Giá xăng dầu hôm nay 11/7: Giá dầu lại giằng co, xăng trong nước giảm mạnh

Nguyễn Phương Thứ hai, ngày 11/07/2022 09:49 AM (GMT+7)
Mặc dù chịu sức ép lớn, nhưng giá dầu vẫn lấy lại được mốc 100 USD ở hiện tại, bởi trong ngắn hạn bài toán nguồn cung vẫn chưa tìm được lời giải.
Bình luận 0

Giá dầu thế giới sáng đầu tuần tiếp tục giằng co. Tuy vậy, các dự báo vẫn cho thấy, giá dầu tuần này khó có biến động tăng mạnh do lo ngại "bóng ma" suy thoái kinh tế toàn cầu.

Giá xăng dầu hôm nay 11/7: Dầu thô giằng co, giá xăng trong nước giảm mạnh

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 11/7/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9/2022 đứng ở mức 104,41 USD/thùng, tăng 0,25 USD/thùng trong phiên.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 9/2022 đứng ở mức 107,40 USD/thùng, tăng 0,38 USD/thùng trong phiên.

Tuy nhiên, cập nhật lúc 9h22, giá dầu Brent giảm xuống mức 106,37 USD/thùng, giảm 0,65% và dầu WTI đứng ở mức 103,9 USD/thùng, giảm 0,88%.

Giá xăng dầu hôm nay 11/7: Giá dầu lại giằng co, xăng trong nước giảm mạnh - Ảnh 1.

Các dự báo vẫn cho thấy, giá dầu tuần này khó có biến động tăng mạnh do lo ngại "bóng ma" suy thoái kinh tế toàn cầu.

Giá xăng dầu hôm nay 11/7: Giá dầu lại giằng co, xăng trong nước giảm mạnh - Ảnh 2.

Giá xăng dầu hôm nay 11/7

Giá xăng dầu hôm nay 11/7: Giá dầu lại giằng co, xăng trong nước giảm mạnh - Ảnh 3.

Giá xăng dầu hôm nay 11/7

Giá dầu ngày 11/7 duy trì đà tăng nhẹ sau khi bật tăng mạnh vào cuối tuần trước trong bối cảnh thị trường gia tăng lo ngại nguồn cung dầu thắt chặt sau dữ liệu sản lượng từ OPEC được công bố.

Cụ thể, sản lượng của 10 nước thành viên OPEC trong tháng 6/2022 đã giảm 100.000 thùng/ngày, xuống còn 28,52 triệu thùng/ngày. Mức sản lượng này thấp hơn khoảng 275.000 thùng/ngày so với mức cam kết của OPEC.

Thông tin này từ OPEC càng làm cho thị trường thêm phần hoài nghi về khả năng OPEC và các nước đồng minh (hay còn gọi là OPEC+) có thể thực hiện được mức tăng sản lượng lên 648.000 thùng/ngày trong 2 tháng 7 và 8/2022.

Giá dầu hôm nay duy trì đà tăng còn do thị trường kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc sẽ khôi phục trở lại khi chính quyền thành phố Bắc Kinh vừa công bố một loạt các biện pháp hỗ trợ, thúc đẩy quá trình phục hồi sau thời gian dịch bệnh.

Bên cạnh đó, dữ liệu việc tích cực từ Mỹ cũng là tác nhân giúp hạ nhiệt lo ngại suy thoái kinh tế.

Ngoài ra, các lệnh cấm vận dầu thô Nga cũng như việc áp trần giá dầu Nga của G7 cũng khiến nguồn cung dầu thô từ Nga ra thị trường khá hạn chế.

Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu ngày 11/7 cũng bị kiềm chế đáng kể bởi đồng USD bật tăng mạnh lên mức cao nhất 20 năm.

Thị trường dầu thô không giữ được sắc xanh trong tuần vừa qua khi mà những lo ngại về suy thoái bao trùm lên tâm lý các nhà giao dịch. 

Điểm nhấn đáng chú ý nhất trong tuần vừa qua là việc giá của cả hai mặt hàng dầu thô đánh mất mốc 100 USD, vốn được coi là một mức hỗ trợ tâm lý rất lớn đối với thị trường. Nguyên nhân chính khiến cho giá giảm mạnh xuất phát từ những lo ngại về nền kinh tế toàn cầu đối mặt với nguy cơ suy thoái, gây áp lực tới nhu cầu tiêu thụ. Bên cạnh đó, sức ép bán cũng được gia tăng trên thị trường trước những tin tức tiêu cực về tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc.

Mặc dù chịu sức ép lớn, nhưng giá dầu vẫn lấy lại được mốc 100 USD trong hai phiên cuối tuần qua, bởi trong ngắn hạn bài toán nguồn cung vẫn chưa tìm được lời giải. Một trong những hệ thống đường ống lớn nhất thế giới thuộc Công ty CPC đã bị toà án Nga buộc phải ngừng hoạt động, và khiến cho khoảng 30 triệu thùng dầu thô chủ yếu từ Kazakhstan, có nguy cơ không được xuất khẩu mỗi tháng.

Mỹ và các nước đồng minh đang thảo luận các phương án áp mức giá trần đối với dầu Nga trong khoảng 40-60 USD/thùng để vừa hạn chế doanh thu dầu của Nga, mà vẫn hạn chế tối đa tác động lên nền kinh tế của mình. Nhận định về vấn đề này, TS. Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng, mong muốn này của phương Tây là điều khó khả thi. Nguồn: VTC NOW

Giá xăng dầu tại thị trường trong nước 

Tại thị trường trong nước, triển khai Nghị quyết của Quốc hội về việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu…, giá xăng đã được điều chỉnh giảm mạnh.

Theo đó, kể từ 0h ngày 11/7, Liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định giảm giá xăng E5 RON 92 3.110 đồng/lít, xuống mức không quá 27.780 đồng/lít; giá xăng RON 95 giảm 3.090 đồng/lít, xuống mức không quá 29.670 đồng/lít.

Giá bán các mặt hàng dầu cũng giảm mạnh, trong đó dầu diezel giảm 3.022 đồng/lít, xuống mức không quá 26.590 đồng/lít; dầu hoả giảm còn không quá 26.345 đồng/lít…

Giá xăng dầu hôm nay 11/7: Giá dầu lại giằng co, xăng trong nước giảm mạnh - Ảnh 4.

Triển khai Nghị quyết của Quốc hội về việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu…, giá xăng đã được điều chỉnh giảm mạnh.

Ở kỳ điều hành này, Liên Bộ Công Thương – Tài chính cũng quyết định trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với mặt hàng xăng ở mức 950 đồng/lít, dầu diesel 550 đồng/lít, dầu mazut 950 đồng/kg và dầu hỏa 500 đồng/lít. Cùng với đó, cơ quan quản lý yêu cầu ngừng chi sử dụng Quỹ đối với các loại xăng dầu.

Bộ Công thương cho hay, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành giá ngày 1/7 và ngày 11/7/2022 là: 128,707 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (giảm 19,070 USD/thùng, tương đương giảm 12,90% so với kỳ trước); 136,530 USD/thùng xăng RON95 (giảm 18,314 USD/thùng, tương đương giảm 11,83% so với kỳ trước; 140,858 USD/thùng dầu hỏa (giảm 21,062 USD/thùng, tương đương giảm 13,00% so với kỳ trước); 146,705 USD/thùng dầu diesel (giảm 20,690 USD/thùng, tương đương giảm 12,36% so với kỳ trước); 533,750 USD/tấn dầu mazút 180CST 3,5S (giảm 72,645 USD/tấn, tương đương giảm 11,980% so với kỳ trước).

Cùng với việc giá thế giới giảm mạnh, cơ quan điều hành nhấn mạnh rằng, ngày 8/7 vừa qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo mức Chính phủ đề xuất và bắt đầu áp dụng từ ngày 11/7, việc này đã góp phần hỗ trợ giảm giá xăng dầu trong nước.

Giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 11/7 như sau: Xăng E5RON92 không cao hơn 27.788 đồng/lít, tức giảm 3.103 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành. Xăng RON95-III không cao hơn 29.675 đồng/lít, cũng giảm tới 3.088 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành. Dầu diesel 0.05S không cao hơn 26.593 đồng/lít, giảm 3.022 đồng/lít. Dầu hỏa không cao hơn 26.345 đồng/lít, giảm 2.008 đồng/lít. Dầu mazút 180CST 3.5S không cao hơn 17.712 đồng/kg, giảm 2.010 đồng/kg so với giá bán hiện hành.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem