Làm sao chuyển đổi số dự báo được thị trường, tránh ùn ứ nông sản như hiện nay?
Thứ trưởng Bộ NNPTNT "hỏi khó": Làm sao chuyển đổi số để dự báo thị trường, tránh ùn ứ nông sản?
Bình Minh
Thứ ba, ngày 28/12/2021 06:00 AM (GMT+7)
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đặt câu hỏi "làm sao chuyển đổi số có thể dự báo thị trường, tránh ùn tắc mấy nghìn xe nông sản như ở Lạng Sơn hiện nay"? Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đáp lời "Thứ trưởng hỏi rất khó".
Chiều 27/12, Bộ NNPTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến về chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ông Tiến đặt câu hỏi với Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản về "làm sao chuyển đổi số có thể dự báo thị trường, tránh ùn tắc mấy nghìn xe nông sản như ở Lạng Sơn hiện nay"? Ông Toản đáp lời: "Thứ trưởng hỏi rất khó".
Ông Toản nói tiếp, hiện Cục đang xây dựng hệ thống dữ liệu kết nối cung cầu. Ngay từ lúc đỉnh điểm của dịch bệnh, tháng 7 vừa qua, Cục đã phối hợp với các chuyên gia hoàn thành xong hệ thống đường dẫn, cho phép khai thác về dữ liệu về sản xuất - cung ứng nông sản tới cấp huyện.
Để giải quyết bài toán, chúng ta phải có cơ sở dữ liệu - là cái gai góc nhất, vĩ mô lẫn mọi phân cấp, phân ngành đều cần cơ sở dữ liệu. Khi đưa vào thực tiễn phải có thời gian thử, chứ không thể giống như ứng xử với cách thống kê bình thường.
Về vấn đề thị trường bất cứ một cầu nào thì cũng phải có cung chuẩn và chuyển đổi số thì đầu tiên, quan trọng nhất là thể chế, công nghệ sẽ phục vụ thể chế.
Trước câu trả lời của Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, ông Tiến nêu quan điểm: "Thực tế điều quan trọng là ứng dụng công nghệ số để kết nối cung cầu. Theo đó, cần phải có số liệu cụ thể một năm thu hoạch mỗi loại nông sản bao nhiêu, trong đó có con số cụ thể từng tháng. Từ đó, tính toán đem đi tiêu thụ ở thị trường nào, bao nhiêu sản lượng đưa vào chế biến sâu, bao nhiêu xuất khẩu, bao nhiêu tiêu thụ ở thị trường nội địa".
Thứ trưởng Tiến đánh giá, nếu thống kê cung - cầu mà chỉ có mỗi dự báo tổng hợp về nguồn cung mà không biết bao nhiêu sẽ chế biến sâu, xuất khẩu, tiêu thụ nội địa, phân ra từng thị trường thì không giải quyết được vấn đề. Làm được điều này thì mới giảm được mùa mất giá, đây là kết nối cung - cầu để tính tính toán phương án rải vụ, ứng dụng khoa học công nghệ, lập kế hoạch tiêu thụ.
Tại Hội nghị, ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, hiện nay diện tích rừng của nước ta là 16,2 triệu ha, trong đó có 7,1 triệu lô rừng, 1,4tr hộ gia đình là các chủ rừng, 326 ban quản lý rừng phòng hộ, 167 ban quản lý rừng đặc dụng, về chi trả dịch vụ môi trường rừng có 250.000 hộ gia đình hưởng lợi trên điện tích 6,5 triệu ha.
Vậy thì chia tiền này như thế nào? giám sát hiệu quả chi trả dịch vụ này thế nào? Nếu thiếu công nghệ số sẽ hoàn toàn rất khó khăn vì địa bàn rộng, vùng sâu, vùng xa…
Gắn với chuyển đổi số, ngành đã xây dựng hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp và tiếp cận đến từng lô rừng. Mỗi lô rừng bình quân khoảng 10 hecta, còn khoảnh rừng là 100 hecta và tiểu khu là 1.000 hecta. Mỗi lô rừng có 52 trường dữ liệu với các dữ liệu được số hóa từ hình dạng; kích thước diện tích; điều kiện tự nhiên; chủ sở hữu sử dụng; chất lượng rừng.
“Đây mới chỉ là bước ban đầu trong việc chuyển đổi số và còn rất việc phải làm như: tiếp tục số hóa cơ sở dữ liệu; tích hợp các cơ sở dữ liệu và quan trọng nhất là phải hướng đến người dùng, đây chính là yếu tố để duy trì phát triển của hệ thống. Tiến tới sẽ cải thiện hơn nữa hệ thống cơ sở dữ liệu để có tính ứng dụng cao trên thực tế”, ông Phạm Văn Điển cho biết.
Ông Vũ Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho hay, hiện chỉ khoảng 40% HTX ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh. Vì vậy, Cục đang phối hợp với các doanh nghiệp để hỗ trợ các HTX ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh như triển khai nhật ký điện tử sản xuất, sử dụng điện thoại thông minh để giám sát đồng ruộng, tham gia vào sàn giao dịch điện tử để xuất khẩu.
Đối với các địa phương, chia sẻ tại Hội nghị, đại diện Sở NNPTNT tỉnh Lào Cai cho biết, tỉnh đã xây dựng chuyển đổi số dựa trên 3 yếu tố: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó đã xây dựng kế hoạch năm 2022 sẽ tập trung chủ yếu xây dựng cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, đây đang là vấn đề rất khó, rất mông lung. Trong quá trình chuyển đổi số ứng dụng công nghệ thông tin vào nông nghiệp việc đầu tiên khi thiết lập cơ sở dữ liệu ở các địa phương còn lúng túng.
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu đến đâu? Mức độ nào? Sẽ ưu tiên cái nào làm trước, cái nào sau?. Chính bởi vậy xây dựng cơ sở dữ liệu cụ thể của từng lĩnh vực trong ngành nông nghiệp đang còn gặp nhiều loay hoay.
Theo đại diện tỉnh Lào Cai, đối với hệ sinh thái nông nghiệp thì rất nhiều khâu tham gia, hạ tầng công nghệ thông tin và thiết bị cũng là câu chuyện còn khó khăn. Nhân lực để phục vụ chuyển đổi số thì rõ ràng khối lượng rất lớn, nhưng thiếu nhân lực am hiểu về công nghệ thông tin.
Các địa phương không biết làm từ đâu? Làm như thế nào? Tỉnh Lào Cai đề nghị Bộ NNPTNT xây dựng khung, kiến trúc chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương, phân cấp, phân quyền để xây dựng, khai thác cơ sở dữ liệu.
"Nếu chúng ta "chờ" để đồng bộ thì sẽ muộn, vì vậy cần ưu tiên 1 số địa phương, cần định hướng, xác định nhiệm vụ trọng tâm, chia lộ trình để làm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.