Dân Việt

Lúa xuân ở tỉnh Hải Dương đạt năng suất, sản lượng ngoài mong đợi

Nguyễn Hải Tiến 23/06/2022 18:26 GMT+7
Huyện Thanh Miện, Hải Dương đã cơ bản thu hoạch xong gần 6.200ha lúa xuân. Năng suất lúa ước đạt 65-66 tạ/1ha, cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 1 tạ/ha. Đây được coi là một trong những vụ sản xuất thành công ngoài sự mong đợi.

Được mùa lúa xuân ngoài sự mong đợi

Theo ông Vũ Thế Sảng – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp Thanh Miện, phải được chứng kiến vụ sản xuất lúa vừa qua gặp vô vàn khó khăn như, thời tiết, thủy văn khắc nghiệt khác thường, giá phân bón tăng như phi mã, tỷ lệ diện tích gieo cấy các giống lúa chất lượng tăng so với vụ lúa Xuân trước khoảng 10%…, mới thấy việc bội mùa lúa năm nay vượt lên cả sự kỳ vọng của người dân và chính quyền các cấp.

"Các giống lúa chất lượng cao thường cho năng suất không cao (trừ một số giống lúa nếp). Đổi lại lúa chất lượng cao sẽ cho gạo ăn ngon, hợp thị hiếu người tiêu dùng, luôn được giá đắt hơn lúa chất lượng thấp và năng suất cao từ 25-40% (tùy thời điểm)" - ông Sảng phân tích.

Hải Dương: Cứ tưởng mất ăn, không ngờ lúa lớn nhanh như "Thánh Gióng", nông dân được mùa ngoài mong đợi - Ảnh 1.

Ông Vũ Thế Sáng - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp Thanh Miện bên cánh đồng lúa được mùa, bông sai trĩu hạt.

Bà An Thị Diên ở thôn Cao Lý, xã Cao Thắng cho hay, bà cấy 1,2 mẫu lúa TBR225, Nếp hương và Đài thơm 8. Sau khi kết thúc gieo cấy gặp ngay rét đậm rét hại, phải gieo, cấy lại 2-3 lần và bón "phũ" phân mà cây lúa vẫn áy o không lên được, nghĩ rằng năm nay sẽ mất "ăn".

Không ngờ gần cuối vụ lại có mưa to, mưa đều, sấm sét giật đùng đùng, giúp các ruộng lúa vào chắc đạt 100% số hạt/bông, năng suất bình quân đạt 2,7 tạ/sào 360m2. Riêng giống lúa TBR225 đạt 3,3 tạ/sào, cao hơn giống Nếp hương gần 1 tạ/sào.

Ông Nguyễn Văn Thạch, nông dân ở thôn Gia Cốc (xã Tứ Cường) nhận xét, ông làm ruộng nhiều năm nhưng chưa thấy khi nào như năm nay, sau tiết Lập xuân vẫn còn nhiều ngày rét hại và mưa lớn tới 72mm/ngày, làm úng ngập và chết rét gần 1.500ha lúa toàn huyện. 

Vẫn chưa hết, ở giai đoạn lúa đẻ nhánh, làm đòng trời hầu như không mưa, kể cả lúc cây lúa phơi màu cũng không thuận lợi vì trời vẫn luôn se lạnh, làm cho hầu hết diện tích lúa đều phát triển chậm, cây thấp, lá bé, ngắn và tù. May mắn, từ giai đoạn chắc xanh đến chín sinh lý, thời tiết có mưa đều, lúa trở mình lớn nhanh như Thánh Gióng, cho năng suất cao hơn cả sự cầu mong của ông Thạch - đạt 2,5 tạ/sào.

"Được mùa lúa xuân còn nhờ được tỉnh và huyện hỗ trợ thuốc diệt chuột và một phần diện tích gieo mạ khay, cấy máy", ông Thạch hài lòng chia sẻ.

Hải Dương: Cứ tưởng mất ăn, không ngờ lúa lớn nhanh như "Thánh Gióng", nông dân được mùa ngoài mong đợi - Ảnh 2.

Nông dân huyện Thanh Miện gặt lúa bằng máy. Ảnh: Hải Tiến

Bà Nguyễn Thị Nhưng (cùng thôn Cao Lý – Cao Thắng) cũng nói, các con của bà đi làm công ty hết, mình bà ở nhà làm 4 sào ruộng, thuê máy làm đất, thuê gieo sạ, gặt lúa cũng thuê. Chỉ có tưới nước là tự chảy nhờ nông giang. Sau trừ hết chi phí cho thuê mướn vẫn còn khuân về được 5,5 tạ thóc, tương đương năng suất lúa đạt 74,2tạ/1ha.

Đồng tình với các hộ nông dân, ông Nguyễn Văn Đường - Giám đốc HTX DV Nông nghiệp Cao Thắng, bổ sung: Lúa xuân năm nay được mùa còn do trước đây huyện đã làm tốt công tác dồn ô đổi thửa, tạo ra các khu ruộng liền vùng liền khoảnh, thuận lợi cho đưa máy móc vào cơ giới hóa sản xuất. 

Nhờ đó, tỷ lệ diện tích cày phơi ải, lúa gieo sạ, cấy máy và cấy mạ sân gieo trên nền cứng ở Cao Thắng đạt 100%, tạo tiền đề cho thâm canh lúa đạt năng suất cao.

Giải pháp duy trì đà thắng lợi

Phát huy đà thắng lợi trong sản xuất lúa xuân, vụ mùa này huyện Thanh Miện sẽ gieo cấy 6.100ha lúa, phấn đấu năng suất đạt từ 58 tạ/ha trở lên, sản lượng thóc thu được trên 35.400 tấn. 

Hải Dương: Cứ tưởng mất ăn, không ngờ lúa lớn nhanh như "Thánh Gióng", nông dân được mùa ngoài mong đợi - Ảnh 3.

Đến ngày thu hoạch mà các lá đòng vẫn đứng thẳng và xanh như lá gừng là chắc chắn bội mùa.

Trong đó, trà mùa sớm chiếm 20% diện tích, cơ các cấu giống có thời gian sinh trưởng ngắn hoặc cực ngắn, như QR1, HN6, TBR279, TBR1, KD 18, Q5. Gieo sạ hoặc cấy mạ dày xúc tại những các chân ruộng cao, vàn cao, nhằm thu hoạch lúa sớm, giải phóng đất sớm cho trồng các cây vụ đông ưa ấm.

Trà mùa trung cơ cấu khoảng 80% diện tích, các giống đưa vào gieo cấy, gồm BT7, TBR225, Hương biển 3, SHPT3, DQ11, Thiên ưu 8, Đài thơm 8, Nếp 87, Nếp 97. Gieo cấy trên các chân ruộng vàn, vàn thấp hoặc trũng để sau thu hoạch sẽ trồng tiếp nhóm cây vụ đông chịu lạnh.

Hải Dương: Cứ tưởng mất ăn, không ngờ lúa lớn nhanh như "Thánh Gióng", nông dân được mùa ngoài mong đợi - Ảnh 4.

Gặt xong đến đâu, bà con nông dân huyện Thanh Miện đưa máy vào cày lồng, vùi sâu gốc rạ xuống ruộng ngay đến đó. Ảnh: Hải Tiến

Kỹ thuật thâm canh cho từng giống lúa cần theo qui trình hướng dẫn của cơ quan khuyến nông. Lưu ý, lúa xuân năm nay được mùa, lượng rơm, rạ để lại trên ruộng rất lớn, nhất là phần thân gốc cây lúa (rạ) rất tươi và cứng. Bà con nông dân phải tiến hành cày lồng, vùi sâu gốc rạ sớm nhất có thể, kết hợp xử lý ruộng bằng chế phẩm vi sinh.

Việc này nhằm  đẩy nhanh quá trình phân giải các tàn dư thực vật trên ruộng thành phân bón hữu ích cho cây trồng, tránh ruộng lúa bị ngộ độc hữu cơ sau gieo cấy, làm phát sinh các chứng bệnh hại lúa do vi khuẩn hoặc gây nghẹt rễ sinh lý cây trồng.

Cần tuân thủ nguyên tắc sản xuất: "Một vùng, một giống, một thời gian, một phương thức gieo cấy", để thuận tiện cho chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. 

Ưu tiên gieo cấy theo hướng, SÂU - LỘ - NÔNG: Ruộng sâu/chân trũng, vàn trũng cấy trước; Ruộng nông/chân vàn, vàn thấp gieo cấy sau; Cuối cùng mới gieo sạ các ruộng cao, vàn cao. 

Như vậy, lúa trên các chân ruộng trũng sinh trưởng trước, vươn cao trước, giúp giảm thiểu úng ngập lúa hay xảy ra trong vụ mùa vì mưa bão.

"Những ruộng lúa đến ngày thu hoạch vẫn duy trì được bộ lá công năng (3 lá đòng) trên cây thẳng tựa như mũi mác, có màu vàng xanh giống lá gừng. Đấy là những ruộng lúa cho năng suất rất cao, ít bị sâu bệnh hại, ít phải phun thuốc bảo vệ thực vật. Vụ lúa xuân năm nay của huyện Thanh Miện là minh chứng!" - TS. Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Cây Lương thực – Cục Trồng trọt đánh giá.