Tham nhũng chính sách nhìn từ hai vụ Việt Á và vụ giải cứu công dân
Tham nhũng chính sách nhìn từ vụ Việt Á và vụ “giải cứu công dân”
Quốc Phong
Chủ nhật, ngày 05/06/2022 14:21 PM (GMT+7)
Trong đại dịch Covid-19, bên cạnh những thành công cơ bản, đã xảy ra biết bao chuyện tày đình liên quan đến lợi dụng cơ chế, chính sách và quyền lực để tham nhũng, làm những điều mà thật khó mấy ai dám nghĩ đến khi đất nước đầy khó khăn.
Hôm qua 4/6, cuộc họp của Bộ Chính trị đã đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật Chủ tịch TP Hà Nội Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, gây bức xúc trong xã hội…
Những tưởng là sau cái vụ thổi giá của PGS, TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC Hà Nội mua máy xét nghiệm vống lên đến vài lần đã bị lôi ra ánh sáng thì có lẽ những ai còn có ý đồ tham nhũng cũng phải chùn tay.
Tưởng họ sẽ rất xấu hổ trước không biết bao nhiêu là đồng nghiệp của họ, nhiều thày thuốc dù đã nghỉ hưu, sức khoẻ kém nhưng vẫn đòi lao vào những chỗ khó khăn nhất để giúp chống dịch, khi mà bộ máy y tế cơ sở đã quá tải.
Nhưng không phải vậy. Hàng loạt các bê bối do lợi dụng chính sách để tham nhũng đã dần dần lộ ra, trong nhiều ngành, nhiều địa phương qua vụ mua test kit Việt Á .
Cứ vài ngày nay lại lòi ra thêm một tỉnh nào đó "dính đòn" của doanh nghiệp Việt Á. Rất nhiều người nói tỉnh queo mình sạch sẽ, thề thốt này nọ nhưng rồi khi bị bắt thì mới vỡ lẽ, hóa ra chỉ là cái kim vẫn được bọc trong giẻ chưa bị lòi ra!
Theo tôi, đây có thể được xem là điển hình cho sự tham nhũng quyền lực. Nó được tổ chức lớp lang, có kẻ tung người hứng và họ đã diễn trò qua mắt nhiều cơ quan chức năng cực kỳ bài bản và tinh vi...
Bộ kit xét nghiệm Covid -19 của Việt Á không được WHO công nhận, nhưng Bộ KHCN vào tháng 4/2020 lại dám công bố ngược lại. Đó là chuyện tày đình cần làm sáng tỏ.
Tôi vẫn không tài nào hiểu nổi một đề tài quan trọng đến như vậy, Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) xin được ngân sách nhà nước đến 19 tỷ đồng để nghiên cứu khẩn cấp, dù hết sức cần thiết nhưng lạ là sao họ có thể lách qua biết bao cơ quan chuyên môn để chi tiêu tiền như vậy chỉ trong vòng ít ngày cho cái gọi là "nghiên cứu"? Nó thiếu sự thẩm định khoa học đến khó hiểu với lý do được đưa ra: Đang khẩn cấp, có thể cho phép bỏ qua một vài quy định.
Nên nhớ, thời điểm đó, việc Bộ Y tế chia cho các tỉnh thành bộ sinh phẩm phục vụ xét nghiệm với số lượng cực khiêm tốn. Nó hiếm hoi đến độ những địa phương có cả vài triệu dân mà cũng chỉ có thể chi viện về tỉnh, thành mình một vài nghìn bộ.
Thế rồi không đầy 2 tuần "nghiên cứu", Học viện Quân y đã có "tác phẩm vĩ đại" ra đời thông qua doanh nghiệp tư nhân Việt Á tuồn từ nước ngoài vào rồi trí trá gắn mác "sản xuất tại Việt Nam".
Điều kỳ quặc là ở chỗ họ tung hứng nhau quá lộ liễu, từ Bộ Khoa học Công nghệ cấp tiền nghiên cứu, tự "dán mác" giúp họ rằng sản phẩm đã được WHO công nhận. Bộ Y tế thì với nhiều cục, vụ chức năng cũng về một phe với họ, thẩm định thì bỏ bớt một số công đoạn với lý do "khẩn cấp". Rồi họ bắt tay với doanh nghiệp tư nhân để đẩy giá trên trời nhờ thẩm định giá của cơ quan chuyên môn. Cuối cùng thì giá đã được Bộ Y tế duyệt và chấp thuận. Thông báo giá nhờ thế được gửi xuống từng địa phương thì thử hỏi còn gì an toàn hơn!
Tôi không tin Việt Á thích tăng giá cao đến như vậy vì theo lẽ thông thường, nếu là sản phẩm đang muốn chiếm lĩnh thị trường, tiêu thụ nhanh và cạnh tranh thì giá thường phải hạ xuống để còn cạnh tranh. Đằng này thì ngược lại, giá trên trời.
Việc Việt Á được cơ quan chuyên môn thẩm định giá đã cho thấy rằng, nó không khác nào các địa phương đã được trao thanh bảo kiếm. Các địa phương chỉ cần mua đúng giá nói trên thì đã an toàn cho mình và Việt Á sẽ lại quả hậu hĩ cho các địa phương, các bộ, ngành có liên quan.
Lúc đang còn có thể độc quyền, họ sẵn sàng thao túng sản phẩm. Dư luận nghi ngờ, thậm chí đó có thể là sự gợi ý của các cơ quan có quyền can thiệp, thẩm định và định giá. Con số chi lại quả đến 800 tỷ đồng mà Giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt mang đi hối lộ những nơi cần hối lộ là một con số khủng khi mà họ mới bán được có 4.000 tỷ đồng giá trị tổng sản phẩm.
Tôi không nghĩ, trong việc này không lẽ chỉ đổ lên đầu một mình Giám đốc Phan Quốc Việt là xong. Phải lần từng mắt xích của cả dây chuyền trong chuỗi các cơ quan nhà nước xem ai mới là người có quyền lực nhất . Phải chăng họ đã kết hợp với doanh nghiệp tư nhân lợi dụng chính sách để tham nhũng lúc dịch giã đe doạ nói trên?
Không nghiên cứu mà có công trình khoa học thành công trong chốc lát và chia nhau tiền nghiên cứu đề tài thì thật đáng sợ. Tôi tin rằng, nếu sự vụ không lộ ra thì có phải liệu chỉ có một mình doanh nghiệp Việt Á được nhận Huân chương Lao động Hạng Ba như vừa rồi?
Nó hài hước đến chua xót là chỗ đó!
Vết nhơ tày liếp của một nhóm người tham lam, lợi dụng chính sách giải cứu công dân
Gần 200.000 công dân Việt Nam từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ đã được đưa về nước an toàn trên hơn 800 chuyến bay giải cứu – con số của Bộ Ngoại giao đến đầu tháng 12/2021 cho biết. Đây là một chủ trương rất nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta trong đại dịch.
Tuy nhiên thời gian trước khi vụ án được khởi tố đã có nhiều ý kiến thắc mắc về giá vé các chuyến bay nhân đạo đưa công dân về nước, chúng quá cao so với bình thường.
Khi Cơ quan Công an ra lệnh bắt tạm giam một loạt quan chức Bộ Ngoại giao có dính dáng đến phi vụ này, từ Cục trưởng Cục Lãnh sự, một loạt thuộc cấp tại Cục Lãnh sự, gần đây lại bắt tiếp đến cả một Thứ trưởng của Bộ Ngoại giao - đây quả là một vụ kinh thiên động địa trong ngành Ngoại giao nước nhà vốn lâu nay thấy rất ngay ngắn, nghiêm túc.
Tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao ngày 20/1, báo chí cũng đặt câu hỏi việc công dân về nước theo các chuyến bay giải cứu phải trả số tiền rất lớn, thủ tục thì rất nhiêu khê, gây khó khăn đủ bề. Dư luận xã hội khá bức xúc và nghi vấn hẳn phải có kẻ trục lợi từ các chuyến bay giải cứu.
Tôi đồng ý với lý giải rằng các hãng bay chỉ có khách một chiều nên tổ chức một chuyến bay là khá tốn kém. Tôi cũng tin rằng đã có sự kiểm soát giá cả của Cục Hàng không Việt Nam nên các hãng bay khó có thể tự nâng giá như chúng ta nghĩ.
Như vậy, để kiếm được tiền ăn chia, phải chăng đó chính là sự liên kết móc nối của các công ty du lịch (sân sau của ai đó) với một số quan chức được giao nhiệm vụ tổ chức "giải cứu công dân"? Liệu còn ai nữa bị dính dáng trong vụ này?
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao hôm họp báo đó cũng đã khẳng định: Chủ trương đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu và hoàn cảnh khó khăn về nước là chủ trương đúng đắn và nhân đạo của Đảng và Chính phủ Việt Nam. Điều này cần đặt trong bối cảnh trong nước có những thời điểm hết sức khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Tiếc rằng, một số quan chức được giao nhiệm vụ hệ trọng và đầy ý nghĩa nhân đạo này lại bị mờ mắt và bị chi phối bởi đồng tiền nên tranh thủ gây khó trong tiếp nhận hồ sơ xin về nước.
Họ đã dùng quyền lực được giao để tham nhũng nhờ chính sách vốn rất tốt đẹp mà bất chấp cả dư luận xã hội. Họ gây tổn hại đến uy tín của chế độ ta từng hơn một lần được các nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước phát đi thông điệp "Đảng, Nhà nước Việt Nam sẽ không để một ai ở lại phía sau...".
"Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng: Những hành vi trục lợi tiêu cực, thay đổi tính chất nhân đạo của các chuyến bay giải cứu cần bị lên án, trừng trị nghiêm khắc theo quy định của pháp luật" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao từng khẳng định.
Kết luận số 12 của Bộ Chính trị vừa ban hành mới đây có những nét đáng lưu ý trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng. Theo đó, tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp chưa được ngăn chặn kịp thời. Vẫn còn xảy ra những vụ, việc tham nhũng nghiêm trọng, có tổ chức, rất tinh vi, phức tạp gây bức xúc trong dư luận.
Do vậy, Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, kiên quyết, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân.
Cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện tốt quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, trọng liêm sỉ, danh dự.
Cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt, đi đầu, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đảng viên phải gương mẫu hơn quần chúng, cán bộ phải gương mẫu hơn nhân viên, cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu.
Bộ Chính trị yêu cầu khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực; cơ chế kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Chúng ta tin rằng những vụ việc điển hình và nghiêm trọng nêu trên sẽ sớm được đưa ra xét xử nghiêm khắc để mang tính răn đe cho những kẻ có tư tưởng sống gấp, suy thoái phẩm chất, đạo đức trong đội ngũ công bộc của dân hiện nay.
Họ tranh thủ lúc khó khăn bởi đại dịch do biết có những kẽ hở mà nghĩ chuyện đục khoét trắng trợn ngân sách nhà nước. Phải làm sao để những người có tư tưởng nảy sinh tham nhũng biết sợ, không dám tham nhũng và không thể tham nhũng nổi.
Muốn như vậy, luật pháp phải thật nghiêm khắc và chế tài kèm theo phải đủ mạnh, phải thật kín kẽ để không một ai dám nghĩ và dám làm những điều xấu xa, tiêu cực, hư hỏng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.