Cập nhật giá mít Thái hôm nay 22/6 tại ĐBSCL cho thấy, giá mít tiếp tục giảm 1.000 đồng/kg so với hôm qua đối với mít Kem lớn. Riêng mít Kem nhỏ vẫn giữ giá như ngày trước đó.
Ở tỉnh Tiền Giang, một số vựa còn hoạt động báo giá mít hôm nay 22/6 như sau: mít Kem lớn từ 8.000 đồng/kg, mít Kem nhỏ từ 3.000 đồng/kg. Các thương lái vào vườn mua mít Kem lớn từ 6.000 đồng/kg, mít Kem nhỏ từ 2.000 đồng/kg.
Ở các địa phương khác ở ĐBSCL như Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Long An và TP Cần Thơ, giá mít Thái hôm nay 22/6 giảm 1.000 đồng/kg so với hôm qua đối với mít Kem lớn, còn mít Kem nhỏ không tăng không giảm.
Theo đó, các vựa báo giá mít Kem lớn từ 7.000 đồng/kg, mít Kem nhỏ từ 3.000 đồng/kg, thương lái vào vườn mua mít Kem lớn từ 5.000 đồng/kg, mít Kem nhỏ từ 2.000 đồng/kg.
Đối với mít chợ được các vựa mua như sau: mít chợ loại 1 từ 3.000 đồng/kg, mít chợ loại 2 từ 2.000 đồng/kg, mua xô là 2.500 đồng/kg. Thương lái vào vườn mua mít chợ loại 1 từ 2.000 đồng/kg, mít chợ loại 2 từ 1.000 đồng/kg.
Anh Lê Văn Bảo ở xã Trường Xuân A, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ cho biết, giá phân bón tăng cao khiến chi phí trồng mít Thái tăng rất nhiều. Do đó, cần phải có cách bón phân tiết kiệm mà vẫn đạt hiệu quả cao.
Theo anh Bảo, rất nhiều người dân trồng mít Thái tăng cường bón phân khi cây đang mang trái, đặc biệt có nhiều người bón phân từ lúc cây ra bông đến khi thu hoạch trái.
Để bón phân tiết kiệm, trái mít tròn đẹp, ăn ngon, theo anh Bảo, trong giai đoạn cây mít Thái nuôi trái, chỉ cần bón định kỳ trong 4 tuần đầu sau khi cây ra bông.
"Trong 4 tuần đầu sau khi cây mít ra bông, chỉ cần bón định kỳ 1 nắm tay phân bón/tuần. Sau đó không cần bón phân nữa"- anh Bảo nói.
Anh Bảo giải thích: "Trong giai đoạn đầu cần bón phân để thúc trái, cho trái được cung cấp đủ dinh dưỡng hơn, giúp tròn trái, ăn ngọt. Về sau không cần bón nữa vì cây sẽ hút các dinh dưỡng từ đất và lượng phân còn dư trong 4 tuần đầu đã bón".
Theo anh Bảo, không phải bón phân nhiều là tốt. Những vườn bón phân liên tục từ lúc cây ra bông đến khi thu hoạch trái không những tốn chi phí nặng mà còn có thể làm cho nứt trái, thối trái. Về sau, tỉ lệ cây mít Thái bị xì mủ sẽ rất nhiều và khó trị.
"Bón phân nhiều và liên tục làm cho trái phì nhanh nhưng cân nặng có thể không tăng nhiều, trong khi đó múi không ngọt, không độ giòn và không ngon. Đó là lý do tại sao nhiều vườn có trái lớn nhưng cân nặng ít, còn vườn có trái nhỏ hơn nhưng cân nặng lại cao" - anh Bảo giải thích.