Trong khuôn khổ Dự án DeMAASERD và Dự án MAIC, vừa qua Trại Thực nghiệm Trường Đại học Cần Thơ, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng đã diễn ra Hội thảo tập huấn, giới thiệu "Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong hệ thống tuần hoàn kết hợp đa loài" (CTU-RAS)".
Mô hình CTU-RAS là mô hình mới đã và đang được Khoa Thủy sản – Trường Đại học Cần Thơ triển khai. Trong 3 năm đầu, mô hình được tập trung nghiên cứu phát triển tại Trại Thực nghiệm của Khoa tại Cần Thơ. Từ kết quả ở Cần Thơ, đã triển khai thực tế với quy mô 1ha tại Trại Thực nghiệm ở thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.
Theo đó, trong 1,5 năm qua, dự án đã thực hiện 5 đợt nuôi tôm, với hệ thống tuần hoàn gồm 6 ao nuôi tôm và 6 ao xử lý. Mật độ thả nuôi tôm thẻ chân trắng là 300-350 con/m2, tỷ lệ sống của tôm trên 85% mỗi vụ nuôi, năng suất dao động từ 40-55 tấn/ha/vụ.
Theo các chuyên gia, điểm mới và tiên tiến quan trọng của mô hình nuôi tôm siêu thâm canh kiểu mới này là lần đầu tiên áp dụng hệ thống nuôi tuần hoàn kín, có hệ thống lọc sinh học gồm đa loài thủy sản, kết hợp lọc sinh học bằng giá thể chuyển động... Đặc biệt, tôm được cho ăn bổ sung bí đỏ, thay thế một phần thức ăn công nghiệp.
"Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong hệ thống tuần hoàn kết hợp đa loài (CTU-RAS)" với các quy mô khác nhau (10 m3, 40 m3, 100 m3 và 500m3).
Thực tế cho thấy, áp dụng các kỹ thuật trên, môi trường nước nuôi tôm rất ổn định, qua đó giảm thiểu sử dụng chế phẩm vi sinh, khoáng, hóa chất vào nước.
Khác với các mô hình nuôi tôm truyền thống, mô hình nuôi tôm kiểu mới này hạn chế sử dụng nước; tái sử dụng nước hoàn toàn (3 vụ không thay nước). Nhờ đó hạn chế thải chất thải ra môi trường.
Tôm được cho ăn bổ sung bí đỏ nên tăng cường mùi vị, màu sắc, chất lượng tôm tự nhiên; không bổ sung khoáng, chế phẩm vào thức ăn; không dùng thuốc kháng sinh, giúp sản phẩm tôm thu hoạch sạch, an toàn vệ sinh. Việc sử dụng bí đỏ cho tôm ăn còn góp phần quan trọng cho phát triển và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
TS. Nguyễn Xuân Niệm - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Kiên Giang cho biết: Hiện nay, Sở KH&CN Kiên Giang và Trường Đại học Cần Thơ đã ký Bản Ghi nhớ hợp tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao mô hình cùng tập huấn, đào tạo. Điều kiện tại địa bàn tỉnh Kiên Giang hiện nay rất phù hợp cho phát triển mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh CTU-RAS này.
Trong đó, tỉnh đang có trên 5.000ha diện tích nuôi tôm công nghiệp, và đặc biệt là có thương hiệu bí Vàm Răng – Nhãn hiệu tập thể.
Trên cơ sở đó, TS.Niệm đề nghị Khoa Thủy sản của Trường Đại học Cần Thơ phối hợp Chi cục Thủy sản Kiên Giang và Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang viết đề xuất phát triển mô hình CTU-RAS để đưa vào danh mục đề tài, dự án khoa học và công nghệ, thực hiện từ năm 2023.
Theo các chuyên gia, mô hình nuôi tôm có hệ số thức ăn dao động từ 1,08 – 1,14. Đây là mô hình nuôi tôm thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, có thể áp dụng cho các quy mô nông hộ hay công ty, thích hợp áp dụng cho các vùng khác nhau, đặc biệt vùng thành thị, xa biển.
Trong tương lai, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ mong muốn sẽ được tổ chức thêm nhiều chương trình hội thảo, kết hợp với các khóa tập huấn nhằm chuyển giao công nghệ cho các địa phương, các công ty và doanh nghiệp nuôi tôm; góp phần mở rộng sản xuất, và phát triển hiện đại và bền vững nghề nuôi tôm trong bối cảnh mới.