Thừa uỷ quyền của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký ban hành Quyết định 876/QĐ-TTg 2022 Chương trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải.
Trong đó mục tiêu của Chính phủ đặt ra là tiến tới điện hoá lĩnh vực giao thông vận tải bao gồm tất cả đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, hàng hải và đường không.
Với đường bộ, giai đoạn 2022-2030, Việt Nam ưu tiên thúc đẩy, sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện, phát triển hạ tầng sạc điện, khuyến khích các bến xe, trạm dừng chuyển đổi theo tiêu chí xanh.
Giai đoạn 2031-2050, năm 2040, Việt Nam sẽ từng bước hạn chế, tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô, mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hoá thạch để sử dụng trong nước.
Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ như ô tô, xe máy tham gia giao thông phải chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
Các loại hình đường sắt, đường thuỷ nội địa, hàng hải, hàng không cũng đều đến hạn năm 2050 phải chuyển đổi các phương tiện sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Riêng đối với hàng không, năm 2050 phải chuyển đổi sử dụng 100% năng lượng xanh, nhiên liệu hàng không bền vững cho tàu bay để giảm tối đa lượng phát thải nhà kính. Tuỳ thuộc vào điều kiện công nghệ, lượng phát thải còn lại được thực hiện bằng cách bù đắp cacbon để đạt phát thải ròng bằng "0".
Về vận tải công công, Chính phủ đặt tham vọng điện hoá sớm hơn, trong đó năm 2025, 100% xe bus thay thế, đầu mới mới sử dụng điện, năng lượng xanh.
Năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%, 100% taxi thay thế, đầu tư mới phải sử dụng điện, năng lượng xanh. Năm 2050, 100% xe bus, taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.
Mục tiêu của việc điện hoá, xanh hoá nhiên liệu cho xe hơi tại Việt Nam cũng phù hợp với các cam kết của Chính phủ Việt Nam về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Chính phủ cam kết với cộng đồng quốc tế. Cụ thể, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP26), lần đầu tiên Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng "0" (gọi tắt là Net Zero) vào năm 2050.
Hiện, xe điện, xe sử dụng khí hydro đã và đang hình thành và trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Các nước châu Âu có lộ trình sớm hơn, năm 2035, các loại xe động cơ đốt trong sẽ bị cấm lưu hành tại các nước EU, nhiều nước như Bỉ, Đan Mạch, Ireland, Đức có kế hoạch thực hiện lộ trình này sớm hơn vào năm. Các đại cường sản xuất xe hơi khác như Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ cũng có kế hoạch cấm xe động cơ đốt trong từ năm 2035 trở đi.
Hiện, hầu hết các hãng xe lớn trên thế giới đã hiện thực hoá tham vọng chuyển đổi sang sản xuất xe điện, xe xanh thay vì xe động cơ đốt trong. Đức, Pháp, Mỹ, Trung Quốc và Nhật là nơi xe điện đã được nghiên cứu, ứng dụng nhiều nhất. Các hãng xe lớn như BMW, Audi, Mercedes, Toyota, Honda, Ford… đều đã đưa xe điện vào sản xuất. Trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan là nước đặt ra tham vọng đoạn tuyệt với xe động cơ đốt trong từ rất sớm vào năm 2035.
Tại Việt Nam, VinFast đã chuyển đổi sang sản xuất xe điện từ năm 2021 và chuyển đổi sang 100% xe điện năm 2022 trở đi. Đây là hãng xe đầu tiên của Việt Nam sản xuất, lắp ráp và đưa xe điện vào quy mô công nghiệp.
Thách thức lớn nhất của Việt Nam trong việc điện hoá phương tiện vận tải nói chung và ô tô điện nói riêng là nguồn lực lắp đặt trạm sạc và nguyên nhiên liệu pin, chip, chất bán dẫn… Đây là những nguyên nhiên liệu mà Việt Nam phụ thuộc vào nhập khẩu phần lớn. Hiện các hãng xe lắp ráp trong nước như Honda, Toyota, Trường Hải và Thành Công vẫn chưa có kế hoạch cụ thể để chuyển đổi sang xe điện.