Làm ao nổi nuôi tôm công nghệ cao trên cạn ở Đồng Nai, nhiều người kéo đến xem

Phan Anh (Cổng TTĐT tỉnh Đồng Nai) Chủ nhật, ngày 19/06/2022 14:09 PM (GMT+7)
Nuôi thủy sản nước lợ đặc biệt là nuôi tôm thẻ ứng dụng công nghệ cao là mô hình sản xuất thuộc tốp đầu về thu nhập tại Đồng Nai. Mô hình làm ao nổi nuôi tôm công nghệ cao đang được nông dân trong vùng quan tâm.
Bình luận 0
Nuôi tôm thẻ thâm canh công nghệ cao không chỉ cho lợi nhuận “khủng” trên một diện tích canh tác mà còn giúp người dân kiểm soát, xử lý tốt môi trường ao nuôi.

 

Làm ao nổi nuôi tôm công nghệ cao trên cạn ở Đồng Nai, nhiều người kéo đến xem - Ảnh 1.

Mô hình ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm trong ao nổi tại ấp Bà Trường, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) thu hút người dân đầu tư vì cho lợi nhuận cao. Ảnh: B.Nguyên

Là địa phương có diện tích nuôi thủy sản nước lợ lớn nhất tỉnh, theo kế hoạch sử dụng đất của H.Nhơn Trạch đến năm 2030, diện tích nuôi tôm nước lợ còn tiềm năng phát triển và huyện cũng đã đang kêu gọi và tạo điều kiện để nhà đầu tư phát triển vùng nuôi tôm công nghệ cao, dần hình thành liên kết các vùng sản xuất tập trung trên địa bàn huyện.

Ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm thâm canh

Hiện nay, nuôi tôm trong ao nổi là mô hình đang được người nuôi tôm nước lợ trên địa bàn huyện Nhơn trạch quan tâm đầu tư. Đây là hình thức mang lại hiệu quả bền vững về mặt kinh tế cũng như môi trường với nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với cách nuôi truyền thống. 

Nuôi tôm trong ao nổi có nhiều tiện ích như: kiểm soát tốt thức ăn, giảm lượng thức ăn thừa, kiểm soát chủ động môi trường nước, không sử dụng kháng sinh, giảm lượng chất thải xả ra môi trường...đồng thời giảm tỉ lệ hao hụt, kiểm soát, giảm thiểu rủi ro mầm bệnh từ nguồn nước cấp.

Ông Bạch Công Tài, nông dân nuôi tôm trong ao nổi tại ấp Bà Trường, xã Phước An, H.Nhơn Trạch cho biết, ông đã đầu tư 3 khu nuôi tôm trong ao nổi với tổng diện tích khoảng 3ha. Người nuôi tôm theo mô hình này hầu như không lo thất bại vì nguồn nước nuôi được xử lý rất kỹ, qua 5-7 giai đoạn ở hệ thống ao lắng nên hạn chế rủi ro về dịch bệnh trên con tôm.

Ông Phạm Thanh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước An cho biết, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ trên địa bàn xã đạt khoảng 1,1 ngàn ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao là khoảng 200ha. 

"Hai năm trở lại đây, mô hình nuôi tôm ở ao nổi được nông dân đầu tư nhiều. Đặc biệt tại ấp Bà Trường, xã Phước An đang chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình nuôi này. Mỗi tháng có cả chục ha được đầu tư mới nên chỉ trong một thời gian ngắn, diện tích nuôi tôm thâm canh ao nổi ứng dụng công nghệ cao tại xã Phước An đã đạt hơn 60ha” – ông Tuấn nói.

 
Làm ao nổi nuôi tôm công nghệ cao trên cạn ở Đồng Nai, nhiều người kéo đến xem - Ảnh 3.

Nhiều nông dân đang đầu tư mở rộng diện tích nuôi tôm công nghệ cao trong ao nổi tại ấp Bà Trường, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai). Ảnh: B.Nguyên


Cần doanh nghiệp đầu tư chuỗi liên kết

Cũng theo nông dân Bạch Công Tài, từ đầu năm đến nay, giá tôm khá ổn định ở mức người nông dân có lợi nhuận tốt. Năm nay, người nuôi tôm đạt lợi nhuận tốt hơn năm ngoái. Băn khoăn lớn nhất của người nuôi tôm hiện nay là chưa có doanh nghiệp bao tiêu cho người nuôi, thu mua tôm hoàn toàn do thương lái thao túng nên đầu ra còn bấp bênh. Người dân mong được hỗ trợ kết nối về đầu ra để yên tâm đầu tư.

Để hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm thâm canh, H.Nhơn Trạch quan tâm đầu tư hạ tầng như đường giao thông, đường điện, hệ thống thủy lợi cho các vùng nuôi thủy sản; thành lập tổ hợp tác, HTX nuôi tôm; phát triển vùng nuôi tôm VietGAP. Địa phương rất quan tâm thu hút doanh nghiệp về đầu tư các dự án nuôi thủy sản bền vững trên địa bàn.

Ông Cao Tiến Sỹ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, Đồng Nai là tỉnh nội đồng có hệ thống sông, hồ phong phú nên bên cạnh thế mạnh nuôi thủy sản nước ngọt thì Đồng Nai có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển thủy sản nước lợ trên địa bàn huyện Long Thành và Nhơn Trạch, riêng nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao tại Nhơn Trạch đã mang lại được hiệu quả kinh tế, nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích đất canh tác. 

Với thế mạnh để phát triển nuôi thủy sản nước lợ, nhất là nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao, huyện cần quan tâm, vận dụng chính sách tập trung đầu tư hạ tầng cho vùng nuôi tôm như là đường giao thông, điện, hệ thống thủy lợi phục vụ yêu cầu sản xuất, để thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có điều kiện về đầu tư nuôi tôm công nghệ cao nhằm khai thác hết giá trị, tiềm năng, lợi thế về sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Theo ông Nguyễn Văn Nhân, Trưởng phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch, hiện tổng diện tích nuôi tôm của huyện đạt gần 1,7 ngàn ha, chủ yếu tập trung ở 2 xã Phước An và xã Vĩnh Thanh. Trong đó, có hàng trăm ha nuôi tôm thâm canh và nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao. Địa phương đang tiếp tục tích cực hỗ trợ cho nông dân chuyển đổi sang mô hình ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm thâm canh; thu hút nhà đầu tư nuôi tôm công nghệ cao.

Vì nuôi tôm công nghệ cao, người nuôi kiểm soát tốt về con giống, tỷ lệ hao hụt giống, an toàn dịch bệnh, lượng thức ăn vừa đủ theo nhu cầu của tôm và nhất là xử lý tốt nguồn phân tôm dưới đáy ao, đảm bảo môi trường trong nuôi thủy sản. Đặc biệt, ứng dụng nuôi tôm công nghệ cao đang cho lợi nhuận cao hơn nhiều so với mô hình nuôi tôm truyền thống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem