Áp lực kép được tạo bởi đồng USD mạnh và lo ngại suy thoái kinh tế ngày một lớn khiến giá dầu hôm nay đồng loạt giảm mạnh, trong đó dầu Brent đã trượt về mức 98 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên trong vòng 3 tháng, giá Brent đánh mất mốc 100 USD/thùng.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 11/7/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9/2022 đứng ở mức 91,75 USD/thùng, giảm 1,56 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 12/7, giá dầu WTI giao tháng 9/2022 đã giảm tới 8,46 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 9/2022 đứng ở mức 98,40 USD/thùng, giảm 1,09 USD/thùng trong phiên nhưng đã giảm tới 7,8 USD so với cùng thời điểm ngày 12/7.
Giá dầu ngày 13/7 lao dốc mạnh chủ yếu do lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu giảm trong bối cảnh nguy cơ suy thoái kinh tế ngày một lớn và dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố, trung tâm thương mại, công nghiệp của Trung Quốc.
Lạm phát leo cao và chưa có dấu hiệu dừng lại cộng với khả năng lãi suất được điều chỉnh tăng mạnh thời gian tới, theo giới chuyên gia, có thể đẩy nền kinh tế Mỹ và châu Âu có thể sớm rơi vào suy thoái.
Các dự báo về mức tăng trưởng kinh tế liên tục được điều giảm so với các dự báo được đưa ra trước đó. Ở diễn biến mới nhất, ngày 11/7, Phó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực sử dụng đồng Euro. Trước đó, hồi tháng 5/2022, EC đã hạ dự báo tăng trưởng xuống còn 2,7%, giảm mạnh so với dự báo 4% được đưa ra hồi tháng 2/2022.
Gần đây, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cho biết cuối tháng 7/2022, tổ chức này sẽ đưa ra mức dự báo tăng trưởng mới và sẽ thấp hơn mức dự báo 3,6% được đưa ra hồi tháng 4/2022.
Nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu đang có xu hướng giảm, nhưng ở chiều hướng ngược lại, nguồn cung dầu thô vẫn đang được bổ sung, tuy với một mức sản lượng khá khiêm tốn. Điều này cũng phần nào “hạ nhiệt” lo ngại nguồn cung thắt chặt.
Giá dầu hôm nay giảm mạnh còn do đồng USD treo ở mức cao nhất 20 năm.
Theo nhận định từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, giá dầu khả năng cao sẽ chịu biến động mạnh trước một loạt các yếu tố giằng co. Giá dầu duy trì xu hướng giảm trong phiên giao dịch sáng nay, khi thị trường tiếp tục giằng co giữa các tin tức trái chiều.
Một mặt, tình hình dịch lan rộng tại Trung Quốc đang khiến cho tâm lý e ngại viễn cảnh chính phủ nước này tiến hành phong tỏa trở lại, gây sụt giảm nhu cầu tiêu thụ dầu. Mặt khác, các số liệu tích cực về cung tiền M2, khoản vay mới của Trung Quốc tiếp tục tăng, cho thấy chính phủ nước này đang thức đẩy tăng trưởng kinh tế phục hồi. Hơn thế nữa, tại thị trường hàng thực, việc Trung Quốc liên tục gia tăng mua dầu thô, trong khi Saudi Arabia vẫn tăng giá bán các sản phẩm chính thức, bất chấp các đối thủ cạnh tranh như Iran và Nga đã hạ giá dầu để tăng tính cạnh tranh, cho thấy về mặt thực tế, tình trạng thiếu hụt trên thị trường vẫn đang tương đối nặng nề.
Ngày hôm nay, thị trường sẽ đón nhận thông tin về báo cáo thị trường dầu hàng tháng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA và Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ EIA. Trong báo cáo tháng trước, IEA cho biết tồn kho dầu thế giới tăng trở lại lần đầu tiên trong tháng 4, và giảm nhẹ rủi ro thiếu hụt trên thị trường. Tuy nhiên, với việc nhu cầu đi lại tăng lên trong mùa hè, và các rủi ro liên quan đến đường ống CPC, có thể trong báo cáo tháng này, các tổ chức lớn sẽ thay đổi nhận định. Điều này sẽ khiến cho giá dầu khả năng cao sẽ biến động mạnh trong phiên giao dịch tối nay.
Thực tế, các lo ngại ngày càng lớn về tình hình dịch Covid-19 tại Trung Quốc liên tục khiến cho thị trường chịu sức ép. Bên cạnh đó, Dollar Index tiếp tục tăng rất mạnh trong phiên đã gây ra lực bán mạnh trên thị trường tài chính nói chung, đặc biệt là thị trường hàng hóa, được định giá phần lớn bằng đồng bạc xanh.
Ngoài ra, trong báo cáo tháng 7, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã bắt đầu điều chỉnh giảm nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới trong năm 2022 từ 99,63 triệu thùng/ngày xuống 99,58 triệu thùng/ngày. Các nguyên nhân mà EIA đưa ra là lo ngại về nền kinh tế toàn cầu giảm tốc, cùng với sự không chắc chắn trong quyết định gia tăng sản lượng thực tế của OPEC+ cũng như tốc độ sản xuất của các công ty dầu đá phiến tại Mỹ. EIA cũng đã điều chỉnh giảm dự báo giá Brent xuống còn 104 USD/thùng trong năm 2022 và xuống 94 USD/thùng trong năm 2023. Đây là yếu tố rất tiêu cực khiến giá tiếp tục giảm mạnh trong phiên tối.
Ngược lại, trong báo cáo tháng hôm qua, OPEC vẫn tỏ ra rất lạc quan về nhu cầu dầu trong năm nay khi giữ nguyên dự báo tiêu thụ dầu trong năm 2022 ở mức 100,29 triệu thùng/ngày, và con số sẽ tăng lên mức kỷ lục 102,99 triệu thùng/ngày vào năm sau. Tuy vậy, khi tâm lý trên thị trường chung chưa được cải thiện, nhận định tức cực này cũng không thể giúp lực mua quay lại thị trường hôm qua.
Rạng sáng nay, báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ cho biết tồn kho dầu thương mại tăng 4,762 triệu thùng trong tuần vừa rồi, có thể trở thành yếu tố tiếp tục gây sức ép lên giá dầu.
Tại thị trường trong nước, triển khai Nghị quyết của Quốc hội về việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu…, giá xăng đã được điều chỉnh giảm mạnh.
Theo đó, kể từ 0h ngày 11/7, Liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định giảm giá xăng E5 RON 92 3.110 đồng/lít, xuống mức không quá 27.780 đồng/lít; giá xăng RON 95 giảm 3.090 đồng/lít, xuống mức không quá 29.670 đồng/lít.
Giá bán các mặt hàng dầu cũng giảm mạnh, trong đó dầu diezel giảm 3.022 đồng/lít, xuống mức không quá 26.590 đồng/lít; dầu hoả giảm còn không quá 26.345 đồng/lít…
Ở kỳ điều hành này, Liên Bộ Công Thương – Tài chính cũng quyết định trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với mặt hàng xăng ở mức 950 đồng/lít, dầu diesel 550 đồng/lít, dầu mazut 950 đồng/kg và dầu hỏa 500 đồng/lít. Cùng với đó, cơ quan quản lý yêu cầu ngừng chi sử dụng Quỹ đối với các loại xăng dầu.
Bộ Công Thương cho hay, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành giá ngày 1/7 và ngày 11/7/2022 là: 128,707 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (giảm 19,070 USD/thùng, tương đương giảm 12,90% so với kỳ trước); 136,530 USD/thùng xăng RON95 (giảm 18,314 USD/thùng, tương đương giảm 11,83% so với kỳ trước; 140,858 USD/thùng dầu hỏa (giảm 21,062 USD/thùng, tương đương giảm 13,00% so với kỳ trước); 146,705 USD/thùng dầu diesel (giảm 20,690 USD/thùng, tương đương giảm 12,36% so với kỳ trước); 533,750 USD/tấn dầu mazút 180CST 3,5S (giảm 72,645 USD/tấn, tương đương giảm 11,980% so với kỳ trước).
Cùng với việc giá thế giới giảm mạnh, cơ quan điều hành nhấn mạnh rằng, ngày 8/7 vừa qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo mức Chính phủ đề xuất và bắt đầu áp dụng từ ngày 11/7, việc này đã góp phần hỗ trợ giảm giá xăng dầu trong nước.
Giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 13/7 như sau: Xăng E5RON92 không cao hơn 27.788 đồng/lít, tức giảm 3.103 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành. Xăng RON95-III không cao hơn 29.675 đồng/lít, cũng giảm tới 3.088 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành. Dầu diesel 0.05S không cao hơn 26.593 đồng/lít, giảm 3.022 đồng/lít. Dầu hỏa không cao hơn 26.345 đồng/lít, giảm 2.008 đồng/lít. Dầu mazút 180CST 3.5S không cao hơn 17.712 đồng/kg, giảm 2.010 đồng/kg so với giá bán hiện hành.