Giá xăng dầu hôm nay 29/6: Giá xăng trong nước sắp giảm?
Giá xăng dầu hôm nay 29/6: Dầu thô giằng co mạnh, giá xăng trong nước sắp giảm?
Nguyễn Phương
Thứ tư, ngày 29/06/2022 09:17 AM (GMT+7)
Giá xăng dầu hôm nay 29/6: Giá dầu thô giằng co mạnh trước sự bế tắc của các nhà xuất khẩu dầu trong việc tăng sản lượng. Trong nước, một số dự báo cho thấy, giá xăng dầu trong kỳ điều hành tới (1/7) có thể giảm nhẹ do giá thế giới trong tuần qua giảm...
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 29/6/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2022 đứng ở mức 111,92 USD/thùng, tăng 0,16 USD/thùng trong phiên.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 8/2022 đứng ở mức 117,42 USD/thùng, giảm 0,56 USD/thùng trong phiên nhưng đã tăng 1,51 USD so với cùng thời điểm ngày 28/6.
Giá dầu ngày 29/6 duy trì đà tăng chủ yếu lo ngại tình trạng nguồn cung thắt chặt sẽ ngày một lớn hơn khi các nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu duy trì đà phục hồi và các lệnh trừng phạt đối với Nga vẫn đang khiến việc vận chuyển dầu thô từ nước này đến các nước tiêu thụ vô cùng khó khăn.
Thậm chí, ở diễn biến mới nhất, các nhà lãnh đạo của nhóm các quốc gia phát triển G7 co biết họ sẽ xem xét một lệnh cấm đối với việc vận chuyển dầu của Nga.
Ở diễn biến khác, giới phân tích cho rằng, Ả Rập Xê-út và UAE, 2 quốc gia duy nhất của OPEC được đánh giá có đủ năng lực để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ Nga và các nước thành viên, đang hoặc đã ở rất gần giới hạn công suất khai thác. Điều này có nghĩa, bất kỳ sự thiếu hụt nào về nguồn cung trên thị trường sẽ rất khó có thể bù đắp.
Bên lề cuộc họp G7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã nói với Tổng thống Mỹ Joe Bidenrằng UAE đang ở công suất tối đa, trong khi Ả Rập Xê-út chỉ có thể tăng sản lượng thêm 150.000 thùng/ngày. Một con số thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng và nhu cầu của thị trường.
Ngày 28/6, lãnh đạo các nước thành viên G7 đã nhất trí nghiên cứu việc áp giá trần đối với hoạt động nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga.
Mục tiêu kép của các lãnh đạo G7 là vừa nhắm trực tiếp vào nguồn thu của chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin, đặc biệt là thông qua năng lượng, vừa giảm thiểu những hệ lụy đối với nền kinh tế toàn cầu.
Liên minh châu Âu (EU) cùng với các đối tác quốc tế sẽ thăm dò các biện pháp để giới hạn giá năng lượng, trong đó có nghiên cứu tính khả thi của phương án áp mức giá trần nhập khẩu tạm thời đối với cả dầu và khí đốt từ Nga.
Các quốc gia thành viên G7 đã tiến hành tranh luận về việc áp giá trần toàn cầu đối với năng lượng từ Nga nhằm ngăn Moscow hưởng lợi từ chiến dịch ở Ukraine, khiến giá dầu và khí đốt tăng vọt.
Mỹ là quốc gia đầu tiên kêu gọi áp dụng cơ chế mà ở đó giới hạn mức giá các quốc gia khác thanh toán cho mặt hàng dầu từ Nga.
Trong khi đó, Italy, quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào năng lượng Nga, thúc đẩy nâng mức giá trần đối với khí đốt.
Bên cạnh đó, tình trạng bất ổn chính trị ở Libya và Ecuador cũng đang khiến nguồn cung dầu từ 2 nước này giảm mạnh và không ổn định.
Khi mà nguồn cung dầu tiếp tục gặp khó thì ở chiều hướng ngược lại, nhu cầu tiêu thụ dầu lại được đánh giá sắp bước vào giai đoạn phục hồi mạnh nhờ các nhu cầu đi lại mùa du lịch và nhu cầu sử dụng năng lượng mùa nắng nóng.
Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, đà tăng của giá dầu hôm nay cũng bị kiềm chế đáng kể bởi đồng USD mạnh hơn nhờ kỳ vọng tăng mạnh lãi suất.
Một mặt, lo ngại về nhu cầu sẽ suy yếu dần đang là một trong các yếu tố kìm hãm đà tăng của giá dầu thô, nhất là khi tuần này thị trường chờ đợi các số liệu kinh tế quan trọng, như chỉ số giá Chi tiêu dùng cá nhân PCE, thước đo lường lạm phát ưa thích thứ 2 của Fed.
Mặc dù theo dữ liệu của CME Watchtool, 93,9% thị trường định giá Fed sẽ tăng 75 điểm lãi suất trong cuộc họp tháng 7, tuy vậy, vẫn còn một chính sách phải quan tâm, đó là tốc độ giảm cung tiền của Fed thông qua việc đáo hạn hoặc mua lại các trái phiếu. Tháng 6/2020, Fed bắt đầu tiến hành mua 120 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng, tuy nhiên kể từ tháng 6/2022, Fed sẽ tiến hành cắt giảm nắm giữ 47,5 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng, và hướng đến con số 95 tỷ USD từ tháng 9. Điều này làm giảm bớt cung tiền, có khả năng làm chi phí đi vay trở nên cao hơn. Nếu lạm phát tăng quá nóng, Fed hoàn toàn có khả năng thay đổi tốc độ điều chỉnh cung tiền, bên cạnh việc tăng lãi suất, mặc dù xác suất này là không lớn, trở thành sức ép đối với thị trường tài chính nói chung.
Mặt khác, trong ngắn hạn, nguồn cung dầu đang có dấu hiệu suy yếu, với Libya có khả năng sẽ phải ban bố tình trạng bất khả kháng, khiến cho sản lượng và xuất khẩu dầu của nước này giảm. Thông tin về cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và Mỹ được nối lại, tuy nhiên sau quá nhiều lần thất bại, cơ hội 2 bên đạt được thỏa thuận làn này vẫn rất mong manh. Đầu tháng 6, Citibank nhận định Iran sớm nhất sẽ đạt được miễn trừ cấm vận vào quý I năm sau.
Trong nước, một số dự báo cho thấy, giá xăng dầu trong kỳ điều hành tới (1/7) có thể giảm nhẹ do giá thế giới trong tuần qua giảm. Theo Bộ Công Thương giá xăng dầu trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 24/6 cho thấy, xăng RON92 lùi về 146,82 USD/thùng, xăng RON95 ở mức 154,4 USD/thùng, dầu diesel vẫn ở mức cao 171,77 USD/thùng.
Trong nước, giá xăng đã tăng lên gần 33.000 đồng/lít từ 15h hôm 21/6, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 190 đồng, RON 95-III tăng 500 đồng và dầu tăng 380-990 đồng/lít.
Sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng E5 RON 92 từ 15h ngày 21/6 là 31.300 đồng/lít (tăng 190 đồng); RON 95-III là 32.870 đồng/lít (tăng 500 đồng). RON 95-III là loại bán phổ biến, chiếm gần 70% lượng tiêu thụ trên thị trường và được liên Bộ Công Thương - Tài chính điều hành giá.
Giá các mặt hàng dầu cũng đều tăng. Trong đó, dầu diesel tăng mạnh nhất, thêm 990 đồng/lít, lên mức 30.010 đồng. Dầu hoả là 28.780 đồng/lít, tăng 950 đồng. Còn dầu mazút là 20.730 đồng/kg, tăng 380 đồng.
Như vậy, đây là đợt tăng giá lần thứ 7 từ 21/4 đến nay. Tổng cộng mỗi lít RON 95-III đắt thêm 5.560 đồng; còn E5 RON 92 cũng thêm 4.830 đồng.
Hiện Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại phần lớn doanh nghiệp đầu mối chính đều đang âm. Chẳng hạn, PVOil đến 13/6 âm hơn 1.032 tỷ đồng; Petrolimex âm 49 tỷ đồng...
Theo liên Bộ Công Thương - Tài chính, thị trường xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành giá vừa qua có nhiều biến động. Giá xăng dầu thành phẩm (nhất là dầu diesel, dầu hoả) vẫn tăng do nguồn cung bị hạn chế vì cấm vận dầu Nga của EU, trong khi cầu của các nước vẫn cao.
Bình quân 10 ngày (trước kỳ điều chỉnh ngày 21/6), giá dầu hoả tăng gần 4%, lên 169,25 USD/thùng; dầu diesel tăng thêm 3,6% so với kỳ ngày 13/6, lên 172,56 USD/thùng. Trong khi đó, giá thành phẩm các mặt hàng xăng trên thị trường thế giới tăng nhẹ, 0,21-0,95%.
Do Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang ở mức khá thấp, tại kỳ điều hành hôm 21/6, liên Bộ tiếp tục không trích lập 300 đồng/lít vào Quỹ bình ổn với xăng, dầu diesel và dầu hoả. Riêng dầu mazut vẫn trích 300 đồng/kg vào Quỹ bình ổn.
Cùng đó, nhà điều hành tiếp tục chi sử dụng quỹ với dầu diesel, dầu hoả lần lượt ở mức 400 đồng và 300 đồng/lít.
Giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 29/6 như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 31.302 đồng/lít; giá xăng RON95 không cao hơn 32.873 đồng/lít; giá dầu diezen 0.05S không cao hơn 30.019 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 28.785 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 20.735 đồng/kg.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, có thể cân nhắc giảm thuế, phí, đặc biệt là thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu… để giảm giá xăng dầu. Trước mắt có thể giảm thuế trong một khoảng thời gian cố định như 1 tháng, 3 tháng.
Trong tình hình thế giới bất định hiện nay, nguy cơ giá xăng dầu neo ở mức cao, tiếp tục tăng vẫn còn. Áp lực lạm phát của Việt Nam còn lớn. Chúng ta cần hạ nhiệt giá xăng dầu và tình toán việc cân đối ngân sách, tác động lạm phát để có mức giảm phù hợp.
Trước đó, trong văn bản góp ý với Bộ Tài Chính ngày 21/6, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá ưu điểm của việc cắt giảm thuế bảo vệ môi trường là có thể thực hiện được ngay trong tháng 7 do thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, cơ quan này đặt câu hỏi vì sao Bộ Tài chính không chọn phương án giảm thuế nhập khẩu bởi vấn đề này thuộc thẩm quyền của Chính phủ và hoàn toàn có thể làm ngay trong tháng 7.
Ngoài ra, VCCI cũng cho rằng về lâu dài, đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của việc bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và có văn bản báo cáo Quốc hội vào kỳ họp tới.
Tại buổi làm việc với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam mới đây, nói về việc giảm thuế với xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi nếu giá tiếp tục tăng sẽ báo cáo Chính phủ báo cáo trình Quốc hội ban hành nghị quyết giảm thuế phù hợp. Trước mắt là tiếp tục xin ý kiến giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.
Bộ này cũng có ý kiến về việc không giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng. Theo quy định, thuế tiêu thụ đặc biệt đang áp dụng đối với xăng là 10%, xăng E5 RON 92 là 8% và xăng E10 là 7%.
Theo Bộ Tài chính, xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo, cần phải sử dụng tiết kiệm nên theo thông lệ quốc tế luôn thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Bộ Tài chính cho biết thêm, tại Việt Nam, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã quy định xăng thuộc đối tượng chịu thuế từ năm 1999. Quy định này là phù hợp với mục tiêu thu thuế tiêu thụ đặc biệt và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Việc thực hiện điều chỉnh đối với thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định và thường không thể áp dụng ngay, trong khi giá xăng dầu có những thời điểm biến động nhanh, thời gian ngắn, nên sẽ có độ trễ nhất định.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ cũng đã thông báo kết luận cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá do Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì tuần trước. Lãnh đạo Chính phủ nhận định, áp lực lạm phát có xu hướng tăng. Các mặt hàng quan trọng, thiết yếu như xăng dầu, vật tư nông nghiệp, vận tải... biến động mạnh, đặt ra nhiều thách thức trong điều hành giá từ nay tới cuối năm.
Riêng với xăng dầu, các đợt tăng giá từ đầu năm khiến giá bán lẻ trong nước liên tiếp lập đỉnh và đang gần sát 33.000 đồng một lít RON 95-III. Đây là mặt hàng tác động tới mặt bằng giá nhiều loại hàng hoá, dịch vụ khác.
Vì thế, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ động điều hành, đánh giá khả năng cung cấp từ nguồn sản xuất trong nước và nhập khẩu, để đảm bảo nguồn cung không bị gián đoạn.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sớm có báo cáo về kế hoạch cung ứng xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, chuyển Bộ Công Thương làm căn cứ xây dựng phương án bảo đảm nguồn cung quý III và cuối năm 2022.
Bộ này cũng cần có phương án điều hành giá trong nước phù hợp, sử dụng linh hoạt Quỹ Bình ổn để hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước.
Giá xăng dầu tăng gây áp lực giá lên nhiều mặt hàng - VTV24
Vui lòng nhập nội dung bình luận.