Cùng với sự phát triển của nông nghiệp số trên cả nước, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Phú Thọ đang có những thay đổi, bắt kịp xu thế, bước đầu tạo dựng môi trường nông nghiệp số.
Theo đó, Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ chủ động xây dựng phần mềm chuyển đổi số "Agritech - Chuỗi nông nghiệp số"; xây dựng 5 bộ giải pháp kinh doanh trực tuyến cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn nhằm triển khai ứng dụng thương mại điện tử nhằm giới thiệu, quảng bá, giao dịch kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên internet.
Sản phẩm nông nghiệp áp dụng chuyển đổi số là các sản phẩm tham gia chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) cấp tỉnh, các nông sản đặc sản, có thế mạnh của tỉnh, có khả năng liên kết, xây dựng chuỗi tiêu thụ nông sản hoặc tiêu thụ qua hình thức thương mại điện tử.
UBND tỉnh Phú Thọ cũng ban hành Kế hoạch 3423/KH-UBND về phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025. Trong đó, xác định thương mại điện tử là giải pháp giúp quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm OCOP của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; các gian hàng trên sàn Postmart, Voso; Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Phú Thọ (giaothuong.net.vn).
Thống kê cho thấy, trong năm 2021, có hơn 4,91 triệu lượt truy cập sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Phú Thọ; tỉnh đã cấp 142.000 tem, 20.000 nhãn truy xuất nguồn gốc nông sản, kích hoạt 8.469 tem kiểm dịch cho các đơn vị tham gia chương trình chuyển đổi số.
Trong 4 tháng đầu năm 2022, có hơn 5,14 triệu lượt truy cập các sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh, với trên 277 gian hàng, 912 sản phẩm dịch vụ.
Ông Nguyễn Hoàng Mạnh, Giám đốc HTX rau, củ, quả sạch Mạnh Liên (xã Hương Nộn, Tam Nông, Phú Thọ) là nhà nông tiên phong trong việc thay đổi tư duy từ sản xuất truyền thống sang sản xuất nông nghiệp sạch.
Theo đó, ông Mạnh đã mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà lưới với quy mô hơn 7.000m2 trồng măng tây, dưa chuột…, cùng hệ thống lưới cắt nắng, quạt đối lưu, tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt của Israel với số vốn đầu tư hơn 4 tỉ đồng. Đây là hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại nhất được áp dụng với bộ điều khiển tự động, tiết kiệm được tối đa chi phí, nhân công.
Để tạo niềm tin cho người tiêu dùng, HTX rau, củ, quả sạch Mạnh Liên đã áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Thông qua đó, khách hàng có thể yên tâm về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm và tin tưởng sử dụng.
Đến nay, các sản phẩm của HTX đã vươn rộng đến nhiều thị trường như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên… Doanh thu mỗi năm của HTX đạt hơn 700 triệu đồng, tạo việc làm cho 5-7 lao động địa phương, thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Bắt nhịp với dòng chảy chuyển đổi số, nhiều doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã có những thay đổi về nhận thức trong sản xuất nông nghiệp, hướng tới sản xuất chuyên nghiệp, bền vững.
Ông Trần Ngọc Minh, Giám đốc HTX dịch vụ sản xuất và kinh doanh bưởi đặc sản Bằng Luân (Đoan Hùng) chia sẻ, HTX hiện có gần 100 thành viên, quy mô sản xuất hơn 100ha. Trong đó, diện tích áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến như tưới tiết kiệm nước, sử dụng phân bón, chế phẩm vi sinh, sản xuất theo quy chuẩn an toàn khoảng 20ha.
"Sản phẩm bưởi Bằng Luân của HTX dịch vụ sản xuất và kinh doanh bưởi đặc sản Bằng Luân đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cấp tỉnh, hạng 3 sao vào năm 2020. Nhờ ứng dụng công nghệ thông minh, dù ở đâu tôi cũng đều theo dõi, quản lý được hoạt động sản xuất nông nghiệp từ tình trạng dinh dưỡng, sinh trưởng của cây trồng đến quy trình đóng gói, tiêu thụ sản phẩm.
Đến nay, được sự hỗ trợ của các đơn vị chuyên môn của tỉnh, HTX đã cài đặt phần mềm, tem nhãn truy xuất nguồn gốc, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử của tỉnh để quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm", ông Minh nói.
Đến nay, toàn tỉnh Phú Thọ có gần 210 mô hình nông nghiệp công nghệ cao với hơn 20 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Những mô hình này vừa góp phần đưa giá trị tăng thêm của toàn ngành nông nghiệp đạt 3,23% trong năm 2021, vừa là nền tảng vững chắc cho công cuộc chuyển đổi số nông nghiệp của tỉnh Phú Thọ.
Sản xuất nông nghiệp liên kết với khâu tiêu thụ nông sản có ý nghĩa quyết định cho nông nghiệp phát triển bền vững trong nền kinh tế thị trường. Chuyển đổi số nông nghiệp là "chìa khóa" để thực hiện sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản trong thời đại cách mạng 4.0, giúp cho nông nghiệp trở thành một trong các trụ đỡ cho nền kinh tế của quốc gia.
Hiện Bộ NNPTNT đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số để chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số theo 3 trụ cột: Bộ NNPTNT số, kinh tế nông nghiệp số và nông dân số.
Đồng thời, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị tập trung xây dựng đề án chuyển đổi số NNPTNT giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, làm căn cứ cho Bộ triển khai ở Trung ương và địa phương.
Thực hiện yêu cầu chuyển đổi số, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng kế hoạch dài hơi cho từng ngành, lĩnh vực và nông nghiệp là một trong những ngành được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, chuyển đổi số có ý nghĩa quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Thương mại điện tử là một trong những giải pháp để thúc đẩy tiêu thụ nông sản gắn kết cung, cầu, đưa nông sản Phú Thọ ra thị trường không thông qua các khâu trung gian, giảm chi phí…
Thời gian tới, tỉnh Phú Thọ đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản; thu hút đầu tư mạnh mẽ sự tham gia của mọi thành phần vào hạ tầng số trong nông nghiệp; trong đó doanh nghiệp công nghệ đóng vai trò quan trọng.
Ưu tiên tập trung ở các nơi sản xuất ra nông sản, các vùng chuyên canh, vùng sâu, vùng xa với đường truyền internet được truy cập với tốc độ cao, ổn định, không bị mất tín hiệu ngắt quãng.
Đồng thời, tăng cường đào tạo khoa học công nghệ cho người nông dân trong chuyển đổi số về việc đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, như kỹ thuật chụp ảnh, quay video, giới thiệu sản phẩm, quy trình canh tác, sản xuất…
Việc xây dựng, phát triển chuỗi nông nghiệp số giúp liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Phú Thọ được minh bạch, tạo ra thương hiệu cho sản phẩm nông sản trên thị trường và sự an tâm của người tiêu dùng.