Gần 11 triệu tỷ đồng tiền gửi ngân hàng: Tiền gửi cư dân tăng vọt, lãi suất tiết kiệm cao nhất 7,6%/năm

Huyền Anh Thứ hai, ngày 28/03/2022 07:32 AM (GMT+7)
Sau 2 năm duy trì môi trường lãi suất thấp, kể từ đầu năm đến nay biểu lãi suất tiết kiệm tại một số ngân hàng đã được điều chỉnh tăng, riêng trong tháng 3 này một số ngân hàng nhỏ đã tăng 0,1-0,3%/năm.
Bình luận 0

Nhiều ngân hàng tăng lãi suất, lãi suất tiết kiệm cao nhất 7,6%/năm

Biểu lãi suất mới nhất trong tháng 3/2022 của MSB cho thấy, lãi suất tiết kiệm của ngân hàng đã tăng nhẹ ở nhiều kỳ hạn so với tháng trước.

Chẳng hạn, gửi tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng, lãi suất tiết kiệm tăng từ 3,8% - 4%/năm. Với các khoản tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng, lãi suất tiết kiệm hiện tại ở mức 5,8%/năm, tương ứng tăng 0,3 điểm %.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank), nhà băng này không chỉ tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn ngắn thêm 0,1 điểm % kể từ 22/3, các khoản tiền gửi của khách hàng cá nhân kỳ hạn 12 tháng, 13 tháng cũng được "cộng" thêm lãi suất.

Theo đó, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng hiện tại đã tăng lên 6,6%, và 6,7%/năm đối với kỳ hạn 13 tháng. Tuy nhiên, nhà băng này vẫn giữ lãi suất tiết kiệm cao nhất ở mức 6,8%/năm với kỳ hạn 24 – 36 tháng.

Gần 11 triệu tỷ tiền gửi ngân hàng: Tiền gửi cư dân tăng vọt, lãi suất tiết kiệm cao nhất 7,6%/năm - Ảnh 1.

Một số ngân hàng nhỏ tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm trong tháng 3. (Ảnh: BAB)

Tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), lãi suất tiết kiệm tại quầy từ 10/3 đã tăng 0,1-0,3% điểm % ở các kỳ hạn dài.

Chẳng hạn, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng tăng từ 5,9% lên 6,1%/năm. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 36 tháng cũng tăng 0,2 điểm %, lên 6,35%/năm – đây cũng là mức lãi suất tiết kiệm cao nhất tại nhà băng này ở thời điểm hiện tại.

Với hình thức tiết kiệm online, lãi suất cao nhất tại OCB là 6,75%/năm.

Lãi suất tiết kiệm với khách hàng doanh nghiệp tại một số ngân hàng cũng đã nhích lên tại một số ngân hàng lớn như MB, Techcombank với mức tăng 0,2% ở các kỳ hạn trên 6 tháng.

Gần 11 triệu tỷ tiền gửi ngân hàng: Tiền gửi cư dân tăng vọt, lãi suất tiết kiệm cao nhất 7,6%/năm - Ảnh 2.

Lãi suất tiết kiệm cao nhất 7,6%/năm. (Ảnh: LT)

Sau khi điều chỉnh lãi suất, lãi suất tiết kiệm cao nhất hiện đang là 7,6%/năm tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Tiếp đó là 7,1%/năm tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và ACB. Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) có lãi suất tiết kiệm cao nhất trong TOP đầu là MSB với 7%/năm.

Một số ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất gần 7%/năm như Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) 6,99%/năm; Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) 6,9%/năm; Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) 6,85%/năm...

Tuy vậy, với nhóm các ngân hàng lớn là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), lãi suất tiết kiệm vẫn giữ ổn định.

Lãi suất tiết kiệm cao nhất tại 4 ngân hàng này là 5,6%/năm áp dụng tại Vietcombank, VietinBank và 5,5%/năm tại Agribank, BIDV.

Gần 11 triệu tỷ tiền gửi ngân hàng, tiền gửi của người dân tăng vọt

Thực tế, không phải đến thời điểm hiện tại các ngân hàng mới tăng lãi suất tiết kiệm. Ngay từ đầu năm, đã có nhiều ngân hàng đã tăng 0,3-0,8 điểm % lãi suất tiết kiệm tại quầy và online, đồng thời tung ra các chương trình ưu đãi quà tặng cho khách hàng gửi tiền.

Động thái tăng lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng không quá bất ngờ đối với thị trường, bởi trước đó đã có rất nhiều dự báo từ các tổ chức và các chuyên gia kinh tế chỉ rõ, áp lực tăng lãi suất là không thể tránh khỏi đối với các ngân hàng trong năm 2022. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay khi lạm phát của Việt Nam đang được cho rằng rất khó có thể kiểm soát ở mức 4% trong năm nay.

Gần 11 triệu tỷ tiền gửi ngân hàng: Tiền gửi cư dân tăng vọt, lãi suất tiết kiệm cao nhất 7,6%/năm - Ảnh 3.

Ngay từ đầu năm, đã có nhiều ngân hàng đã tăng 0,3-0,8 điểm % lãi suất tiết kiệm tại quầy và online. (Ảnh: CT)

Theo chia sẻ của một lãnh đạo ngân hàng thương mại, thanh khoản của các ngân hàng thời điểm này khá mạnh, nhưng sự hấp dẫn của các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, có thể khiến cho dòng tiền tiết kiệm của cư dân chảy sang các kênh đầu tư này,... Trong khi đó, nhu cầu cho vay trong 3 tháng đầu năm nay tăng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái do nền kinh tế đang hồi phục. Từ đó buộc một số ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ phải tăng lãi suất để hút vốn.

Trong bản tin tiền tệ phát đi trong tuần vừa qua của Chứng khoán SSI, các chuyên gia tại đây cũng đã chỉ ra rằng, môi trường lãi suất thấp được duy trì trong 2 năm qua đã khiến cho nhu cầu gửi tiền tiết kiệm từ khu vực dân cư giảm mạnh. Tính đến cuối năm 2021, tăng trưởng tiền gửi từ dân cư ở mức thấp, chỉ đạt 3,1% (từ mức trung bình khoảng 10,8% trước dịch Covid-19).

Gần 11 triệu tỷ tiền gửi ngân hàng: Tiền gửi cư dân tăng vọt, lãi suất tiết kiệm cao nhất 7,6%/năm - Ảnh 4.

Nguồn: SBV

Còn theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 1/2022, tiền gửi tại các ngân hàng đạt gần 11 triệu tỷ đồng, tăng gần 35.000 tỷ đồng so với cuối năm 2021.

Đáng chú ý, tiền gửi của người dân tăng vọt hơn 103.000 tỷ đồng trong tháng 1 lên hơn 5,4 triệu tỷ đồng, tương đương tăng 1,95%. Đây là tháng tăng mạnh nhất của tiền gửi dân cư trong 10 tháng trở lại đây.

Có thể thấy, động thái tăng lãi suất tiết kiệm kể từ đầu tháng 1/2022 đã phần nào "hút" khách gửi tiền vào ngân hàng.

Cũng theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 1/2022, tổng phương tiện thanh toán toàn nền kinh tế hơn 13,7 triệu tỷ đồng, tăng 2,59% so với cuối năm 2021. Như vậy, cung tiền cũng đã nới rộng thêm 346.643 tỷ đồng, gấp gần 3,8 lần so với cùng kỳ.

Trong đó, lượng tiền mặt trong lưu thông tăng thêm 307.410 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 20% so với đầu năm. Qua đó kéo tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán tăng lên 13,29%, mức cao nhất trong vòng 3 năm qua.

Đánh giá xu hướng lãi suất trong năm 2022, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI nhận định mặt bằng lãi suất huy động năm 2022 dự kiến tăng nhẹ trong nửa cuối năm thêm từ 0,2-0,25%. Chênh lệch số dư tiền gửi ngân hàng của người dân và các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế vì thế cũng sẽ được cải thiện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem