Thanh Hóa: Con đặc sản tên nghe thì dữ dằn nhưng nổi tiếng thơm ngon, bổ dưỡng ở bãi Bút sông Đằng

Thứ hai, ngày 13/06/2022 19:03 PM (GMT+7)
Người dân ở nhiều địa phương có câu: “Không ăn lư, hư một đời” để nói về thứ đặc sản nổi tiếng thơm ngon, bổ dưỡng ở bãi Bút sông Đằng. Lư (còn gọi là con xù xì, hoặc con bà chằn) là loài nhuyễn thể không có vỏ cứng bọc ngoài.
Bình luận 0

Đặc sản Lư (con xù xì hay con bà chằn) ở đâu ngon nhất?

Còn bà chằn (còn gọi là con xù xì, hoặc con lư) là loài nhuyễn thể không có vỏ cứng bọc ngoài. Bà chằn trông hình thù tựa con rùa con, hình dung như nửa quả hồng xiêm, phần bụng màu vàng ươm như mỡ gà, phần lưng màu đất, da sù sì như da cóc, con nhỏ bằng ngón chân cái, con to bằng quả trứng vịt.

Thanh Hóa: Con đặc sản tên nghe thì dữ dằn nhưng nổi tiếng thơm ngon, bổ dưỡng ở bãi Bút sông Đằng  - Ảnh 1.

Tại các vùng Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Quảng Xương, Nga Sơn ở tỉnh Thanh Hóa nơi nào có sông nước lợ đi qua đều có bà chằn. Bà chằn thường sống ở ngòi nước, bãi cỏ năn, cỏ lác, bãi bùn mép sông.

Ở các vùng như Thuần Lộc, Văn Lộc (Hậu Lộc), Nga Thái, Nga Điền, Nga An (Nga Sơn), Quảng Nham, Quảng Thạch (Quảng Xương) cạnh ngòi nước ngoài bãi sông đều có bà chằn. Nhưng bà chằn nhiều và ngon là bà chằn bãi Bút sông Đằng. Đây là vùng bãi lớn giàu phù sa, nơi gặp gỡ giữa nước lợ và nước mặn trước khi biển đổ ra cửa Lạch Trường.

Thân bà chằn được tự vệ bằng màu đất hệt đất vùng bãi sông, ban ngày bà chằn dấu mình dưới cỏ, núp vào bãi lác, bãi năn, bãi cói, bãi sú, trong kẽ đất, vết chân trâu bò, chân người, ban đêm khi triều xuống, bà chằn mới bò đi ăn, buổi trời động mưa hay mới mưa xong, bà chằn bò ra đi ăn càng nhiều. Vào mùa hạ, người dân thường đốt đuốc đi man bà chằn. Hôm nào người đi đông đứng trên đê nhìn xuống trông như đêm hội hoa đăng. Bà chằn bắt về có thể nhốt sống trong hai tuần làm nguồn thức ăn dự trữ.

Cách chế biến con bà chằn cũng không mấy phức tạp

Cách làm bà chằn cũng đơn giản. Bỏ bà chằn vào rổ cùng ít lá rưới, cát và tro bếp, vôi tôi, chà xát cho hết nhớt đến khi nào thân con bà chằn còn lại như màu mỡ gà mới đem rửa qua nước muối. Dùng dao sắc mổ ngang bụng bà chằn nặn hết ruột ra rồi mới nấu ăn.

Thanh Hóa: Con đặc sản tên nghe thì dữ dằn nhưng nổi tiếng thơm ngon, bổ dưỡng ở bãi Bút sông Đằng  - Ảnh 2.

Bà chằn có thể nấu với dọc mùng, hoa chuối hột hoặc nấu cháo, xào sả ớt, nhưng ngon nhất vẫn là nấu ám bà chằn.

Bà chằn làm sạch thái đôi, thái tư đem ướp đủ vị (mỡ, muối, nước mắm, riềng, sả, nghệ tuỳ lượng và tùy khẩu vị chua đậm nhạt của từng người) chừng 15 phút trước khi nấu. Khi nấu bà chằn vừa chín tới đổ một bát con nước sôi, rồi cho chuối xanh thái lát hoặc cà pháo (nếu om cà) nấu chín. Khi gần chín cho một ít đậu phụ đã rán vàng vào trộn đều. Khi bắc ra khỏi bếp tra ít ớt, mùi tàu, tía tô lá lốt thì thơm ngon vô cùng.

Bà chằn bãi Bút sông Đằng được coi là đặc sản, nhưng trước kia là món ăn thông thường dân dã, song không phải người dân nào và lúc nào cũng được ăn. Chỉ vùng có sông nước lợ đi qua và chỉ có mùa hè mới có và không phải năm nào cũng có, bởi mưa nhiều nước lũ đổ về nhiều loài thủy sản không xuất hiện hoặc ít xuất hiện. Dường như thiên nhiên đã ưu đãi cho cư dân vùng cửa sông để dù đi dâu, ở đâu họ cũng nhớ về quê hương.


Nguyễn Hữu Ngôn (Báo Thanh Hóa)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem