Trồng lạc xuân ở Tuyên Quang năng suất giảm, chi phí phân bón tăng, củ lạc tươi bán trầy trật
Ở nơi này của Tuyên Quang, nông dân đang có một nỗi buồn mang tên "lạc xuân"
Chủ nhật, ngày 26/06/2022 06:25 AM (GMT+7)
Không khí những ngày chính vụ thu hoạch lạc tại các địa phương tỉnh Tuyên Quang như chùng xuống vì lạc nhổ lên chỉ lưa thưa củ. Lạc vụ xuân này giảm cả về năng suất, chất lượng. Nguyên nhân chính là do thời tiết diễn biến bất thường.
Vụ lạc xuân 2022, toàn tỉnh Tuyên Quang trồng 3.329,9 ha, trong đó có 1.843,3 ha trồng trên đất ruộng, còn lại là diện tích lạc trồng trên soi bãi; khoảng 60% diện tích sử dụng giống lạc L14, còn lại 40% diện tích là các loại giống khác.
Hiện lạc đã bước vào vụ thu hoạch rộ, ngành chuyên môn đang kiểm tra, đánh giá năng suất bình quân toàn vụ. Tuy nhiên, theo ghi nhận ở các địa phương như: Sơn Dương, Chiêm Hóa, Lâm Bình… thì năm nay lạc giảm cả về năng suất và chất lượng so với cùng kỳ các năm trước.
Vụ xuân ở xã Phúc Sơn (huyện Lâm Bình, Tuyên Quang) trồng 490 ha lạc, đến ngày 15-6 xã thu hoạch được hơn 120 ha.
Ông Chẩu Văn Anh, Bí thư chi bộ thôn Bản Chỏn cho biết, vụ xuân này gia đình ông trồng 2.000 m2 lạc, từ đầu vụ đến cuối vụ, cứ đến những giai đoạn quan trọng trong thời kỳ phát triển của cây lạc như: ra hoa, làm hạt đến thời kỳ lạc chín đều gặp phải những trận mưa dài ngày gây úng nước, lạc bị đỏ vỏ, thối hạt.
Ông Anh nói: “Cây lạc cần đất khô ráo, gia đình cũng đã đánh luống cao tạo rãnh thoát nước nhưng mưa kéo dài gây ngập úng thối hết rễ và củ. Nếu như vụ xuân năm 2021 gia đình tôi thu 8 tạ/1.000 m2 thì năm nay gia đình chỉ thu được 5 tạ/1.000 m2”. Vụ này thôn Bản Chỏn trồng 15 ha lạc chủ yếu trên đất ruộng, mưa lớn làm đa số diện tích lạc ngập úng. Theo người dân trong thôn vụ này năng suất lạc giảm một nửa so với vụ xuân năm 2021, bình quân đạt 5 - 6 tạ/1.000 m2.
Chung nỗi buồn, gia đình chị Đặng Thị Dự, thôn Nà Vài, xã Thổ Bình chia sẻ, thành quả sau 4 tháng vất vả lao động, chăm sóc, vun xới nhưng các thành viên trong gia đình đều không vui bởi thửa ruộng 2.000 m2 này ước chỉ thu được 1,4 tấn lạc (năm ngoái đạt 1,8 tấn).
Ngay đến thân cây dùng để làm thức ăn khô dự trữ phục vụ chăn nuôi gia súc cũng kém hơn với các vụ trước.
Chị Dự cho biết: “Lạc giảm năng suất đã đành, do thời tiết giai đoạn thu hoạch không thuận lợi để phơi khô nên chúng tôi phải bán lạc tươi với giá 9.000 đến 11.000 đồng/kg. Với mức giá này, chúng tôi chưa có lãi vì chi phí sản xuất đầu vào như giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, nhân công lao động đều tăng cao”.
Theo đánh giá sơ bộ của huyện Lâm Bình, đến ngày 16-5, toàn huyện đã thu hoạch được hơn 400 ha/1.418 ha lạc; ước năng suất sẽ giảm khoảng 7 - 10 tạ/ha so với năm 2021.
Tại huyện Chiêm Hóa, Sơn Dương cũng ghi nhận năng suất lạc xuân giảm 20 kg/sào so với cùng kỳ năm 2021. Cây lạc phát triển chậm, thu hoạch muộn hơn 7 - 10 ngày so với vụ xuân trước, cá biệt tại những ruộng trồng lạc ở điểm trũng, thấp, thoát nước không tốt đã làm cho lạc bị thối củ, gây thất thu.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng năng suất giảm là do thời tiết vụ xuân diễn biến thất thường. Khi bắt đầu xuống giống gặp phải đợt rét và mưa lụt kéo dài khiến nhiều vùng xuống giống chậm so với lịch thời vụ.
Củ lạc tươi khó bán
Ngoài việc năng suất lạc giảm, năm nay giá lạc tươi đầu vụ cũng giảm so với năm ngoái từ 1.000 - 2.000 đồng. Nếu như vụ xuân năm ngoái các thương lái vào tận ruộng thu mua lạc tươi thì năm nay lạc khó bán. HTX Nông lâm nghiệp Phúc Sơn (Lâm Bình) hàng năm thu mua từ 300 - 500 tấn lạc cho người dân trong vùng, vụ xuân năm nay HTX không hoạt động.
Ông Ma Phúc Giải, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Phúc Sơn cho biết, năm nay HTX không thu mua lạc về sấy khô bởi sản lượng và chất lượng lạc không đảm bảo yêu cầu từ phía đối tác. Thời điểm này, HTX dừng thu mua lạc, chuyển sang ngành nghề khác chỉ có vài tư thương thu mua lạc tươi cho người dân với số lượng hạn chế.
Bà Trần Thị Học, thôn Phia Lài, xã Phúc Sơn (Lâm Bình) chuyên thu mua lạc cho biết, hiện gia đình chỉ thu mua lạc tươi loại A với số lượng bình quân hơn 1 tấn mỗi ngày, lạc chủ yếu chuyển về các tỉnh vùng xuôi tiêu thụ tại các nhà hàng, quán ăn nên số lượng không nhiều.
Với việc lạc xuân có nguy cơ khó tiêu thụ thì người dân tại một số địa phương đã không bán lạc tươi mà chuyển sang phơi khô bán lạc nhân hoặc để ép dầu.
Ông Quyền Văn Hoản, thôn Nà Giàng, xã Tân Mỹ (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) cho biết, mấy năm trở lại đây, gia đình ông cũng như các hộ trong thôn bán lạc tươi tại ruộng cho thương lái đến thu mua, năm nay từ đầu vụ lạc, gia đình ông mới chỉ bán được có vài tạ lạc tươi, hiện gia đình đang thu hoạch gần 2.000 m2 lạc mang về phơi khô bán nhân hoặc bán cho các cơ sở ép dầu.
Ông Đặng Xuân Giang, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Trường Sinh (Sơn Dương) cho biết, với dây chuyền ép dầu lạc vừa được đầu tư, vụ xuân năm nay HTX vẫn tiến hành thu mua lạc của người dân theo giá thị trường, do sản lượng lạc trong huyện giảm, HTX đang mở rộng thu mua lạc nguyên liệu tại các địa phương trong tỉnh.
Vụ sản xuất đông xuân là vụ chính quyết định đến năng suất, tổng sản lượng cây trồng của cả năm. Sau vụ lúa xuân năng suất giảm, những ngày này, người dân trong tỉnh lại có thêm nỗi buồn lạc mất mùa, rớt giá... Hiện các ngành chức năng khuyến khích người dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch diện tích lạc, chuyển trọng tâm sang sản xuất vụ mùa trong khung thời vụ tốt nhất để vụ mùa tới đạt kết quả cao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.