Trên cái mâm cơm chỉ có độc đĩa rau vườn to đùng hái ngọn luộc với ít tỏi xanh mướt mắt, bố sẽ múc tí tương cá để chấm rau. Và sẽ lấy cá diếc kho khế ra một cái bát tô, múc cả nước tương trong nồi.
Chiều, cái rét giống như ngấm vào da thịt, khiến cho mọi thứ trở nên khô hanh một cách khó chịu. Đông đến muộn nhưng đủ làm người ta thấy cái lạnh lẽo của nó khiến cho lòng dạ con người tở nên mông lung. Công việc ngập ngụa lên đầu khiến ta thấy mình dường như kiệt sức. Thèm đến lạ kì sự chở che của những yêu thương.
Cá diếc kho-món quê hao cơm
Có tiếng chuông điện thoại báo tin nhắn. Đứng sững lại giữa sân trường khi nhìn thấy lời nhắn nhủ của bố:
- Lát đi dạy về qua nhà, bố cho cá diếc kho khế.
Mắt chợt thấy rưng rưng. Cứ mỗi lần như thế dường như lại thấy động lực từ bố gửi đến khiến cho những giá lạnh ngoài kia dừng lại hết bên ngoài căn nhà nhỏ của chúng tôi.
Cá diếc kho khế - món ăn tôi yêu thích và chưa bao giờ cảm thấy chán. Nó là món ăn bố nấu ngon nhất, là món ăn của tuổi thơ tôi, là món ăn gắn với những nhọc nhằn của cả gia đình tôi những ngày còn thiếu thốn.
Tôi chẳng bao giờ quên con sông cạnh nhà cái thời tôi còn chân đất thả diều với lũ con trai đầu xóm. Con sông nhỏ nhưng quanh năm nước chẳng mấy khi cạn. Mấy bà thuyền chài chiều nào cũng mang cá vào xóm tôi đổi lấy nhu yếu phẩm của gia đình.
Khi thì cái khăn mặt, khi thì gói xà bông, lúc thì ít gạo đắp đổi bữa cơm bữa cháo. Nhà tôi bán hàng xén, kể thì khi đó có cái cửa hàng nhỏ thì đã là kha khá đối với người làng. Nhưng cái hàng xén ấy để gánh một đàn vịt giời và một thằng vịt đực như lũ chúng tôi đi học đến hết đại học thì quả thực là khốn khổ.
Bố hồi còn bộ đội là một anh bếp khéo tay. Có lẽ vì thế mà món nào ông nấu cũng khiến chúng tôi mê mẩn như ăn sơn hào hải vị - Hay có lẽ tại thiếu thốn, có lẽ tại thèm khát vị mặn của chất đạm mà chúng tôi cứ ăn món cá kho của bố đến tận phần cặn kho cuối cùng mà vẫn thèm thuồng.
Một chiếc khăn mặt là đổi được một mớ cá diếc kha khá. Những con diếc vừa, nhỏ chỉ cỡ chừng hơn ngón tay cái một chút, con nào to mới bằng hai ngón tay của bố. Vảy của chúng ánh bạc lấp lánh. Nhìn chúng nằm giãy trên cái rổ của bà thuyền chài trông thật thích mắt.
Giống cá diếc không khỏe lắm mua về cần sơ chế ngay và để ráo nước với một ít muối hạt giúp cá không bị ươn. Bố mổ cá rất nhanh, một loáng đã làm sạch sẽ mớ cá và bắt đầu cho nó lên cái chảo gang để rán. Thường thì bố chỉ rán sơ qua để cá thơm. Nhưng cũng có lần tôi thấy bố rán những con cá diếc đến giòn, để bữa cơm ông dầm vào bát mắm chanh gừng, ớt mà nhắm với chén cuốc lủi.
Cây khế chua đứng ở góc vườn lúc nào cũng lúc lỉu trái, có độ chín quá còn rụng đầy gốc. Những trái khế xanh mướt, được rửa sạch, bỏ phần sống múi bên ngoài cho bớt vị chát, sau đó được cắt ngang theo thân quả như hình ngôi sao xanh.
Bố sẽ lót một lớp khế với ít riềng già vàng ươm, rồi để cá rán sơ vào giữa, rồi lại phủ khế lên. Có lần ông còn biến tấu thêm quả cà chua. Nào nước hàng, nào tương nếp, nào mì chính, chỉ đợi khi siêu nước sôi già ông sẽ đổ nước vào xăm xắp rồi đun cho sôi bồng lên sau đó để âm ỉ trên bếp. Nhà tôi có cái nồi đất dầy từ thời bà nội, giống như cái âu cũ, nồi đó kho cá là ngon nhất.
Nồi cá kho cứ xình xịch trên bếp tỏa ra mùi thơm lừng khắp cả nhà. Tuyệt là không thấy mùi tanh, chỉ thấy mùi mằn mặn của tương, mùi thơm nồng của tương riềng hòa quyện với nhau và mùi vị thanh thanh của khế chua bốc lên, trộn lẫn thành thứ hương vị đặc trưng của cá kho khế.
Chừng vài tiếng, dễ phải ba tiếng trở ra, cá bắt đầu mềm cả xương thì bố sẽ bắc nồi cá xuống, để cạnh cái bếp củi đã rút hết củi chỉ còn than hồng lép bép. Nồi cá vẫn cứ sôi xình xịch. Đến khi than lụi hết đi, ấy là lúc cá có thể ăn được.
Trên cái mâm cơm chỉ có độc đĩa rau củ to đùng hái ngọn ở ngoài vườn luộc với ít tỏi xanh mướt mắt, bố sẽ múc tí tương cá để chấm rau. Và sẽ lấy cá ra một cái bát tô, múc cả nước tương trong nồi.
Cá diếc kho khế không có màu sắc bắt mắt giống như những món cá kho khô khác. Nước tương trong nồi cá kho ngon không thể cưỡng nổi. Trên cái bát, những con cá mềm rụn cả xương, và những miếng khế chín chuyển sang màu vàng nhạt vì đã phai hết vị chua ra phần nước, ngấm vào cá.
Cá diếc kho khế ăn không ngấy, ăn thanh vị, thịt cá mềm nhưng thơm ngọt vô cùng. Và miếng khế mềm, cắn vào như thể ăn miếng củ quả om, nhưng giữ lại mùi khế thanh và sắc sẽ khiến người ta thấy đưa cơm lắm lắm. Tôi thích nước cá trộn vào bát cơm.
Nó không quá mặn, chỉ vừa phải, người ăn mặn còn thấy hơi nhạt, nhưng tôi thấy thế mới giữ vị ngọt của thịt cá tiết ra. Và không phải là một bát cơm, thể nào tôi cũng ăn đến no căng chừng ba bốn bát kha khá.
Cá diếc đồng quê ngày nay là một trong những loài cá được nhiều người ưa thích.
Món ăn ấy, giản đơn như con người bố nhưng lại dịu dàng giống như cách bố dành tình yêu cho chúng tôi. Có lẽ nó là thứ khiến tôi dễ bồi hồi nhất. Bốn mươi tuổi, tôi là một cô giáo chững chạc trước đồng nghiệp và học sinh nhưng trước bố, tôi lúc nào cũng thế, trẻ con và khờ dại.
Những nhọc nhằn của thời gian và những gánh nặng từ chúng tôi đã khiến bố sớm già nua đi khi cái tuổi 70 chưa tới. Những yêu thương của ông dồn lại ngày qua ngày bằng cách chăm sóc chúng tôi một thầm lặng.
Ông không còn sức khỏe để dang tay lo toan nhưng những yêu thương ông gửi đến chúng tôi thì mãi mãi là nguồn động lực mà chẳng ai có thể làm được điều đó, ngoại trừ người mẹ tảo tần luôn cạnh ông, cùng ông lo lắng cho lũ con lớn đầu mà vẫn còn non nớt.
Một buổi chiều giữa mưa lạnh đến nao lòng, chơi vơi giữa cuộc đời, nơi ta tìm về chính là nơi có bố mẹ và nồi cá kho khế nghi ngút khói trên bếp củi ấm áp - Tất cả quyện lại trong thứ hương vị quê ngọt ngào, giản dị mà lại tràn đầy những tình cảm thương yêu.