Sống “khỏe” bằng nghề nuôi "chim cảnh quý tộc", trai phố Hải Dương "đút túi" hàng trăm triệu
Sống “khỏe” bằng nghề nuôi "chim cảnh quý tộc", trai phố Hải Dương "đút túi" hàng trăm triệu
NGUYỄN HẢI TIẾN
Thứ bảy, ngày 04/06/2022 19:15 PM (GMT+7)
Nuôi thường xuyên 300 con chim công, chim trĩ sinh sản, mỗi năm, anh Nguyễn Đình Quỳnh ở phường Long Xuyên, thị xã Kinh Môn (Hải Dương) thu lãi được 300 - 400 triệu đồng.
Sinh ra từ vùng quê thuần nông nhưng anh Nguyễn Đình Quỳnh ở phường Long Xuyên (thị xã Kinh Môn, Hải Dương) lại có sở thích nuôi chơi chim cảnh từ nhỏ. Lớn lên có vợ con rồi, anh Quỳnh vẫn không thể bỏ thú chơi tao nhã này. Hễ thấy nơi đâu có giống chim quý, lạ là anh Quỳnh lại lân la dò hỏi cách chăm nuôi và xin mua bằng được một vài con về chăn thả trong khuôn viên gia đình. Có lẽ đây chính là cái duyên dẫn anh Quỳnh đến với nghề nuôi kinh doanh chim công, chim trĩ.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Quỳnh xởi lởi cho hay: Cũng chính nhờ yêu thích chim cảnh mà trong một lần cùng đoàn khách du lịch vào thăm quan rừng Quốc gia Cúc Phương, anh đã rất ấn tượng với 2 loài chim công và chim trĩ nhập nội từ Nhật Bản và Ấn Độ. Thời điểm đó, 2 loài chim này được các nhà khoa học đưa về thuần hóa nhằm cuốn hút thêm du khách viếng thăm. Đặc biệt các loại chim này còn có thể cho sinh sản để kinh doanh con giống.
"Anh Nguyễn Đình Quỳnh là một trong các chủ hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương, đã được nhiều cơ quan, đoàn thể ở Trung ương, tỉnh và huyện trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen và phần thưởng cao quý".
Ông Phạm Văn Biên
– Phó Chủ tịch UBND phường Long Xuyên
Không bỏ lỡ cơ may hiếm có, anh Quỳnh đã tìm gặp cán bộ quản lý kỹ thuật các loại chim cảnh nói trên, để hỏi thêm chi tiết cách chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh cho chim công, chim trĩ, rồi xuống tiền mua liền 10 đôi chim vừa trống vừa mái về nuôi trong vườn nhà.
Không ngờ chỉ sau 1 năm, anh Quỳnh đã có được hơn 300 chim con sinh ra từ đàn chim bố mẹ ban đầu, doanh thu đạt ngót 100 triệu đồng, trừ hết chi phí chăn nuôi, anh Quỳnh còn lãi gần 70 triệu đồng, tương đương với 4 cây vàng SJC bây giờ.
Phấn khởi trước nguồn lợi vừa thu được, anh Quỳnh nghĩ có thể sống "khỏe" bằng nghề nuôi kinh doanh chim cảnh, nên đã quyết định bỏ nghề lái xe đang làm để chuyên tâm cho đầu tư chăn nuôi chim công, chim trĩ.
Kết quả sau hơn 10 năm nuôi chim công, chim trĩ, anh Quỳnh đã có được trang trại chăn nuôi bài bản rộng gần 1ha. Hiện trang trại có 200 con chim công trắng và 100 chim trĩ đỏ nuôi nhốt trong các dãy chuồng hở, có lưới thép B40 bao quanh. Trong mỗi chuồng nuôi, anh Quỳnh trải cát vàng sạch trải lót làm nền, có rèm che nắng, ngăn mưa hắt và có cả hệ thống bình, ống cấp nước sạch cho chim uống tự động. Đặc biệt trong chuồng còn gác, đặt thêm một số cành cây khô cho chim đậu. Nhờ đó, anh Quỳnh đã thu được nguồn lợi nhuận ổn định từ 300 - 400 triệu đồng/năm.
Bán chim cảnh trên mạng xã hội
Theo anh Quỳnh, trong chăn nuôi kinh doanh chim cảnh, khó nhất là khâu tiêu thụ. Để có thể bán được chim, người chăn nuôi phải quảng bá hình ảnh sản phẩm qua Zalo, Facebook và giới thiệu trực tiếp tới người thân, bạn bè tại mọi lúc mọi nơi có thể. Vì thế, anh Quỳnh thường dành thời gian quay video, chụp ảnh, thậm chí livestream đàn chim của mình để nhiều khách hàng biết tới.
Khách mua chim cảnh nói chung, thường là chủ của các khu du lịch sinh thái, các khu vui chơi giải trí công cộng, các nhà vườn nghệ sĩ và những người yêu thích sinh vật cảnh...
Anh Quỳnh cho biết, khâu chăn nuôi chim cảnh cũng tương tự như chăn nuôi gà. Theo đó, anh thường cho ăn cám công nghiệp kết hợp với ngô, thóc, lạc nhân và rau xanh. Cho chim ăn rau xanh là để tránh chúng cắn mổ giật lông lẫn nhau, nhưng phải chọn các loại rau đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, để không bị rủi ro thất thoát do chim ăn phải rau còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, người nuôi chim cũng cần chú ý tiêm phòng vaccine cho chim để phòng ngừa dịch bệnh (Marek, Newcastle, Gumboro, Cúm gia cầm) theo đúng lịch thú y. Riêng chim sinh sản, cần định kỳ 2 tháng/lần cho uống vaccine Losota.
Chim công, chim trĩ thường đẻ trứng theo mùa vào tháng 2 - 4 hàng năm; mỗi con đẻ từ 25 - 30 trứng/năm, đẻ cách nhật 2 ngày cho 1 quả và không thể tự ấp nở trứng. Vì vậy, cần phải đưa vào máy ấp trứng gia cầm thì sau 23 ngày sẽ có chim con. Các công đoạn úm chim non cũng tuần tự gà. Sau úm 3 tháng có thể thả chim con ra nuôi trong trại cát. Mật độ nuôi từ 8 - 10 con/12m2. Định kỳ 2 - 3 ngày/lần vào trại nhặt sạch phân chim thải ra trên nền cát. Khoảng 2 - 3 năm mới phải thay cát rải nền/lần.
Anh Quỳnh cho biết thêm, riêng chim non sẽ có chế độ ăn khác hơn chim công trưởng thành, vì còn non nên phải thường xuyên theo dõi và chăm sóc cẩn thận hơn. Đối với thức ăn cho chim công non mới nở thì khẩu phần ăn là 100% cám tổng hợp (loại dùng cho gà). Do lúc này chim còn yếu, hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn thiện, cần nguồn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa. Sau 30 ngày tuổi, hệ tiêu hóa của chim non đã cứng cáp hơn có thể pha thức ăn theo tỷ lệ: 70% cám + 30% thực phẩm bổ sung (như bắp, thóc nghiền).
Trò chuyện với chúng tôi, anh Quỳnh cho biết, trong quá trình nuôi cần lưu ý, tỷ lệ nuôi chim sinh sản gồm 1 trống + 3 mái; mỗi 3 - 4 năm thay mới con giống bằng trao đổi hoặc mua từ trại khác để tránh cận huyết, giảm chất lượng giống. Vì là giống chơi làm cảnh nên chuồng trại hoặc nơi chăn thả phải đảm bảo khô ráo, sạch sẽ thoáng mát, theo đó chim sẽ bị dịch bệnh, ít rủi ro hao hụt.
Được biết, hiện anh Quỳnh đã xây mới được trang trại 2.000m2 cho mở rộng quy mô nuôi thường xuyên 500 con chim công, chim trĩ các loại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.