Cụ thể, trong tháng 6/2022, giỏ hàng hoá và dịch vụ chứng kiến sự tăng giá mạnh của các nhóm hàng thiết yếu, trong 11 nhóm hàng hoá dịch vụ, có 9 nhóm hàng tăng giá, chỉ 2 nhóm hàng giảm giá.
Nhóm hàng tăng giá mạnh nhất là giao thông với 3,62%, làm CPI chung tăng 0,35%. Tổng cục Thống kê lý giải nguyên nhân là do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu theo giá nhiên liệu thế giới vào ngày 1/6/2022, 13/6/2022 và 21/6/2022 làm cho giá xăng tăng 8,23%; giá dầu diezen tăng 8,5%.
Bên cạnh đó, giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 4,98% so với tháng trước do giá nhiên liệu tăng. Trong đó, giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 13,38%; bằng đường bộ tăng 3,02%; taxi tăng 2,91%; đường sắt tăng 2,67%; xe buýt tăng 1,69%.
Ngoài ra, giá xe ô tô mới, giá xe máy tăng lần lượt 0,62%, 0,86% do thiếu nguồn cung linh kiện bán dẫn khi Trung Quốc thực hiện chính sách "Zero Covid" khiến nhiều nhà máy phải sản xuất cầm chừng, thậm chí đóng cửa.
Nhóm hàng hoá thuộc thực phẩm cũng tăng 0,98% so với tháng trước. Trong phân tích về từng mặt hàng, Tổng cục Thống kê chỉ rõ giá vận chuyển tăng làm cho giá thịt gia cầm tăng 1,1% so với tháng trước, trong đó giá thịt gà tăng 1,03%; thịt gia cầm khác tăng 1,37%; thịt gia cầm đông lạnh tăng 0,28%. Bên cạnh đó, giá trứng các loại cũng tăng 1,58% so với tháng trước.
Giá thịt lợn tăng 0,87% so với tháng trước do giá thức ăn chăn nuôi tăng; giá rau tươi, khô và chế biến tăng 3,56% so với tháng trước, chủ yếu do chi phí vận chuyển tăng.
Giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tháng 6/2022 tăng 0,65% so với tháng trước do giá xăng dầu cùng với giá nguyên liệu chế biến ở mức cao, nhu cầu đi du lịch tăng cao. Trong đó, chỉ số giá ăn ngoài gia đình tăng 0,66% so với tháng trước; uống ngoài gia đình tăng 0,27% và đồ ăn nhanh mang đi tăng 0,84%.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý II năm 2022 tăng 2,96% so với cùng kỳ năm 2021; chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm 2022 tăng 2,44% so với cùng kỳ năm 2021.
Bình quân 6 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,25% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,44%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.
Về nguyên nhân CPI tăng, theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm, giá xăng dầu được điều chỉnh 16 đợt, làm cho giá xăng A95 tăng 11.960 đồng/lít; xăng E5 tăng 11.540 đồng/lít và dầu diezen tăng 13.900 đồng/lít. Bình quân 6 tháng, giá xăng dầu trong nước tăng 51,83% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,87%.
Ngoài ra, giá gas trong nước biến động, giá gas 6 tháng đầu năm tăng 25,92% so với cùng kỳ năm trước; dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu ăn ngoài nhà hàng tăng nên giá ăn uống ngoài gia đình bình quân 6 tháng đầu năm nay tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước.