Nuôi tôm càng xanh, cá trê vàng trong ruộng lúa, bắt lên được hàng tạ
Nuôi tôm càng xanh toàn đực, cá trê vàng trong ruộng lúa, bắt lên được hàng tạ, ai nhìn cũng thích
Thiên Hương
Thứ sáu, ngày 17/06/2022 11:02 AM (GMT+7)
Theo Tổng cục Thủy sản, vài năm gần đây hình thức canh tác tôm - lúa phát triển rất nhanh ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đặc biệt, người dân còn thử nghiệm thả nuôi cá, cua, kết hợp du lịch, ẩm thực trên cánh đồng lúa.
Những thử nghiệm này đã giúp nông dân vùng bán đảo Cà Mau, Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên… sống khỏe hơn, thu nhập tốt hơn.
Đặc biệt là, những mô hình mang hơi thở nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ này đang dần thay thế hình ảnh “đất nghiền phân vô cơ như người nghiền á phiện, con rầy nâu khoét rỗng cả mùa màng” trước đây…
"Tôm ôm lúa" phát triển mạnh mẽ
Nhờ các mô hình như "con tôm ôm cây lúa" theo cách gọi dân dã, cây lúa không còn đứng riêng rẽ một mình, không phải gồng mình tăng vụ. Đất đai có thêm thời gian để nghỉ ngơi, bồi đắp phù sa.
Chất lượng hạt gạo dần được cải thiện, sinh kế mở rộng nhờ vào nguồn lợi từ con tôm, con cá, cây trồng đa canh, xen canh, dù diện tích canh tác không tăng.
Trước đây, nông dân xã Đông Thạnh, huyện An Minh (Kiên Giang) chỉ sản xuất được 1 vụ lúa/năm do thiếu nước ngọt, mặn xâm nhập, vụ còn lại hầu như đất đai để hoang nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Nhưng từ khi bà con biết tận dụng diện tích, thời gian mùa vụ để thả nuôi tôm, cua thì thu nhập cao hơn hẳn.
Năm 2017, hưởng ứng chủ trương của Phòng Nông nghiệp, HTX tôm cua lúa Thạnh An (xã Đông Thạnh) trở thành đơn vị đầu tiên ký kết sản xuất lúa hữu cơ với doanh nghiệp. Và qua 4 vụ làm lúa hữu cơ, số thành viên của HTX đã tăng từ 13 lên 61, diện tích sản xuất cũng tăng từ 20ha lên gần 130ha vào năm 2021.
Ông Nguyễn Văn Trí - thành viên HTX tôm cua lúa Thạnh An cho biết: Vụ mùa năm 2022, lúa hữu cơ của HTX đạt năng suất bình quân 6 tấn/ha, được bao tiêu với giá 6.800 đồng/kg.
Đầu năm nay, bà con nông dân trồng lúa hữu cơ ở An Minh có thêm tin vui là được Bộ NNPTNT chọn thí điểm 500ha mô hình tôm lúa hữu cơ, kèm theo nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy sản xuất.
Ngành nông nghiệp huyện cũng đang chuẩn bị hoàn thành thủ tục trình đăng ký chứng nhận OCOP cho lúa hữu cơ An Minh để xây dựng thương hiệu, tạo kênh quảng bá lâu dài.
Thử nghiệm nuôi tôm càng xanh toàn đực, cá trê vàng trong ruộng lúa
Trong khi đó, tại các huyện Gò Quao, An Biên, U Minh Thượng, Hòn Đất, Vĩnh Thuận…, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã cùng bà con nông dân xây dựng một số mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực luân canh với 1 vụ lúa; hoặc nuôi cá trê vàng xen canh trong ruộng lúa sau 1 vụ nuôi tôm nước lợ.
Riêng mô hình nuôi cá trê vàng, hiệu quả kinh tế cao rõ rệt khi bà con thu được 500 - 700kg cá/ha, giá bán 65.000 đồng/kg; năng suất lúa đạt 4,8-5,5 tấn/ha. Tổng thu nhập từ cá và lúa đạt 65-72 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí lợi nhuận đạt 35-40 triệu đồng/ha.
Theo đánh giá của Sở NNPTNT Kiên Giang, với sự phát triển mạnh mẽ của mô hình tôm - lúa, có thể gọi đây là "hệ thống canh tác tôm - lúa", cũng là mô hình đặc trưng và đem lại giá trị quan trọng trong cơ cấu nuôi tôm của địa phương. Do đó, Kiên Giang đang khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mô hình canh tác này, trong đó sẽ tiếp tục chuyển đổi các diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình lúa - tôm; nuôi tôm càng xanh xen tôm sú…
Thực hiện chủ trương của Sở NNPTNT, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang hàng năm sẽ triển khai từ 500-1.000ha lúa - tôm để hướng dẫn nông dân áp dụng đúng quy trình canh tác, tuyên truyền và nhân rộng.
Qua thực tiễn sản xuất cũng như đánh giá của các nhà khoa học, viện, trường cho thấy, hệ thống canh tác tôm - lúa ở ĐBSCL có tính bền vững cao, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu... Tuy nhiên, việc duy trì, phát triển mô hình tôm - lúa hiện gặp một số khó khăn nhất định.
Do lợi nhuận từ con tôm lớn nên không ít hộ tiếp tục thả nuôi tôm vụ 2 mà không thực hiện xuống giống lúa, gây khó khăn cho những hộ trồng lúa lân cận. Một số vùng nuôi tôm - lúa nằm xen lẫn với các khu nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh nên công tác quản lý nguồn nước, dịch bệnh chưa chặt chẽ…
Đánh giá về mô hình tôm – lúa, PGS-TS Trương Quốc Phú – Trưởng Khoa Thủy sản (Đại học Cần Thơ) nhận xét: "Để nuôi trồng thủy sản bền vững, có thể chia thành 2 hướng: Một là nuôi với mật độ thấp theo quy trình gần với tự nhiên, sản phẩm thu được là sản phẩm sạch, mà mô hình tôm - lúa là điển hình, phù hợp với xu hướng tiêu dùng trong nước và thế giới là: Ngon và sạch. Xu hướng thứ hai là nuôi công nghệ cao có hệ thống xử lý triệt để chất thải, nước thải trước khi được thải ra môi trường".
Theo ông Lê Quốc Anh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, để mô hình tôm - lúa tiếp tục được phát triển hiệu quả và bền vững, vấn đề xử lý môi trường phải đảm bảo gắn với môi trường sinh thái của cả vùng.
Rà soát lại quy hoạch nuôi tôm lúa
Tại Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề "Giải pháp xử lý môi trường sản xuất tôm – lúa vùng ĐBSCL" tổ chức mới đây tại Kiên Giang, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam đã chỉ đạo các địa phương rà soát lại vấn đề quy hoạch diện tích nuôi tôm - lúa và có hỗ trợ về hạ tầng thuỷ lợi, kỹ thuật.
Để hướng dẫn bà con phát triển mô hình tôm - lúa bền vững, hiệu quả cao, các đơn vị liên quan thuộc Bộ NNPTNT cần tham vấn các nhà khoa học xây dựng bộ tài liệu kỹ thuật sản xuất tôm - lúa.
Trên cơ sở đó, các địa phương sẽ triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn để từng bước chuẩn hóa, hình thành bộ tài liệu chuẩn đào tạo nghề nuôi tôm - lúa.
Thứ trưởng Nam cũng chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xây dựng mô hình trình diễn tại Cà Mau, Kiên Giang, xây dựng HTX, hình thành vùng nguyên liệu tôm - lúa đạt chuẩn cho vùng ĐBSCL.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.