Như Dân Việt đã thông tin, sáng 28/6, ông Nguyễn Thái Học, phó Trưởng Ban Nội chính T.Ư cho biết, ngày 30/6 tới đây, Bộ Chính trị sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực giai đoạn 2012 – 2022. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ dự và chủ trì Hội nghị.
Đáng lưu ý, về công tác thu hồi tài sản tham nhũng, Ban Nội chính cho biết đã có chuyển biến tích cực; cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thu hồi 61.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34,7% (năm 2013, tỷ lệ này chỉ đạt dưới 10%). Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi được gần 50.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 41,3%.
Trao đổi với Dân Việt, luật sư Nguyễn Thế Truyền, Văn phòng Luật Thiên Thanh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng: "Việc thu hồi tài sản tham nhũng thực chất là phải xác định có thiệt hại thực tế đã xảy ra trong quá trình thực hiện tố tụng. Thiệt hại này có thể là của Nhà nước, của cộng đồng.
Việc kê biên các tài sản là đảm bảo cho việc tịch thu được tài sản bị thiệt hại đó. Kê biên ở đây nếu cao hơn giá trị của thiệt hại thì phải trả lại cho người nhà hay gia đình người vi phạm đó. Còn nếu thiếu thì người vi phạm buộc phải nộp tiếp hoặc kê biên các tài sản khác để đảm bảo cho đúng, cho đủ thì thôi" - luật sư Truyền nói.
Việc xem xét các tình tiết giảm nhẹ thì tuỳ từng giai đoạn khác nhau, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ cân nhắc. Những năm trước đây, các bị cáo là quan chức, cán bộ trong các vụ án tham nhũng thường được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ là có huân, huy chương, công lao đóng góp. Tuy nhiên, tại thời điểm này, việc khắc phục hậu quả thiệt hại sớm được coi là tình tiết giảm nhẹ nhiều hơn.
Thực tế, việc xem xét tình tiết giảm nhẹ hoàn toàn phụ thuộc trên cơ sở pháp lý và ý chí của người tiến hành tố tụng. Ở đây, cụ thể là Thẩm phán được quyết định áp dụng tình tiết nào và không áp dụng tình tiết nào.
"Chúng ta thấy rằng, tại thời điểm này, khi Đảng và Nhà nước đặt ra việc thu hồi tối đa tài sản thất thoát của Nhà nước đối với các vụ án kinh tế, tham nhũng. Từ đó, các cơ quan tố tụng tiến hành các biện pháp cần thiết để tài sản tham nhũng, thất thoát được thu hồi nhiều hơn giai đoạn trước cũng hoàn toàn hợp lý.
Việc khắc phục hậu quả, dù khắc phục một đồng cũng đều được ghi nhận. Đối với các bị cáo, không phải lúc nào cũng tự nguyện khắc phục hậu quả mà nhiều lúc cần có sự động viên của cơ quan tiến hành tố tụng" - luật sư Truyền cho hay.
Góp ý về cơ sở pháp lý để hoàn thiện việc thu hồi tối đa tài sản do tham nhũng mà có, luật sư Truyền cho rằng ở Việt Nam hiện chưa có một chế định kiểm soát tốt về tài sản. Do đó, tài sản ngầm vẫn hoạt động mạnh, thói quen sử dụng tiện mặt còn cao nên dẫn tới việc khó thu hồi được đầy đủ.
Trường hợp của bị cáo Nguyễn Đức Chung hay bị cáo Phạm Nhật Vũ là những trường hợp đặc biệt của tố tụng Việt Nam. Các khoản khắc phục đã được thực hiện ngay, còn nhiều vụ việc khác thì về cơ bản khó thu hồi được tài sản của Nhà nước.
Dù con số thu hồi được tài sản trong 10 năm qua có tăng từ 10% lên gần 35% (61.000 tỷ đồng) là một nỗ lực của Đảng và Nhà nước cũng như các cơ quan tiến hành tố tụng, nhưng qua đó vẫn cho thấy còn thấp, tài sản bị thất thoát chưa thu hồi được vẫn còn rất lớn.
Muốn thu hồi được hết tài sản bị thất thoát bên cạnh sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là cần có những chế tài kiểm soát tài sản ngầm và chế tài rõ ràng cho cơ quan tiến hành tố tụng trong thời gian tới.
Cũng liên quan tới nội dung này, PGS.TS Định Trọng Thịnh – Học Viện tài chính cho rằng việc thu hồi tài sản tăng từ 10% năm 2013 lên gần 35% trong những năm gần đây là do việc đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước đã quyết tâm hơn và thực hiện tốt hơn.
"Đảng, Nhà nước đã xử lý nghiêm minh nhiều vụ án, vụ việc, cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực theo đúng phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ". Cũng chính vì lẽ đó mà các vụ án phát hiện nhiều hơn, việc thu hồi tài sản cũng được nhiều hơn trước đây" - ông Thịnh cho hay.
Khi áp dụng chính sách ưu tiên việc khắc phục hậu quả, bị cáo sẽ được giảm án là cách để thu hồi tài sản về cho nhân dân, Nhà nước tốt hơn.
"Tôi cho rằng, đối với tội phạm kinh tế có thể áp dụng ưu tiên đối với việc khắc phục hậu quả để được giảm án. Tuy nhiên, đứng ở phương diện nào đó, việc giảm án cũng cần phải xem xét cho phù hợp đối với loại tội phạm tham nhũng. Vì đã là tham nhũng thường là người có chức vụ, quyền hạn, có hiểu biết về pháp luật… Nếu không, có thể dẫn tới trạng thái "nhờn luật", cán bộ cứ vi phạm sau đó có tài sản khắc phục hậu quả là sẽ được giảm án thì nhiều người không sợ" - ông Thịnh nói.
Bên cạnh đó, từ số vụ án bị khởi tố, điều tra trong những năm qua liên quan đến cán bộ, quan chức, ông Thịnh cho rằng quá trình giám sát quy định đấu thầu, quy định về thẩm định giá còn thiếu sót, đến các chế tài xử lý chưa nghiêm và còn lỗ hổng mới dẫn tới tham nhũng, thất thoát tài sản của Nhà nước.
"Tôi nhận thấy, trước đây, chúng ta rất đề cao vai trò giáo dục cho cán bộ, nhân viên, công chức, từ đó có tác động rất tốt và theo tôi giai đoạn tới cần tiếp tục được duy trì.
Cán bộ sẽ không muốn tham nhũng, cán bộ cũng không thể tham nhũng nếu cơ chế chính sách đảm bảo và không dám tham nhũng khi các quy định của pháp luật thực sự nghiêm minh", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.