Cập nhật tại một số vựa mít Thái ở ĐBSCL cho thấy, giá mít Thái hôm nay 2/7 chưa có gì thay đổi so với hôm qua. Ngoài các vựa ngưng làm, một số vựa còn hoạt động đã báo giá mít Thái rất sớm.
Tại Tiền Giang, các vựa mua mít Kem lớn từ 7.000 - 8.000 đồng/kg, mít Kem nhỏ từ 3.000 - 4.000 đồng/kg.
Cụ thể, vựa Thịnh Phát ở Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang báo giá mít Thái hôm nay mua vào như sau: mít Kem lớn 8.000 đồng/kg, mít Kem nhỏ 4.000 đồng/kg.
Còn vựa mít Phú Tân ở xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang báo giá mua mít Kem lớn 7.000 đồng/kg, mít Kem nhỏ 3.000 đồng/kg.
Các thương lái vào vườn cắt mít, báo giá mua mít Kem lớn từ 5.000 - 6.000 đồng/kg, mít Kem nhỏ từ 2.000 đồng/kg.
Tại các địa phương khác như Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Long An và TP Cần Thơ, giá mít Thái hôm nay 2/7 cũng không tăng không giảm so với hôm qua.
Tại các địa phương này, các vựa thông báo mua mít Kem lớn từ 6.000 - 7.000 đồng/kg, mít Kem nhỏ từ 3.000 đồng/kg. Thương lái mua mít Kem lớn từ 4.000 - 5.000 đồng/kg, mít Kem nhỏ từ 2.000 đồng/kg.
Riêng mít chợ, các vựa mua mít loại 1 từ 3.000 đồng/kg, loại 2 là 2.000 đồng/kg. Do giá mít quá thấp nên các vựa thường mua xô khoảng 2.500 đồng/kg. Tại vườn, mít chợ loại 1 từ 2.000 đồng/kg, mít chợ loại 2 từ 1.000 đồng/kg.
Hiện nay, bên cạnh một số nhà vườn áp dụng cách phun thuốc kích bông mít, làm cho cây mít Thái ra bông đồng loạt cũng có một số nhà vườn khác lại chọn cách để cây mít Thái ra bông tự nhiên.
Theo một số hộ dân để cây mít Thái ra bông tự nhiên, cách làm này không làm cho cây mít Thái mất sức, cây phát triển bình thường và sống lâu năm.
"Chỉ cần áp dụng biện pháp bón phân lân phối hợp với việc quản lý nước thật tốt, cây mít Thái sẽ ra bông tự nhiên. Mặc dù cây mít Thái ra bông không nhiều và đều nhưng cây khoẻ, cho trái ổn định và chất lượng" - ông Lê Văn Hòa ở xã Mỹ Lương, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cho biết.
Theo ông Hòa, đối với cây mít tơ, có thể phun thuốc kích bông nhưng ở những vụ sau, không nên dùng thuốc. Lạm dụng thuốc này sẽ làm cây mít Thái nhanh mất sức, tạo điều kiện cho nấm khuẩn gây bệnh tấn công. Từ đó, cây mít Thái khó sống lâu được.
"Hiện nay, thuốc kích bông mít Thái rất nhiều. Bên cạnh thuốc tốt, cũng có loại thuốc có chất làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của cây. Do đó, cách tốt nhất nên làm bông tự nhiên, ít tốn chi phí mà hiệu quả" - ông Hòa nói thêm.