Bằng sự chăm chỉ, năng động trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ông Nguyễn Văn Vàng đã làm giàu trên cánh đồng chiêm trũng. Ông còn là một giáo dân sống tốt đời đẹp đạo, hăng hái tham gia công tác xã hội, ủng hộ hàng trăm triệu đồng vào công tác thiện nguyện của địa phương.
Phải gọi điện nhiều lần, tôi mới hẹn gặp được ông Nguyễn Văn Vàng, bởi ông rất bận và chẳng mấy khi cầm điện thoại bên người. Khi tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu để viết bài về ông, ông từ chối ngay. Với sự kiên trì của mình, cuối cùng tôi cũng đã thuyết phục được ông, nhưng kèm theo điều kiện: "Việc tôi làm rất nhỏ bé, đừng viết tâng tôi lên mây, ngại lắm!".
Gặp ông Vàng ở trang trại, hình ảnh một người nông dân chân lấm tay bùn hiện lên trước mắt tôi. Ông kể, trang trại của ông rộng 17.600m2, trước đây là vùng ruộng bị ngập nước, cấy lúa chẳng được mấy thóc, nhưng từ khi chuyển đổi sang kinh tế trang trại thì cho lợi nhuận 400-500 triệu đồng/năm. Hiện nay, trang trại của ông có 9 đàn vịt lớn nhỏ, khoảng 2.000 con đang đẻ trứng; vài trăm con gà và chim bồ câu; còn cây mít, xoài thì không đếm hết. Tuy nhiều việc như vậy nhưng chỉ có mình ông làm mà không phải thuê nhân công.
Trông một nông dân cả ngày lăn lộn với bùn đất, gà vịt, tôi nghĩ ông chẳng mặn mà hoặc không có thời gian để tham gia công tác xã hội. Nhưng thật bất ngờ, khi tôi hỏi về các hoạt động xã hội, ông Vàng phấn khởi và kể ra một loạt tổ chức đang tham gia với các vai trò, như: Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ thôn Trên, hội viên Hội Nông dân xã, Ủy viên Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam TP Hà Nội và đặc biệt là quãng thời gian 4 năm làm Trùm trưởng của xứ đạo thôn Trên.
Với vai trò trùm trưởng, ông Vàng thường xuyên tham gia vận động các gia đình thực hiện việc cưới hỏi, việc tang theo nếp sống văn minh, tiến bộ. Ông còn là địa chỉ tin cậy để một số gia đình có con cái chưa ngoan, không tập trung làm ăn tìm đến xin lời khuyên hoặc nhờ trực tiếp đến khuyên bảo; gia đình nào bất hòa, ông lại "bất thình lình" xuất hiện để hòa giải. Ông nói vui: "Tôi là tai mắt trong làng, chuyện gì tôi cũng phải biết để còn xử lý". Ngoài ra, việc cưới xin, làm lễ rửa tội hoặc các ngày lễ Công giáo, Trùm trưởng Vàng đều có mặt rất nhiệt tình.
Mãn khóa trùm trưởng năm 2012, ông lại chuyển sang làm Trưởng ban Tông đồ của xóm. Bằng lối nói chuyện, vận động mộc mạc, chân thành của một người nông dân, ông Vàng thường xuyên tuyên truyền để bà con trong xứ đạo thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, sống phúc âm trong lòng dân tộc nên ở thôn Trên ai cũng kính trọng ông.
Ông khoe với tôi rằng, ông có tới 11 người con, trong đó có 4 con đẻ, 5 con nuôi và 2 con đỡ đầu. Người con trai thứ hai của ông không may bị tai nạn, qua đời, để lại vợ trẻ con thơ. Ông Vàng đã coi con dâu như con gái và tổ chức đám cưới cho con dâu đi bước nữa. Hiện, đôi vợ chồng sống hạnh phúc trong căn nhà mà ông Vàng xây cho.
Dẫn tôi về thăm nhà, trên quãng đường làng ngắn ngủi, gặp từ người già đến trẻ thơ, ông "trùm cựu" luôn tươi cười chào hỏi và nhận lại những lời hỏi thăm thân ái từ mọi người. Lúc đi qua nhà thờ thôn Trên, tôi ngỏ ý muốn vào tham quan, ông Vàng liền dẫn tôi vào. Nhà thờ mới được xây dựng lại vào năm 2018. Ngắm bộ cửa chính to đẹp, tôi được biết, bộ cửa đó và một số cấu kiện nhà thờ do ông Vàng hiến tặng với tổng trị giá gần 200 triệu đồng.
Về đến nhà ông Vàng, một ngôi nhà gác nhỏ chỉ có hai vợ chồng già ở, vợ ông - bà Nguyễn Thị Thuận - bất ngờ, tưởng hôm nay ông về nghỉ sớm chứ không biết nhà có khách.
Bà Thuận thở dài, rồi phân trần: "Ông ấy chẳng đam mê cái gì ngoài lao động. Hồi nhỏ, gia đình có 7 chị em, mình ông ấy là con trai nên được các cụ nuông chiều. Nhưng ông ấy bảo "con trai một nhưng không phải công tử bột", việc gì cũng nhận làm thay các chị. 13 tuổi, ông ấy đã đi làm đất, chăn vịt thuê ở Phú Thọ, đến lúc lấy vợ có sẵn một món tiền, bố mẹ không phải lo cho về kinh tế. Con cái lớn lên, dựng vợ gả chồng, ông đều xây nhà riêng cho cả. Nay đã già rồi, tôi khuyên ông ấy giảm bớt việc đi thì ông ấy lại bảo đang có ý định mở rộng trang trại. Còn hoạt động xã hội thì càng ngày càng nhiều hơn".
Hỏi về một ngày làm việc của ông Vàng, tôi thật sự bất ngờ. Ngày nắng cũng như ngày mưa, ông đều dậy từ 3 giờ sáng đi nhặt trứng, cho gà vịt ăn, đầu tắt mặt tối đến 21 giờ mới về. Tuy vậy, công việc của xứ đạo, ông luôn hoàn thành xuất sắc, chu đáo.
Ngoài lao động, ông Vàng còn say mê làm từ thiện. Bất kỳ cuộc vận động quyên góp thiện nguyện nào của địa phương, ông đều đóng góp cả tiền lẫn ngày công lao động. Mỗi năm, ông đóng góp trung bình 20 triệu đồng cùng nhiều nhu yếu phẩm sẵn có ở trang trại như gà, vịt, rau, hoa quả... cho các công việc chung của thôn.
Vào Lễ Phục sinh hằng năm, ông dâng lên các xứ đạo tại địa phương hơn 2.000 quả trứng vịt. Trong thời gian dịch Covid-19, ông Vàng ủng hộ Quỹ bác ái của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam TP Hà Nội 5 triệu đồng; quỹ phòng, chống dịch của địa phương 6 triệu đồng cùng nhiều nhu yếu phẩm hỗ trợ những gia đình khó khăn mắc Covid-19.
Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ thôn, ông Vàng tích cực tổ chức và tham gia vận động nhân dân quyên góp, ủng hộ các quỹ từ thiện của địa phương. Đồng thời, là một giáo dân, ông thường cung tiến vào các nhà thờ. Hằng năm, ông ủng hộ quỹ khuyến học của thôn 1,5 triệu đồng; mỗi mùa Trung thu, ông lại tặng các cháu thiếu nhi trong thôn 1,5 triệu đồng để tổ chức vui hội trăng rằm...
Ngắm trên bức tường nhà ông, tôi thấy rất nhiều bằng khen, giấy khen của ông Vàng được treo trang trọng. Ông hồ hởi chạy vào buồng và mang ra một thùng bằng khen, khoảng 50 chiếc. Ông bảo: "Bằng khen là tài sản đáng quý nhất của tôi chứ chẳng phải tiền bạc, của cải".
Rồi ông lý giải thêm: "Khen ở đây không phải là tôi thích được tung hô hay nổi tiếng, mà tôi coi đó là sự động viên và minh chứng rằng mình đang làm việc có ích cho xã hội, không bị lạc lối hay làm việc thiện không đúng chỗ".
Ông Vàng bộc bạch: "Khi nào còn sức khỏe thì tôi vẫn lao động và làm công tác xã hội. Cho đi chính là nhận lại, tôi mong những việc làm nhỏ bé của mình có thể phần nào giúp người khó khăn vơi bớt cực khổ". Thật vậy, tôi thấy ông nâng niu từng chiếc bằng khen, giấy khen như chính cuộc sống của mình. Điều đó như tiếp thêm động lực giúp ông tiếp tục ủng hộ các quỹ từ thiện và hăng say làm công tác xã hội.
Trong rất nhiều tấm bằng khen, tôi thấy nổi bật là bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng ông năm 2020, biểu dương ông đã tích cực xây dựng nông thôn mới, sống tốt đời đẹp đạo. Còn tấm bằng khen mới nhất là danh hiệu "Người tốt, việc tốt" của TP Hà Nội tặng đầu năm 2022.
Nói về người nông dân chăm chỉ, năng động và nhiệt tình với công tác xã hội, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Chi bộ thôn Trên khen ngợi: "Thôn có một ông "trùm cựu" như ông Vàng là may lắm. Nhờ có ông nên tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt, mọi việc lớn nhỏ trong thôn, ông Vàng đều nhiệt tình tham gia. Ông là tấm gương sáng sống tốt đời đẹp đạo, làm kinh tế giỏi và thường xuyên giúp đỡ người khó khăn, vì vậy mà trong thôn ai cũng yêu quý và kính trọng ông".
*Bài viết có sự biên tập Title.