Cá nhệch thường sinh sống chủ yếu trong cả môi trường nước mặn, nước ngọt và nước lợ, trong đó loài cá này xuất hiện chủ yếu ở đầm phá ven biển, cửa sông. Cá có mình dài như con lươn, da trơn trượt.
Clip: Bí quyết chế biến món gỏi nhệch ngon nức tiếng xứ Thanh
Để bắt được cá nhệch làm gỏi nhệch người dân các xã Đa Lộc, Ngư Lộc, Hải Lộc...(huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa), chỉ có thể ra cửa biển đóng đáy hoặc dùng những chiếc xiên răng to và chắc khỏe để đâm xuyên bắt.
Con cá nhệch thường rất khỏe và hung dữ nên việc đánh bắt không phải dễ dàng. Chính vì thế, giá bán nhệch cũng không rẻ. Thông thường, giá niêm yết tại các nhà hàng là từ 500.000-600.000 đồng/kg, có thời điểm giá bán gần 1 triệu đồng/kg.
Ông Vũ Văn Độ (xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc) nói: "Trước kia ở vùng biển Hậu Lộc cá nhệch xuất hiện rất nhiều, nhưng vài năm gần đây lượng cá nhệch hầu như giảm mạnh. Người dân muốn ăn món gỏi nhệch phải đặt trước nhiều ngày mới có".
Trực tiếp xem ông Độ chế biến món gỏi nhệch cũng rất kỳ công. Trước tiên cá nhệch mua về phải dùng cát xát, muối, tro, lá tre,…với mục đích làm sạch lớp da trơn có nhớt bám bên ngoài.
Theo ông Vũ Văn Độ chia sẻ: "Công đoạn lọc thịt cá nhệch quan trọng khi người đầu bếp phải làm thật nhanh, nhưng đòi hỏi phải khéo léo tỉ mỉ để thịt cá không bị nát, xương dăm không được dính vào thịt. Tiếp đến, thịt cá được thái lát chéo thật mỏng".
Theo tìm hiểu của Dân Việt, trước đây, gỏi nhệch sau khi thái xong sẽ được bóp bằng chanh tươi, sau đó vắt cho ráo nước rồi trộn, bóp đều với thính gạo nếp rang vàng.
Tuy nhiên, những năm gần đây, để món gỏi nhệch được tươi hơn, người làm thường chỉ bóp qua với riềng đã xay nhỏ cùng với củ sả thái mỏng, thính gạo thường được để riêng khi ăn ai thích thì trộn vào.
Để món gỏi nhệch ăn ngon hơn, thường phải quấn kèm nhiều loại lá như: Lá ổi, lá lộc vừng, lá mơ, húng quế, mùi tàu, đinh lăng, rau má, bạc hà, chuối xanh, cúc tần,…
Việc chọn lá tùy theo sở thích riêng của mỗi người. Bên cạnh đó, một số vùng còn cho thêm hành khô, gừng, ớt lát mỏng vào cuốn gỏi nhệch ăn cho đậm đà hơn.
Đặc biệt, gỏi nhệch không thể thiếu món chẻo, đây là món nước chấm "thần thánh" có dư vị khó quên nhất trong món ăn này. Chẻo chấm góp phần làm nên sự độc đáo, cái hồn của món ăn.
"Chẻo ngon không phải ai cũng làm được, chẻo chỉ đạt tiêu chuẩn khi được nấu từ xương cá nhệch kết hợp với các nguyên liệu khác theo công thức bí truyền", ông Vũ Văn Độ cho biết thêm.
Gỏi nhệch được đặt trực tiếp trên lá sung gói thành hình phễu, chấm với nước chẻo được làm từ xương nhệch xay hoặc giã nhỏ, sau đó bóp với mẻ rồi nấu lên với vị béo thơm đặc trưng.
Ông Trần Văn Thắng (thành phố Thanh Hóa) cho biết: "Để ăn món gỏi nhệch ngon, thì phải bỏ cả miếng gỏi to vào miệng nhai, cảm nhận đầu tiên là vị giòn giòn, hơi chát của các loại rau…".
"Tiếp đến là vị béo ngậy của chẻo, vị ngọt bùi, dai giòn của gỏi cá, vị cay nồng, thơm lừng của gừng, sả, ớt,…Tất cả tổng hoà lại với nhau mang cảm giác rất lạ khi lần đầu thưởng thức".
"Lần đầu tiên ăn gỏi nhệch sẽ thấy hơi lạ lạ nhưng ăn một lần sẽ nhớ mãi. Gỏi làm từ cá nhệch càng tươi sống càng khỏe thì thịt càng thơm. Khi ăn cuốn kèm lá đinh lăng, lá từ bi, lá mơ, lá lốt, lá sung,... thêm riềng, ớt và đặc biệt là chấm kèm chẻo thì vô cùng ngon miệng, đảm bảo ăn 1 lần là nhớ mãi. Nếu vào Thanh Hóa hay Ninh Bình sẽ không thể bỏ qua món ngon tuyệt phẩm này" - anh Ngọc (du khách) cho hay.