Trồng cỏ Vetiver, nông dân 9X Ninh Bình thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng
Lạ đời, nông dân 9X Ninh Bình trồng cỏ tốt như cây lau thu nhập hàng chục triệu/tháng
Vũ Thượng
Thứ tư, ngày 20/07/2022 06:00 AM (GMT+7)
Tận dụng vùng đất gia đình sẵn có, anh Đỗ Văn Thao (sinh năm 1991, xóm 7, xã Khánh Hồng, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) đã thử nghiệm trồng cỏ Vetiver. Nhờ trồng cỏ Vetiver lấy rễ làm hương nhang đang giúp gia đình anh Thao thu nhập từ 20-30 triệu đồng/tháng.
Cỏ Vetiver là cái tên xa lạ với người dân xã Khánh Hồng, huyện Yên Khánh và cả tỉnh Ninh Bình, bởi trên địa bàn chưa có ai trồng loại cỏ này và cũng chẳng ai tin rằng, cỏ lại mang về giá trị kinh tế cao.
Clip: Anh Đỗ Văn Thao (sinh năm 1991, xóm 7, xã Khánh Hồng, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) chia sẻ về mô hình trồng cỏ Vetiver lấy nguyên liệu làm hương, bán giống cỏ này để trồng ở các khu vực, công trình chống sạt lở...
Anh Đỗ Văn Thao chia sẻ với Báo điện tử DANVIET.VN, cơ duyên biết đến loại cỏ Vetiver bắt đầu vào cuối năm 2017, khi đó anh tham dự một hội thảo về chống biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Cũng tại đây, anh Thao được mọi người giới thiệu tới cây cỏ Vetiver có vai trò quan trọng với môi trường, giúp chống xói mòn đất, chống sạt lở, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ cơ sở hạ tầng…
Liên tưởng đến diện tích sẵn có ở quê xã Khánh Hồng (huyện Yên Khánh) mà gia đình đang có, anh Thao đã về quê xây dựng mô hình trồng cây cỏ Vetiver để hướng tới làm hương nhang.
Anh Đỗ Văn Thao bộc bạch: "Ban đầu tôi chỉ trồng 3 sào cây cỏ Vetiver thử nghiệm, có những lần cứ trồng cỏ là chết, rồi ảnh hưởng bởi dịch bệnh khiến sản phẩm làm ra không xuất đi được".
"Trong lúc khó khăn được bố mẹ, vợ con động viên nên tôi cố gắng và giờ cũng ổn định rồi. Diện tích trồng cỏ Vetiver gần 2,5 ha, trong đó 1,5 ha đã khoán cho người dân trong xã", anh Thao nói.
Anh Thao cũng khẳng định, trồng cây cỏ Vetiver từ lúc trồng đến lúc thu hoạch rễ khoảng 1 năm, còn bán giống thì chỉ 7 tháng. Đối với kỹ thuật trồng cây cỏ Vetiver cũng giống như cây lúa, nhưng năng suất trồng cỏ Vetiver cao gấp 2-3 lần trồng lúa.
Cũng theo anh Thao tính toán, nếu trồng 1 sào cỏ Vetiver lấy rễ được khoảng 80 kg khô thì bán giá 200.000 đồng/kg. Ngoài ra, trồng cỏ Vetiver còn lấy thân cây bán làm giống cũng có tiền.
Cỏ Vetiver có mùi hương của hoàng tộc
Từ việc trồng cỏ Vetiver, anh Thao đã cho ra thị trường những nén hương đầu tiên với tên gọi "hương hồng hạc", mùi hương từ cây cỏ Vetiver rất dễ chịu và được coi là mùi hương của hoàng tộc.
Để sản phẩm hương hồng hạc phát triển, anh Thao tập trung đầu tư thiết kế bao bì hương hồng hạc bắt mắt, mang dấu ấn thương hiệu,…Trong đó, bao bì được lấy ý tưởng từ con hạc ngậm sen trong tranh chùa Hương Tích của dòng tranh dân gian Đông Hồ.
Sau 4 năm thử nghiệm, tìm kiếm thị trường…sản phẩm hương hồng hạc của gia đình anh Thao đã có thương hiệu, sản phẩm hương làm từ rễ cây cỏ Vetiver phân bố rộng khắp cả nước.
Bên cạnh đó, giống cỏ Vetiver đang được chàng trai 9X trồng để cung cấp giống cho các công trình chống sạt lở, giúp bảo vệ hồ đập, kênh mương, đường bộ, bờ sông, bờ hồ thủy điện không bị bồi lấp,...
Hương hồng hạc an toàn cho người sử dụng
Qua tìm hiểu, sản phẩm hương hồng hạc mà chàng trai 9X ở Ninh Bình hướng tới, sản phẩm sạch, không chứa hóa chất độc hại, an toàn cho người sử dụng…
"Tôi đã thực hiện được phần nào mong muốn cung cấp dòng hương an toàn tới người tiêu dùng và ít nhiều thay đổi nhận thức của một bộ phận khách hàng, để họ đón nhận và ủng hộ sản phẩm an toàn cho sức khỏe", anh Thao nhấn mạnh.
Mỗi năm gia đình anh Thao cung cấp ra thị trường hơn 1,5 triệu cây cỏ Vetiver giống và 20 nghìn hộp hương, tạo công việc cho 5-7 lao động là người địa phương với mức thu nhập từ 150.000-300.000 đồng/người/ngày. Trừ chi phí gia đình anh Thao cũng bỏ túi gần 30.000.000 đồng/tháng.
Chàng trai 9X dự định sẽ phát triển thêm mô hình từ cây cỏ Vetiver, dùng lá cỏ làm nguyên liệu sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ. Ngoài ra, mở rộng thị trường với sản phẩm hương nhang ra nước ngoài, có thể xuất khẩu sang Nhật Bản.
Cỏ Vetiver đã xuất hiện tại Việt Nam từ năm 1999 nhưng chưa được nhân rộng và ứng dụng phổ biến. Bên cạnh giá trị với môi trường, tinh dầu của loài cỏ này còn là chất định hương cao cấp của nước hoa, sử dụng nhiều trong các thương hiệu nước hoa xa xỉ, nổi tiếng thế giới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.