giống và cũng được Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ thêm 3 vạn giống. Đến nay anh có khoảng 70 vạn ốc giống, 30 vạn ốc con, thu lãi hàng năm đạt sấp xỉ 400 triệu đồng…
Đồng chí Hoàng Thị Thu Hà, Trạm trưởng trạm Khuyến nông huyện Phù Ninh (tỉnh Phú Thọ) cho biết: Sau thời gian triển khai và tổng kết mô hình nuôi ốc nhồi, chúng tôi đánh giá cao hiệu quả kinh tế mô hình nuôi ốc nhồi đem lại so với cùng diện tích, vật nuôi khác .
Trong thời gian tới chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình và khuyến khích người dân tùy từng điều kiện tự nhiên sẵn có của gia đình để tham gia áp dụng mô hình, khuyến khích người nuôi cần liên kết trao đổi kinh nghiệm để cùng nhau phát triển, tăng cao thu nhập cho gia đình.
Có thể nhận thấy, việc nuôi ốc nhồi đang mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người chăn nuôi. Vì vậy, việc nhân rộng những mô hình nuôi ốc nhồi là rất khả thi, phù hợp với những diện tích ruộng trũng, ao nuôi cá kém hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời tận dụng được phế phẩm nông nghiệp, đặc biệt là không làm ảnh hưởng đến ô nhiễm môi trường xung quanh, tạo tính bền vững lâu dài trong chăn nuôi.