Tìm về thôn Đoài Khê, xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình), hỏi thăm nhà anh Đinh Văn Hợp trồng dưa lưới công nghệ cao, hầu như ai cũng biết, và thán phục.
Clip: Mô hình trồng dưa trong nhà màng của hộ anh Đinh Văn Hợp (xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp)
Đang chọn những trái dưa chín để kịp giao cho khách, anh Hợp vội vàng lau đôi tay vào bộ quần áo lao động, gạt bớt những giọt mồ hôi trên trán khi có khách đến thăm.
Anh Đinh Văn Hợp tâm sự, cái nhà màng này là chính tôi thiết kế và tự làm đấy, chi phí nếu làm cái nhà màng rộng 1.000 m2 thì cũng phải tiêu tốn khoảng 450 triệu đồng. Nhưng tôi tự mua vật liệu, tự tay làm nên cũng giảm được khoảng 150 triệu đồng.
Dẫn phóng viên Dân Việt đi tham quan vườn dưa, anh Hợp chia sẻ: "Dưa lưới là một trong những loại cây có thời gian sinh trưởng nhanh và cho năng suất cao, thời gian thu hoạch thường từ 80- 90 ngày.
Hiện tại, vườn dưa tôi đang trồng có khoảng 2.200 gốc, tuân thủ hoàn toàn theo quy trình chăm sóc hữu cơ, có hệ thống điều khiển tưới nhỏ giọt tự động".
Cũng theo anh Hợp, kỹ thuật chăm sóc dưa lưới trong nhà màng ban đầu tưởng khó, nhưng khi đi tham quan nhiều mô hình ở các tỉnh, rồi lên mạng đọc, tìm hiểu về áp dụng cũng thấy bình thường.
Tôi thấy thế này, đối với lượng nước tưới cho cây dưa cần đảm bảo hệ thống thoát nước tốt để không ảnh hưởng tới quá trình hấp thụ phân bón của cây và tránh ngập úng.
Khi bón phân thích hợp, thời kỳ cây bắt đầu ra hoa không sử dụng phân bón lá. Trước khi trồng cây dưa cần phải làm sạch nhà màng để tránh côn trùng gây bệnh. Ngoài ra, không nên dùng tay ngắt tỉa cành ngọt để tránh lây lan mầm bệnh từ cây này sang cây khác.
Đồng thời, nhà màng cần có hai lớp cửa để hạn chế côn trùng bay vào (côn trùng là trung gian truyền bệnh cho cây, quả). Nhà màng cần có tầng nhựa trắng bên trên để chống nắng, mưa giúp cây phát triển tốt.
Các bệnh cây dưa hay mắc phải như: Bệnh sương mai, bệnh héo rũ ở dưa lưới trong nhà màng, bệnh xoăn lá ở dưa lưới…Qua đó, đòi hỏi người trồng dưa cần quan sát để có phương xử lý kịp thời tránh ảnh hưởng năng suất vụ dưa.
Qua tìm hiểu, Yên Sơn (thành phố Tam Điệp) là xã miền núi, cây cối khó canh tác, đất đai khô cằn, sỏi đá, khi thì hạn hán thiếu nước, lúc thì mưa ngập mất mùa…Chính vì thế, những thanh niên bằng tuổi như anh Hợp ở quê đều chọn công việc tại thành phố, hay tìm việc khác chứ không làm nông nghiệp.
Nhưng với quyết tâm thay đổi số phận, thay đổi tập tục canh tác, anh Hợp chọn trồng dưa lưới công nghệ cao trong nhà màng bởi không phụ thuộc nhiều vào thời tiết, cũng chất đất hiện tại mà gia đình sẵn có.
Theo anh Hợp, trồng dưa lưới trong nhà màng tuy đầu tư ban đầu cao, song thu được sản phẩm sạch, an toàn, ngăn ngừa được sâu bệnh hại…Dưa được trồng theo hướng hữu cơ trong nhà màng nên cũng có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt hơn.
Với vụ dưa hiện tại, cây dưa sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, chất lượng quả thơm ngon hơn. Năng suất bình quân đạt 3,5-4 tấn/vụ, với giá bán lẻ là 45.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí cho thu lãi khoảng 150 triệu đồng/vụ.
Ngoài ra, 1 năm có thể trồng hai vụ dưa từ tháng 2 đến tháng 9, sau đó từ tháng 9 bắt đầu trồng dưa chuột Nhật để kịp bán vào Tết, năng suất cao.
Anh Đinh Văn Hợp nói: "Giờ người tiêu dùng ngày càng ưu tiên những sản phẩm sạch, vì vậy việc tiêu thụ đối với các sản phẩm dưa lưới hữu cơ là điều không khó. Hàng ngày dưa chín đến đâu là thương lái thu mua đến đó".
Không chỉ tạo thu nhập cao cho gia đình, hiện mô hình của anh Hợp còn tạo công ăn việc làm ổn định cho 3 lao động với mức lương từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.