Dân Việt

Hơn 170.000ha rừng, Phú Thọ chủ động phòng chống “giặc lửa” ngay đầu mùa khô

Hoan Nguyễn 26/06/2022 11:05 GMT+7
Chủ động phương án “4 tại chỗ”, phát huy trách nhiệm, ý thức của cộng đồng dân cư là yếu tố quan trọng để tỉnh Phú Thọ thực hiện hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy rừng, hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có cháy rừng xảy ra.

Phát huy trách nhiệm, ý thức của cộng đồng dân cư để phòng cháy chữa cháy rừng

Bước vào mùa hè, chị Nguyễn Thị Trình (xã Mỹ Lương, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) thường xuyên vào rừng để theo dõi, kiểm tra và chủ động thực hiện các phương án phòng cháy chữa cháy rừng.

Hơn 3ha rừng sắp đến kỳ thu hoạch này là tài sản lớn của gia đình chị Trình. Bởi vậy, chị Trình đã tập trung phát dọn thực bì, tạo ra những đường băng cản lửa nhằm kiểm soát, phòng ngừa nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra.

"Trong những ngày nắng nóng, tuyệt đối không mang lửa vào rừng, không đốt ong lấy mật. Rừng trồng là tài sản lớn của gia đình, nên tôi thường xuyên nhắc nhở các thành viên trong gia đình và người dân xung quanh không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống cháy. Vì nếu để xảy ra cháy rừng, thiệt hại về kinh tế và môi sinh, môi trường là rất lớn", chị Trình chia sẻ.

Phú Thọ chủ động phòng chống “giặc lửa” - Ảnh 1.

Lực lượng kiểm lâm thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương phát quang lại đường băng cản lửa, chòi canh, hệ thống biển cấm lửa để phòng cháy chữa cháy rừng. Ảnh: Hoan Nguyễn

Tại huyện Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ) có tổng diện tích tự nhiên khoảng hơn 12.000ha; rừng và đất lâm nghiệp là 2.760ha (trong đó, 476ha là rừng phòng hộ; 2.300ha là rừng sản xuất), người dân trồng chủ yếu là cây keo và bạch đàn.

Bước vào mùa khô, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nguy cơ xảy ra cháy rừng ở một số xã được đánh giá ở mức cao đến rất cao như: Tu Vũ, Đào Xá, Tân Phương, Đồng Trung, Sơn Thuỷ, thị trấn Thanh Thuỷ.

Nguyên nhân gây cháy rừng chủ yếu là do thời tiết khô hanh, thảm thực bì dày rất dễ bắt lửa. Mùa khô cũng là thời điểm người dân tập trung phát dọn thảm thực vật, chuẩn bị đất cho vụ canh tác tại các khu vực gần bìa rừng, một số hộ dân còn bất cẩn trong việc sử dụng lửa để xử lý thực bì trồng rừng dễ để xảy ra cháy rừng.

Từ đầu năm đến nay, huyện Thanh Thủy xảy ra một vụ cháy rừng vào ngày 4/5, tại đồi bạch đàn của gia đình bà Đỗ Thị Quảng (khu 12, xã Tu Vũ).

Ngay khi xảy ra vụ cháy, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ gồm gần 100 cán bộ, chiến sĩ, bộ đội thường trực, dân quân tự vệ cùng công an và nhân dân địa phương tham gia chữa cháy. Nhờ đó, đám cháy đã được khống chế và dập tắt hoàn toàn. Tuy nhiên, gia đình bà Quảng vẫn ước tính thiệt hại khoảng 2,8ha rừng bạch đàn.

Phú Thọ chủ động phòng chống “giặc lửa” - Ảnh 2.

Hạt Kiểm lâm huyện Thanh Thủy phát hiện và chữa cháy kịp thời nên đám cháy ngày 4/5 tại đồi bạch đàn khu 12, xã Tu Vũ. Ảnh: Hoan Nguyễn

Để phòng cháy chữa cháy rừng hiệu quả, Hạt Kiểm lâm huyện Thanh Thủy đã tập trung tham mưu cho UBND huyện, các chủ rừng và người dân đẩy mạnh công tác bảo vệ rừng.

Đến nay, huyện đã kiện toàn xong ban chỉ đạo phòng cháy chữa cháy rừng các cấp; củng cố và kiện toàn 33 tổ phòng cháy chữa cháy rừng với 296 lượt người tham gia.

Đồng thời, kiểm tra, giám sát các đơn vị chủ rừng, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thực hiện việc xử lý thực bì; sẵn sàng lực lượng và phương tiện tham gia chữa cháy kịp thời, khẩn trương theo phương châm "phòng là chính, chữa cháy kịp thời, hiệu quả trên cơ sở 4 tại chỗ".

Phương châm "4 tại chỗ" - giải pháp quan trọng hàng đầu phòng cháy chữa cháy rừng

Tỉnh Phú Thọ có 171.606ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp, trong đó rừng đặc dụng khoảng 16.000ha, rừng sản xuất 123.638ha, rừng phòng hộ gần 32.000ha. Diện tích rừng tập trung tại các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, Hạ Hòa, Đoan Hùng.

Rừng sản xuất chủ yếu trồng các loại cây nhiều tinh dầu, dễ bắt lửa như: Keo, bạch đàn, quế... Khi gặp thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao rất dễ bén lửa trong khi thực bì dưới tán rừng dày cũng làm gia tăng vật liệu gây cháy.

Phú Thọ chủ động phòng chống “giặc lửa” - Ảnh 3.

Lực lượng kiểm lâm Thanh Sơn diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng. Ảnh: Hoan Nguyễn

Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh Phú Thọ xảy ra 7 vụ cháy rừng tại các huyện: Hạ Hòa, Yên Lập, Tân Sơn, Cẩm Khê, Thanh Thủy, nguyên nhân chủ yếu do xử lý thực bì gây cháy lan.

Dự báo, mùa hè năm 2022 sẽ xuất hiện nhiều đợt nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao, phổ biến trong khoảng 37-39 độ C, độ ẩm trong ngày tương đối thấp, nên nguy cơ xảy ra cháy rừng cao.

Rút kinh nghiệm từ những năm trước, bước vào mùa nắng nóng năm nay, tỉnh Phú Thọ đã củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp, phân công nhiệm vụ, địa bàn phụ trách cụ thể cho các thành viên; xây dựng phương án, kịch bản phòng cháy chữa cháy rừng, chủ động thành lập các tổ, đội xung kích chữa cháy rừng.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Phú Thọ Trần Ngọc Cường nhấn mạnh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã triển khai nhiều phương án trong phòng cháy chữa cháy rừng.

Đặc biệt, Chi cục luôn chủ động, sẵn sàng đầy đủ lực lượng, phương tiện và các điều kiện cần thiết khác nhằm thực hiện tốt phương án "4 tại chỗ" trong phòng cháy chữa cháy rừng (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ). Đây được coi là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu khi có cháy rừng xảy ra.

Đồng thời, những ngày cao điểm nắng nóng, khô hanh kéo dài, các Hạt kiểm lâm tổ chức lực lượng ứng trực 24/24 giờ; bố trí lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao; có phương án chữa cháy rừng cụ thể, phù hợp với từng khu vực.

Phú Thọ chủ động phòng chống “giặc lửa” - Ảnh 4.

Diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng tại xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Hoan Nguyễn

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Thọ cũng thường xuyên, liên tục phối hợp với Chi cục Kiểm lâm vùng I, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Việt Bắc để theo dõi sát diễn biến thời tiết, khí hậu của từng vùng, kết hợp kiểm tra, xác định cụ thể các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng, thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng, các bản tin dự báo, cảnh báo cháy rừng đối với từng khu vực để chính quyền địa phương, các đơn vị có liên quan và chủ rừng chủ động triển khai phương án phòng cháy chữa cháy rừng...

Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm cơ động thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các huyện, xã triển khai các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng.

Lực lượng kiểm lâm cũng yêu cầu các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn đăng ký thời gian đốt xử lý thực bì trồng rừng, đốt nương làm rẫy với Trưởng khu dân cư, cán bộ kiểm lâm địa bàn; phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước đối với tập thể, cá nhân nếu để xảy ra cháy rừng, phá rừng trên địa bàn quản lý.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình để trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng nhằm tạo thêm công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, từ đó người dân có trách nhiệm bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tốt hơn.

Hàng năm, ngành kiểm lâm cử cán bộ đi diễn tập phòng, chống cháy rừng và tập huấn sử dụng các ứng dụng trên nền tảng số về theo dõi và cảnh báo cháy rừng do Chi cục Kiểm lâm tổ chức để nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý rừng…

Cháy rừng gây thiệt hại lớn về kinh tế, môi sinh môi trường, làm giảm độ che phủ của rừng và trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của Nhân dân. Nền nhiệt tăng cao, người vào rừng chỉ cần một sơ suất nhỏ khi dùng lửa sẽ xảy ra cháy rừng khó kiểm soát.

Với những phương án, việc làm cụ thể và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, chính quyền địa phương, chủ rừng, tỉnh Phú Thọ đã và đang nỗ lực hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về rừng do "giặc lửa" gây ra; góp phần nâng cao độ che phủ rừng, đảm bảo môi trường sinh thái đi đôi với phát triển kinh tế rừng theo hướng bền vững.