ACB là một trong những ngân hàng điều chỉnh lãi suất mạnh nhất lên tới 0,9 điểm % đối với các khoản tiền gửi kỳ hạn 1 và 9 tháng. Với các khoản tiền gửi 6 tháng, nhà băng này cũng cộng thêm 0,8 điểm % và điều chỉnh tăng 0,6 điểm % cho kỳ 3 và 12 tháng. Hiện lãi suất tiết kiệm cao nhất tại ACB ở mức 6,4%/năm.
TPBank cũng điều chỉnh tăng 0,2 điểm % lãi suất cho tất cả kỳ hạn phổ biến, áp dụng cả giao dịch tại quầy và online. Lãi suất tiết kiệm cao nhất tại TPBank hiện tại được niêm yết mức 6,5%/năm, với các khoản tiền gửi Đắc Lộc.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) cũng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm từ 0,2 điểm % đến 0,5 điểm %.
Cụ thể, kỳ hạn 1, 2 và 3 tháng tăng thêm 0,4% lên lần lượt 4,8%/năm – 4,9%/năm – 5,3%/năm. Kỳ hạn 4 và 5 tháng tăng thêm 0,2% cùng lên 5,2%/năm. Kỳ hạn 6 tháng tăng nhiều nhất với 0,5% lên 5,9%/năm.
Sau điều chỉnh lãi suất tiết kiệm cao nhất tại quầy được MBBank niêm yết ở mức 6,9%/năm cho kỳ hạn 24 tháng và tiền gửi từ 200 tỷ đồng trở lên.
Không chỉ các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, khối "ông lớn" quốc doanh cũng không nằm ngoài cuộc đua lãi suất.
Chẳng hạn như tại Agribank, từ 1/7 nhà băng này lãi suất kỳ hạn 12 tháng – 24 tháng thêm 0,1 điểm % lên 5,6%/năm. Trước đó, BIDV cũng đã tăng lãi suất tiết kiệm cao nhất từ 5,5%/năm lên 5,6%/năm.
Như vậy, trong 3 ngân hàng quốc doanh hiện chỉ còn Vietcombank niêm yết lãi suất tiết kiệm cao nhất ở mức 5,5%/năm – thấp nhất thị trường. Mức lãi suất này được áp dụng với khoản tiền gửi 12 tháng.
Ngược lại, đứng TOP đầu về lãi suất tiết kiệm cao nhất vẫn là một số nhà băng quen thuộc như ABB, SCB hay Techcombank.
Trong đó, lãi suất tiết kiệm cao nhất là 8,3%/năm, kỳ hạn gửi 13 tháng tại ABBank – đây cũng là mức lãi suất tham chiếu cho các khoản vay tại ABBank.
Trong tháng này, lãi suất tiết kiệm cao nhất tại KienlongBank cũng vượt lên trên 7%, thậm chí vượt qua cả Techcombank trở thành nhà băng có lãi suất cao nhất đứng thứ 3 thị trường.
Trong báo cáo vừa phát hành, các chuyên gia tại VNDirect đánh giá, tại thời điểm cuối quý I/2022, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 và 12 tháng không đổi so với mức cuối năm 2020 và năm 2021.
Tuy nhiên, lãi suất tiết kiệm đã tăng trở lại kể từ tháng 5/2022. Bên cạnh đó, lãi suất liên ngân hàng cũng đã tăng mạnh trở lại tuy vậy vẫn còn ở vùng thấp so với giai đoạn trước dịch bệnh.
Các chuyên gia dự báo, lãi suất tiền gửi sẽ khó duy trì ở mức thấp và sẽ bắt đầu tăng trở lại trong năm nay do nhu cầu huy động vốn tăng dựa trên tín dụng tăng trưởng; sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn như bất động sản và chứng khoán và nhất là áp lực lạm phát. Theo đó, lãi suất tiết kiệm sẽ tăng 30-50 điểm cơ bản trong năm 2022.
"Chúng tôi dự đoán lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại sẽ tăng lên mức 5,9-6,1%/năm vào cuối năm 2022, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức 6,8%/năm giai đoạn trước dịch bệnh", bộ phận nghiên cứu cho hay.
Thực tế, cuộc đua lãi suất bắt đầu "nóng" khoảng 3 tháng trở lại đây. Lãi suất huy động tăng khiến tiền gửi nhàn rỗi "ồ ạt" quay lại ngân hàng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia VNDirect, khách hàng cá nhân vẫn đang tìm kiếm các công cụ đầu tư có lợi suất cao hơn như trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản trong bối cảnh lãi suất tiền gửi vẫn ở mức thấp.
Còn theo khảo sát của Vietnam Report cho thấy, 81,8% huy động tiền gửi của các ngân hàng dự phóng sẽ tăng trưởng mạnh trong năm nay.
Có đến 100% số chuyên gia và ngân hàng tham gia khảo sát nhận định, thu nhập từ lãi của các ngân hàng trong thời gian tới sẽ khó khăn hơn bởi chính sách quản trị rủi ro ngày càng nghiêm ngặt. Do đó, thu nhập ngoài lãi sẽ trở thành động lực thúc đẩy lợi nhuận ngân hàng.