Vườn "trồng lung tung" thập cẩm đủ thứ cây ở Lâm Đồng tưởng dở hơi mà tiền lời đều như vắt chanh
Vườn "trồng lung tung" thập cẩm đủ thứ cây ở Lâm Đồng, tưởng dở mà lại hóa hay bởi tiền về đều tay
Chủ nhật, ngày 26/06/2022 09:03 AM (GMT+7)
Không độc canh một loại cây, nông dân Lâm Đồng đang triển khai nhiều mô hình xen canh, trồng nhiều loại cây trồng trên cùng một diện tích đất. Một trong những mô hình hiệu quả là trồng xen cây ăn trái trong vườn cà phê, vừa có thu nhập ổn định, vừa tạo sinh cảnh bền vững.
Ông Nguyễn Văn Công, nông dân xã Đại Lào thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) đã quen với trồng cỏ nuôi bò và trồng cà phê.
Đất Đại Lào vốn hợp với con bò sữa, cỏ tốt, bò ăn chóng lớn, cho sữa đều. Nhưng giá sữa tăng chậm, lại không có người làm nên ông Công quyết định chuyển sang chăm sóc cây cà phê, loại cây phổ biến với đất Bảo Lộc.
Tuy nhiên, là loại cây trồng phổ biến, cà phê thường gặp cảnh được mùa mất giá hoặc ngược lại. Thời gian gần đây, giá cả vật tư nông nghiệp, phân bón các loại tăng quá cao, người trồng cà phê chịu áp lực lớn từ chi phí đầu tư. Thêm vào đó, việc khó tìm công lao động khi tới mùa thu hoạch cũng khiến nhiều gia đình trồng cà phê gặp khó.
Ông Nguyễn Văn Công đang chăm sóc vườn cây ăn trái trồng xen canh của gia đình tại xã Đại Lào thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng).
Vì vậy, từ vài năm nay, ông Nguyễn Văn Công đã chủ động trồng xen các loại cây ăn trái vào diện tích cà phê của gia đình.
Trên diện tích 1,2 đất trồng cỏ của gia đình, ông Nguyễn Văn Công trồng xen 400 cây cà phê, 3 sào mít thái và 2 sào dâu cao sản. Bên cạnh đó, ông vẫn chăm sóc 8 sào cà phê giống tốt, đã được tái canh trẻ hóa.
Diện tích sầu riêng được ông trồng rải rác, mỗi năm một vài trăm cây nên có lớn, có nhỏ, hầu hết mới bắt đầu cho hoa vụ đầu. Mít Thái vốn là giống cho trái siêu sớm, chỉ 18 tháng là có trái nên ông đã được thu từ 2 năm nay. mỗi trái mít nặng từ 7-10 kg, có giá 10-12 ngàn đồng/kg, thương lái về thu mua tại vườn. Ông Công đánh giá, trồng xen cho thu nhập cao hơn hẳn trồng thuần cà phê.
Ông Nguyễn Văn Công chia sẻ: “Cán bộ nông nghiệp thường nhắc tới khái niệm chống xói mòn, bảo vệ vườn và đất. Như tôi trồng sầu riêng thì giống cây này ưa mát, ban đầu trồng sầu riêng mình trồng xen cà phê, vừa có cà phê thu hoạch hàng năm, vừa chống xói mòn cho vườn. Khi nào cây sầu riêng trưởng thành, lớn đủ thì tỉa bớt cà phê tạo độ thông thoáng cho sầu riêng phát triển. Như vậy vườn lúc nào cũng xanh, đất không khô, không bị xói mòn”.
Trồng xen cây có múi trong vườn cà phê, theo ông Nguyễn Văn Công, đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc tốt hơn nhiều so với trồng thuần. Ông Công cho biết, mỗi loại cây đòi hỏi một phương pháp canh tác, kỹ thuật chăm sóc, lượng phân, lượng nước khác nhau.
Vì vậy, lượng đầu tư và công chăm sóc phải nhiều hơn trồng thuần. Như sầu riêng, yêu cầu lượng nước rất lớn, phải cân đối lượng nước tưới đều đặn, nhất là trong mùa khô. Như sầu riêng của gia đình ông đang trong giai đoạn kiến thiết, mùa khô phải được tưới đều 2-3 lần/ tuần nên ông Công phải đầu tư hệ thống tưới tận gốc.
Thuận lợi là do tưới và chăm sóc sầu riêng, cây cà phê được “hưởng ké”, không phải tưới thêm cho cà phê mà diện tích cà phê được nhờ nước tưới sầu riêng hàng tuần.
Hiện tại, gia đình ông Nguyễn Văn Công có thu nhập từ dâu tằm. Chỉ với 2 sào dâu tằm, ông có thể nuôi 1-2 hộp dâu/ tháng. Với giá kén cao tới 220 ngàn đồng/kg như hiện nay, dâu tằm giúp gia đình trang trải mọi sinh hoạt trong nhà.
Nhờ trồng xen, vườn mát, năng suất cà phê cũng tăng, niên vụ 2021 ông thu được 3 tấn nhân. Ngoài ra, còn có mít được bán hàng tháng và sắp tới, khi sầu riêng có thu hoạch, thu nhập sẽ tăng lên rất cao. Ông Công đánh giá, hiện tại dù chưa có sầu riêng, thu nhập từ trồng xen đã tăng cao so với trồng thuần cà phê.
Anh Định Hữu Hiệp, khuyến nông viên xã Đại Lào cho biết, ông Nguyễn Văn Công tham gia dự án hỗ trợ trồng xen cây ăn trái trong vườn cà phê của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng. Dự án chủ yếu hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân với giống cây chủ yếu là cây sầu riêng.
Trồng cây ăn trái xen trong vườn cà phê vừa giúp bảo vệ đất, đa dạng hóa môi sinh, vừa tăng thu nhập trên cùng một diện tích. Đây cũng là một hướng đi hiệu quả cho nông dân, tránh tình trạng phụ thuộc hoàn toàn vào một loại cây, giảm phụ thuộc của nông hộ vào thị trường lên- xuống.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.