Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt xăng dầu: Đừng "vin" vào thất thu ngân sách để giá xăng tăng ầm ầm

An Linh Chủ nhật, ngày 26/06/2022 09:20 AM (GMT+7)
Giá xăng tăng liên tiếp và đạt kỷ lục mới với hơn 33.000 đồng/lít đã tác động tiêu cực tới giá cả hàng hoá, lạm phát và đời sống của người lao động. Vậy nhưng một giải pháp tức thời có thể giảm giá xăng như bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu đến giờ vẫn chưa làm vì sợ thất thu ngân sách?
Bình luận 0

Giá xăng dầu liên tiếp lập đỉnh mới với hơn 33.000 đồng/lít đã tác động tới mọi mặt của đời sống xã hội. Là mặt hàng thiết yếu, nên đã đến lục cần phải có những giải pháp thiết thực để hạ nhiệt đà tăng nóng của giá xăng dầu. Xung quanh câu chuyện này, phóng viên Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với ông  Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA).

Giá xăng tăng ầm ầm, đánh thuế tiêu thụ đặc biệt xăng dầu đã lạc hậu

Từ đầu năm đến nay theo đánh giá của Bộ Công Thương, xăng dầu đã tăng hơn 16 lần điều chỉnh tăng giảm khác nhau, trong đó có khoảng 13 lần tăng. Từ 21/4 đến nay, xăng dầu đã tăng liên tiếp 7 lần, xăng E5 RON 92 tăng tổng cộng 4.800 đồng/ lít, xăng RON 95-III đắt thêm 5.560 đồng. Rõ ràng, xăng đang tạo cơn sốt giá, ảnh hưởng rõ rệt đến đời sống doanh nghiệp, người dân và nó đã tác động trực tiếp đến doanh nghiệp logistics ra sao thưa ông?

- Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu tăng cao và tăng liên tiếp đến 30%. Riêng trong 3 tuần trở lại đây, giá xăng tăng đến 15%.

Trong chuỗi cung ứng logistics, vận tải chiếm trên 50% trong quy trình cấu thành giá và chi phí chuỗi cung ứng. Có nghĩa là tiêu thụ nhiên liệu đều bị ảnh hưởng rất mạnh. Đối với doanh nghiệp logistics Việt Nam, chịu ảnh hưởng chủ yếu là vận tải đường bộ, đường thuỷ nội địa.

"Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt xăng dầu đã quá lạc hậu!" - Ảnh 1.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA (Ảnh NVCC).

Việc tăng giá xăng dầu ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề đến năng lực của doanh nghiệp logistics Việt Nam. Đối với doanh nghiệp logistics, không thể ngay lập tức tăng giá đối với khách hàng được do chủ yếu ký hợp đồng lâu dài, cạnh tranh gay gắt giữa doanh nghiệp với nhau. Giá xăng dầu ăn vào lợi nhuận, thậm chí vốn sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải chịu phí phí như hạ tầng cảng biển ở TPHCM, TP. Hải Phòng…

Mặc dù chúng tôi kiến nghị, kêu gọi và Sở GTVT TPHCM có kiến nghị lên UBND TP và Hội đồng nhân dân, tuy nhiên việc giảm phí này không được xem xét. Các chi phí vẫn đè nặng doanh nghiệp và cộng với giá xăng đã tác động nặng nề đến doanh nghiệp vừa gượng dậy sau 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19.

Hãy thử hình dung xem, các doanh nghiệp vận tải công nghệ cũng khó khăn trong việc cung ứng hàng hoá do giá xăng tăng, qua thông tin báo chí thì chúng tôi thấy giao hàng gần, bắt xe chặng ngắn đã bị từ chối, đó là rủi ro lớn cho chuỗi cung ứng và vận tải.

Doanh nghiệp vận tải công nghệ tối ưu hoá chuỗi giá trị, không phải gánh nặng trụ sở, chi phí hành chính mà còn thế, những đơn vị vận tải truyền thống gặp khó khăn như thế nào, ai cũng biết được.

Đã có nhiều đề xuất giảm thuế, phí xăng dầu đưa ra, nhưng chỉ nhỏ giọt chưa thấm vào đâu. Có đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu để giảm giá xăng dầu, theo ông giải pháp này có hợp lý?

- Doanh nghiệp hiện nay chưa thể hồi phục được, đây là nhận thức cần được nêu rõ trong hành động của cơ quan Nhà nước để có những giải pháp để đồng hành, hỗ trợ, đồng cảm với doanh nghiệp.

Biện pháp nào để làm dịu cơn sốt giá của xăng dầu: Thuế tiêu thụ đặc biệt và nhập khẩu hiện nay nằm trong tầm tay của Chính phủ, Quốc hội. Thuế tiêu thụ đặc biệt xăng dầu hiện nay đã lạc hậu, không thể nào áp dụng cho sản phẩm thiết yếu, đầu vào cho sản xuất, kinh doanh như xăng dầu được.

Nếu chúng ta áp dụng với thuốc lá, rượu bia, những mặt hàng không thiết yếu, không phải đa số người dân sử dụng thì còn có thể chấp nhận được, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, tác động đến mọi mặt của đời sống người dân từ chi phí vận chuyển, đến nhiên liệu đầu vào cho sản xuất. 

Giảm thuế xăng dầu hiện nay cũng không thấm nhưng cũng không thể cứ khoanh tay đứng nhìn giá xăng cứ tăng ầm ầm như hiện nay.

Diễn biến giá xăng dầu thế giới, thị trường trong nước rất nóng bỏng, giá xăng dầu khó có thể giảm trong ngắn hạn. Vậy giới hạn chịu đựng của doanh nghiệp logistics sẽ là bao lâu để không tăng chi phí, không ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành?

- Có thể chỉ hết quý 3! Tích luỹ và tính chịu đựng của doanh nghiệp là có giới hạn, chúng ta đều biết đa số doanh nghiệp logistics là thuộc diện nhỏ, bé, đứng cuối chuỗi sản xuất. Trong khi đó, đơn hàng trong 2 năm đại dịch ít đi, ảnh hưởng khó khăn của Covid-19 khiến đại đa số doanh nghiệp phải gồng gánh, nỗ lực. 

Hiện trong ngành logistics Việt Nam, những doanh nghiệp lớn chỉ đếm trên đầu ngón tay, 70-80% doanh nghiệp logistics là dạng vừa và nhỏ. Vậy làm sao có thể chống chịu được các cú sốc lớn từ gánh nặng chi phí hậu đại dịch.

Chính phủ, Quốc hội cần bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu; bước tiếp theo là cần ổn định vấn đề cung cầu bằng giải pháp dự trữ. Tôi rất lo lắng dự trữ xăng dầu của Việt Nam không đủ, khiến nguồn cung thị trường rất khó khăn.

Trong lúc này, không được áp dụng các chính sách khiến áp lực chi phí doanh nghiệp tăng cao, bởi vì phải để doanh nghiệp ổn định sau đại dịch, rồi phục hồi, sau đó tái tạo sức sản xuất để tăng nguồn thu.

Không đổ thừa thất thu ngân sách, "chảy máu" xăng dầu

Thu thuế tiêu thụ đặc biệt, nhập khẩu đang đóng góp tỷ trọng lớn trong cân đối ngân sách. Việc này dẫn đến động lực giảm thuế phí xăng dầu là ít đi; khoản thu này dễ dàng khiến cho cơ quan Nhà nước ngại thay đổi nhằm tránh thất thu ngân sách, làm tròn bài toán được giao. Bên cạnh đó, lập luận giảm thuế phí, giá xăng dầu rẻ sẽ khiến chảy máu xăng dầu, buôn lậu xăng dầu ra nước ngoài…  Đây là những lý lẽ và lập luận hợp lý không thưa ông?

- Thứ nhất về việc "chảy máu" xăng dầu, Nhà nước hoàn toàn có công cụ kiểm soát được việc này. Chính việc làm ngơ, trách nhiệm quản lý của địa phương biên giới đã để xảy ra nạn "chảy máu" xăng dầu. 

Tại sao các nước như Malaysia, họ trợ giá được xăng dầu mà không đặt vấn đề buôn lậu xăng dầu. Quản lý Nhà nước của họ tốt hay họ không có biên giới để không xảy ra chảy máu xăng dầu? Đây là vấn đề chúng ta phải tự đặt ra, giải bài toán, không đổ thừa, không nêu nguyên nhân được!

Lúc này là lúc doanh nghiệp cần Nhà nước hỗ trợ nhất, nếu muốn họ hoàn toàn có giải pháp. Còn nếu không muốn, hoặc không thích thì họ đưa ra nhiều lý do.

"Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt xăng dầu đã quá lạc hậu!" - Ảnh 3.

Chuyên gia từ VLA kiến nghị không đặt gánh nặng thu ngân sách để thu thuế tiêu thụ đặc biệt trong xăng dầu.

Đối với thu ngân sách, giữ ổn định thu ngân sách thật vô nghĩa nếu trong khi đời sống người dân, doanh nghiệp thiệt hại. Không thể chỉ nghĩ cho mình. Phải linh hoạt trong điều hành chính sách của Nhà nước, cung ứng và đời sống xã hội.

Nếu giữ giữ ổn định thu ngân sách mà lạm phát thì cũng không giải quyết được vấn đề gì. Hơn nữa, kiến nghị giảm thuế, chúng ta chỉ giảm thu ngân sách giai đoạn từ nay đến hết năm 2022 (ngắn hạn) không ảnh hưởng quá mức đến ngân sách dài hạn. Đồng thời, việc giảm thu cũng là động lực để giảm chi, tái cơ cấu lại nguồn lực ngân sách đất nước, để khoan sức dân.

Tái cơ cấu ngân sách, giảm thu lúc này để giúp chúng ta nhìn vào đó để giảm chi. Chi thường xuyên quá lớn, chi xây dựng tượng đài, công trình kỷ nhiệm, công trình biểu tượng, chi nuôi bộ máy là không thể được chấp nhận trong bối cảnh hiện nay.

Cân đối thu - chi ngân sách của nhiều địa phương luôn chênh lệch, thu ít hơn chi mà vẫn không cải thiện chi ngân sách, đặc biệt là chi thường xuyên. Rõ ràng chúng ta phải đặt vấn đề tiết kiệm chi trong tái cơ cấu ngân sách, không thể giật gấu vá vai, phụ thuộc các khoản thu cố hữu mãi được, trong khi giảm hiệu lực, hiệu quả đồng vốn.

Trân trọng cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem