Tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu gần nhất, giá xăng dầu đã giảm mạnh kể từ 15 giờ hôm 21/7.
Theo đó, cơ quan quản lý yêu cầu doanh nghiệp đầu mối giảm giá bán xăng dầu. Cụ thể như sau: Giá bán lẻ xăng E5 RON 92 giảm 2.710 đồng, giá bán ra từ 15 giờ ngày 21/7 về mức 25.070 đồng/lít. Xăng RON 95 là 26.070 đồng, giảm 3.600 đồng.
Giá các mặt hàng dầu cũng đồng loạt giảm: Dầu diesel giảm 1.740 đồng, còn 24.850 đồng/lít. Dầu hoả giảm 1.100 đồng/lít, còn 25.240 đồng/lít. Dầu mazút giảm 2.380 đồng, giá còn 16.540 đồng/kg.
Với việc giá xăng dầu giảm, các doanh nghiệp vận tải đã đồng loạt lên tiếng về việc sẽ điều chỉnh giá cước. Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết: "Giá xăng dầu bắt đầu hạ nhiệt là tin vui đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải nói chung và taxi của chúng tôi trong giai đoạn này và giai đoạn sắp tới".
Nói về những khó khăn của doanh nghiệp vận tải, ông Hùng khẳng định: "Chưa bao giờ ngành vận tải lại khó khăn như vậy, trong 2 năm dịch Covid-19 bùng phát chúng ta đã đủ hiểu được khó khăn. Đặc biệt là vận tải hành khách tuyến cố định, tiếp đó là vận tải taxi,... đều phải dừng hoạt động hết".
"Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu liên tục ở mức "đỉnh cao" khiến doanh nghiệp "khó khăn chồng khó khăn". Hiện, giá xăng dầu đã bắt đầu giảm nhiệt đã giúp các doanh nghiệp vận tải có thể giải thoát được một số khó khăn", ông Hùng nêu.
Theo ông Hùng, giá xăng dầu chiếm tỷ lệ rất lớn trong giá thành vận chuyển, hoạt động vận tải giao động từ 30 - 40% tuỳ vào từng loại xe. Với việc giá xăng dầu giảm, các doanh nghiệp vận tải cũng sẽ tính toán giảm giá cước vận chuyển cho phù hợp và tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo đời sống của anh em tài xế.
"Dù giá xăng dầu giảm, nhưng doanh nghiệp vẫn mong muốn cơ quan quản lý có giải pháp căn cơ dài hạn trong 5 năm năm tới để có giải pháp giúp doanh nghiệp có hướng đi chính xác", ông Hùng kiến nghị.
Cũng theo đại diện một số doanh nghiệp vận tải cho biết: "Giá xăng dầu tăng giảm 10%, doanh nghiệp vận tải sẽ tự động điều chỉnh giá theo tỉ lệ 3,5%. Khi giá xăng dầu giảm mạnh, giá cước của các doanh nghiệp cũng đang bắt đầu giảm.
Nhiều chủ doanh nghiệp cho biết, sức lan tỏa của việc giảm giá xăng dầu sẽ thể hiện rõ hơn khi giá cả hàng hóa đồng loạt hạ nhiệt sau một thời gian căng thẳng. Đây là tín hiệu đáng mừng trong giai đoạn hiện nay.
Mặc dù, các doanh nghiệp vận tải truyền thông đều đang điều chỉnh xu hướng giảm giá cước vận tải theo giá xăng dầu giảm, tuy nhiên, các app gọi xe như Grab, Be, Gojek vẫn chưa có động thái giảm giá cước sau những lần tăng giá gần nhất vào tháng 5.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Hoàn (chủ doanh nghiệp vận tải Khải Hoàn) cho biết: "Nhiều doanh nghiệp vận tải khác lý giải đã phải bù lỗ quá nhiều ngày khi giá xăng dầu liên tục leo thang từ đầu năm đến nay, do vậy việc giảm giá dịch vụ phải tính toán theo lộ trình và chắc chắn sẽ giảm giá cước".
Bên cạnh đó, chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu rút ngắn còn 10 ngày/lần. Giá xăng có thể giảm xuống 25.000 đồng/lít nhưng khó giữ vững ở mức giá này nên doanh nghiệp vận tải vẫn cần phải theo dõi thêm.
Doanh nghiệp đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu cho kỳ điều chỉnh sắp tới để đưa ra tính toán giảm giá cước vận tải, tạo ra sự ổn định", ông Hoàn nói.
Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan quản lý trong việc điều hành giá xăng dầu thời gian qua, trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, cùng với đà giảm của giá xăng dầu thế giới, việc giá dầu giảm sẽ hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp công nghiệp và với giá xăng giảm về mức trên/dưới 25.000 đồng/lít là cơ hội để nhiều loại hàng hóa, dịch vụ giảm theo, nhất là các mặt hàng thực phẩm đã neo theo giá xăng dầu cao trong một khoảng thời gian dài.
"Tôi rất hoan nghênh quyết định về giảm giá xăng dầu kỳ này. Với mức giảm giá như thế này thì tôi tin chắc rằng giá cả các mặt hàng và dịch vụ sẽ phải giảm", ông bày tỏ.