Ngay sau thông tin ký nghị định thư, giá sầu riêng tại nhiều nơi ở Tây Nguyên đã tăng đáng kể, thương lái, doanh nghiệp nườm nượp vào tận vườn đặt vấn đề thu mua, giúp nông dân có lãi khá sau 2 năm trầm lắng vì dịch Covid-19.
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp và người dân đã ý thức được việc sản xuất có trách nhiệm để đáp ứng các yêu cầu của thị trường.
Tại huyện Krông Pắc - "thủ phủ" sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk, nhiều doanh nghiệp đã liên kết chặt chẽ với nông dân xây dựng mã số vùng trồng.
Đơn cử như Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn (xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc), từ năm 2020, doanh nghiệp này đã liên kết xây dựng vùng nguyên liệu với 33 mã số vùng trồng cho 1.160 ha sầu riêng; có 9 cơ sở đóng gói với diện tích mặt bằng xưởng gần 60.000 m2, có thể đáp ứng năng lực thu mua những vùng liên kết với sản lượng 200.000 tấn/năm. Đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đã liên kết với 20 hợp tác xã trồng sầu riêng, quy mô hơn 6.000 ha.
Đã có nhiều bước chuyển trong tư duy làm ăn của người nông dân khi họ nhận ra những cơ hội mới ở một thị trường đang thay đổi của nước láng giềng.
Trung Quốc tiêu thụ rất nhiều sầu riêng. Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), từ năm 2010 đến nay, tiêu thụ sầu riêng ở Trung Quốc tăng trưởng trung bình hàng năm hơn 16%.
Số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho thấy, nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc trong năm 2021 đạt 809.000 tấn, trị giá 4,13 tỷ USD, tăng vọt so với mức 2,3 tỷ của năm 2020.
Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan. Trong những năm gần đây, nhu cầu bùng nổ cộng với chi phí vận chuyển tăng cao đã khiến giá sầu riêng tăng. Giá trung bình của sầu riêng tươi ở Trung Quốc đã tăng lên 4,0 USD/kg vào năm 2020 và năm 2021 lên mức cao là 5,11 USD/kg.
Nói vậy để thấy, Trung Quốc luôn là một thị trường tiềm năng của trái sầu riêng và việc Việt Nam đạt được thỏa thuận xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc là một kết quả ngoài mong đợi.
Trước khi có Nghị định thư ký kết với Trung Quốc, 70% sản lượng sầu riêng của Đắk Lắk chỉ có thể xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc. Khi xuất khẩu, các doanh nghiệp phải qua nhiều khâu trung gian khiến giá thành tăng cao và lợi nhuận thu về ít.
Nhưng không có nghĩa Nghị định thư sẽ là con đường thẳng băng băng để trái sầu riêng Việt Nam đi sang Trung Quốc. Bởi theo Nghị định thư này, quả sầu riêng tươi của Việt Nam phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc cũng như yêu cầu về kiểm dịch thực vật; thực hiện đúng quy cách về đóng gói, thông tin trên bao bì để đảm bảo truy xuất nguồn gốc chính xác…
Trong nhiều cuộc hội thảo, đại diện các doanh nghiệp đều khẳng định: Đừng giữ mãi suy nghĩ Trung Quốc là thị trường dễ tính. Thậm chí, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group còn nhận định, việc đưa trái cây vào thị trường Trung Quốc, khâu thủ tục còn phức tạp hơn thị trường Mỹ.
Về kiểm dịch, có doanh nghiệp đã có những bài học nhớ đời. Ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ameii Việt Nam từng chia sẻ, doanh nghiệp của ông phải mất chi phí tới 8 triệu đồng cho việc xử lý một con rệp được phát hiện trên trái sầu riêng khi xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, cứ đếm rệp mà chi tiền.
Trong bức thư ngỏ nhân sự kiện Bộ NNPTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc chính thức ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường nước này vào ngày 11/7, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cũng cho biết, ông nhận được nhiều thông tin, phản hồi bày tỏ sự lo lắng về các bước chuẩn bị, triển khai sắp tới của chúng ta.
Theo Bộ trưởng, người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng, về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh thực phẩm, bên cạnh quy định nghiêm ngặt trong phòng chống dịch bệnh Covid-19.
"Do đó, từ người nông dân, cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, cho đến các cơ quan chức năng ở địa phương và Trung ương cần tránh tâm lý nóng vội, chủ quan" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.
Người đứng đầu Bộ NNPTNT nhấn mạnh, cơ hội chỉ thật sự mở ra, khi và chỉ khi chúng ta tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định, chuẩn mực từ thị trường đối tác. Phải làm thật tốt việc tổ chức lại sản xuất, gắn với chuẩn hoá quy trình sản xuất. Phải xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc, để đảm bảo quản lý chất lượng sản phẩm từ gốc. Phải có ý thức tạo dựng và giữ gìn hình ảnh một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm đối với người tiêu dùng…
Người đứng đầu Bộ NNPTNT nêu ra rất nhiều yêu cầu để nắm bắt cơ hội ra những thị trường lớn và khó tính, dù với trái sầu riêng hay bất kỳ một loại nông sản nào khác, muốn đi xa, tạo thị trường bền vững, thì phải “đi cùng nhau”. Nông dân “đi cùng nhau” trong một hình thức hợp tác. Doanh nghiệp “đi cùng nhau” trong một hiệp hội ngành hàng. Các địa phương có vùng trồng cũng cần “đi cùng nhau” trong tổng thể không gian liên kết phát triển ngành hàng, trong từng sự kiện giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại, đầu tư.
“Đi cùng nhau” cũng là cách chúng ta chung sức, chung lòng tạo dựng hình ảnh, thương hiệu sầu riêng Việt Nam, nông sản Việt Nam - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Visa cho quả sầu riêng vào thị trường Trung Quốc cho thấy, giai đoạn xuất khẩu tiểu ngạch với nông sản Việt Nam đang dần khép lại. Điều quan trọng là phải có một tư duy mới, tầm nhìn mới về việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc. Nước này không còn là thị trường dễ tính như người ta quen nghĩ lâu nay.
Trong một cuộc hội thảo cuối năm ngoái, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai nói rằng, trong vài chục năm tới, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn và quan trọng với Việt Nam. Nghĩa là làm sao phải có visa cho hàng hóa Việt Nam sang Trung Quốc trong một tương lai lâu dài, bền vững, không chỉ là với quả sầu riêng.