Giá thép giao kỳ hạn tháng 12/2022 trên sàn giao dịch Thượng Hải cuối tuần (ngày 22/7) giảm 36 nhân dân tệ, xuống mức 3.764 nhân dân tệ/tấn.
Giá quặng sắt kỳ hạn tại Đại Liên và Singapore ngày 22/7/2022đồng loạt đi xuống.
Nguyên nhân là do các nhà đầu tư chuyển hướng tập trung trở lại với triển vọng nhu cầu ảm đạm của Trung Quốc, sau một đợt tăng trong thời gian ngắn từ tuyên bố mới nhất của chính phủ về kích thích kinh tế.
Trên sàn hàng hóa Đại Liên, giá quặng sắt của Trung Quốc giảm 0,3% xuống 657 nhân dân tệ (tương đương 97,15 USD)/tấn, sau khi chạm mức 646,50 nhân dân tệ/tấn.
Trên Sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt giao tháng 8 của nguyên liệu sản xuất thép giảm 0,6% xuống mức 98,85 USD/tấn.
Thị trường tiếp tục lo ngại về việc Trung Quốc phong tỏa chống Covid-19 và tác động của động thái đó đối với nhu cầu sản phẩm thép và nguyên liệu thô mặc dù chính phủ nước này đã nhiều lần cam kết hỗ trợ về mặt chính sách cho nền kinh tế đang gặp khó khăn.
Siêu đô thị phía Nam Thâm Quyến cam kết sẽ hạn chế sự bùng phát đang từ từ lan rộng, khi các nhà chức trách tuân thủ chính sách "Zero Covid" một cách nghiêm ngặt.
Rủi ro từ việc đóng cửa đã khiến Ngân hàng Phát triển Châu Á hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm nay 1 điểm phần trăm xuống 4,0%.
Các nhà phân tích cho biết, trong bối cảnh nhu cầu tiếp tục suy yếu, thị trường quặng sắt của Trung Quốc có thể sẽ bị dư thừa trong nửa cuối năm nay.
Dữ liệu tư vấn của SteelHome cho thấy, tồn kho quặng sắt bên bờ cảng ở Trung Quốc tăng đều đặn trong 3 tuần qua, đạt mức cao nhất trong 7 tuần là 130,6 triệu tấn.
Các nhà máy thép đã giảm sản lượng trong những tuần gần đây, đưa các cơ sở của họ đi bảo trì sớm hơn bình thường do biên lợi nhuận giảm.
Trên sàn Đại Liên giá than luyện cốc giảm 4,7% và giá than cốc giảm 2,2%.
Các nhà sản xuất than cốc, dạng than đã qua chế biến của luyện cốc hoặc luyện kim được sử dụng trong luyện quặng sắt, cũng đã đồng ý hạn chế sản lượng để tránh thiệt hại lớn hơn.
Báo cáo của VCBS cũng cho rằng trong năm 2022, trước nhiều biến động của thế giới, ngành thép được kỳ vọng tiếp tục phát triển, song cũng sẽ đứng trước nhiều rủi ro và thách thức. Hiệp hội Thép Thế giới (World Steel) dự báo nhu cầu thép trong năm 2022 và 2023 sẽ lần lượt tăng 0,4% lên 1,84 tỷ tấn và 2,2% lên 1,88 tỷ tấn. Do chiến tranh Nga-Ukraine và lạm phát toàn cầu, triển vọng thị trường hiện tại là không chắc chắn.
VCBS cho rằng xét về các nền kinh tế đang phát triển, ngoại trừ Trung Quốc, nhu cầu thép năm 2021 tăng 10,7%. Tuy nhiên, nhu cầu vào năm 2022 dự kiến sẽ chỉ tăng 0,5% do môi trường bên ngoài ngày càng tồi tệ và chiến tranh Nga-Ukraine và sẽ tăng 4,5% vào năm 2023. Ở các nền kinh tế phát triển, lạm phát và chiến tranh Nga-Ukraine khiến nhu cầu chỉ tăng 1,1% và 2,4% vào các năm 2022 và 2023.
Về thị trường thép trong nước, giá thép hôm nay (23/7), giá thép trong nước giữ ổn định sau khi doanh nghiệp thép hạ giá sản phẩm với mức giảm lên đến 100.000-250.000 đồng/tấn hôm 22/7. Đợt điều chỉnh này là lần giảm thứ 10 liên tiếp của mặt hàng thép từ ngày 11/5.
Tại khu vực miền Bắc, Hòa Phát điều chỉnh giảm 300.000 đồng/tấn và 110.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá hai loại này còn 15,6 triệu đồng/tấn và 16,3 triệu đồng/tấn.
Còn tại miền Nam, Hòa Phát hạ 200.000 đồng/tấn với cả hai dòng thép, hiện thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 lần lượt ở mức 15,7 triệu đồng/tấn và 16,2 triệu đồng/tấn.
Tại miền Trung, giá thép cuộn CB240 giảm 100.000 đồng/tấn xuống còn 15,8 triệu đồng/tấn, còn giá thép D10 CB300 đi ngang ở mức 16,5 triệu đồng/tấn.
Tương tự như Hòa Phát, thép Việt Ý cũng giảm lần lượt 360.000 đồng/tấn và 200.000 đồng/tấn với CB240 và D10 CB300, xuống còn 15,5 triệu đồng/tấn và 16,1 triệu đồng/tấn.
Thép Việt Đức hạ giá hai loại thép 310.000 đồng/tấn với CB 240 xuống còn 15,5 triệu đồng/tấn và giảm 200.000 đồng/tấn với thép D10 CB300 còn 16,1 triệu đồng/tấn.
Ngoài ra, thương hiệu thép miền Nam giảm 300.000 đồng/tấn và 210.000 đồng/tấn với thép CB240 và D10 CB300, xuống còn lần lượt 15,9 triệu đồng/tấn và 16,5 triệu đồng/tấn.
Hiệp hội Thép Việt Nam lý giải giá thép xây dựng có 10 đợt giảm liên tiếp với tổng mức 3,6 triệu đồng/tấn do nhu cầu thép giảm trong quý II.
Ngoài ra, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thép đi xuống cũng là một yếu tố khiến giá mặt hàng này liên tục điều chỉnh giảm trong hai tháng qua.
Tuy nhiên, trái ngược với sắt thép, giá một số vật liệu xây dựng khác vẫn đang trên đà tăng mạnh. Điển hình là xi măng đã có 3 lần tăng giá kể từ đầu năm 2022 sau khi giá than đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái do nguồn cung thắt chặt. Giá cát bê tông cũng tăng lên hơn 20% so với hồi đầu tháng 6/2021. Các vật liệu xây dựng khác như gạch, đá cũng biến động tăng nhẹ so với năm trước.
Giá thép tại miền Bắc
Theo SteelOnline.vn, thương hiệu thép Hòa Phát hôm nay, hiện dòng thép cuộn CB240 ở mức 15.690 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 16.390 đồng/kg.
Với thương hiệu thép Việt Ý, 2 sản phẩm của hãng gồm thép cuộn CB240 bình ổn giá bán ở mức 15.550 đồng/kg; dòng thép thanh vằn D10 CB300 có giá 16.160 đồng/kg.
Thương hiệu thép Việt Đức với 2 sản phẩm của hãng gồm dòng thép cuộn CB240 ở mức 15.550 đồng/kg; còn thép thanh vằn D10 CB300 có giá 16.160 đồng/kg.
Thép VAS (Việt Mỹ) không có biến động, hiện 2 sản phẩm của hãng gồm dòng thép cuộn CB240 ở mức 15.300 đồng/kg; dòng thép thanh vằn D10 CB300 có giá 15.760 đồng/kg.
Thép Việt Nhật, hiện dòng thép cuộn CB240 ở mức 15.910 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 16.260 đồng/kg.
Thép Việt Sing, với thép cuộn CB240 tạm thời ở mức 15.580 đồng/kg; dòng thép thanh vằn D10 CB300 có giá 16.040 đồng/kg.
Giá thép tại miền Trung
Thép Hòa Phát, dòng thép cuộn CB240 ở mức 15.890 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 16.500 đồng/kg.
Thép Việt Đức, dòng thép cuộn CB240 có giá 15.600 đồng/kg và thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 16.310 đồng/kg.
Thép VAS với 2 sản phẩm của hãng gồm dòng thép cuộn CB240 ở mức 15.550 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 15.910 đồng/kg.
Thép Pomina, với dòng thép cuộn CB240 ở mức 16.800 đồng/kg; còn thép thanh vằn D10 CB300 có giá bán 17.100 đồng/kg.
Giá thép tại miền Nam
Thép Hòa Phát, với dòng thép cuộn CB240 hiện ở mức 15.790 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 16.290 đồng/kg.
Thép Pomina, với dòng thép cuộn CB240 duy trì mức 16.290 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 16.700 đồng/kg.
Thép VAS, với dòng thép cuộn CB240 15.400 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 15.660 đồng/kg.
Thép Tung Ho với dòng thép cuộn CB240 có mức giá 15.530 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 hiện có giá 15.880 đồng/kg.
Từ nay đến cuối năm, ngành thép được dự báo còn gặp nhiều thách thức.
Thứ nhất là biến động giá nguyên vật liệu liệu. Ngành thép và tôn mạ có rủi ro lớn do chi phí nguyên liệu chiếm 65-75% giá thành sản xuất. Đặc biệt trong ngành tôn mạ, giá HRC chiếm hơn 80% chi phí nguyên liệu đầu vào, khiến lợi nhuận của cả ngành biến động rất lớn theo HRC.
Thứ hai, rủi ro về lạm phát khiến nhu cầu xây dựng giảm. Từ quý III/2021, việc giá than tăng cao đã trực tiếp gây áp lực tăng giá lên toàn bộ ngành vật liệu xây dựng và nhiên liệu. Theo báo cáo của Mirae Asset Việt Nam (MASVN), trường hợp các loại vật liệu xây dựng không điều chỉnh, trong 6 tháng cuối 2022, diện tích sàn xây dựng có thể suy giảm từ 3-5% so với cùng kỳ.
Thứ ba là rủi ro về các nhà sản xuất Trung Quốc tăng cường xuất khẩu. Trong 4 tháng đầu năm, các nhà sản xuất Trung Quốc do ảnh hưởng của lệnh hạn chế khí CO2 và giãn cách xã hội nên chỉ xuất khẩu 18,2 triệu tấn, giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong trường hợp 6 tháng cuối năm, các nhà sản xuất ở Trung Quốc hoạt động lại bình thường, thị trường thép có thể đối diện với nhiều khó khăn hơn khi các sản phẩm từ Trung Quốc thường có giá cạnh tranh.
Thứ tư là rủi ro về chính sách. Nghị định 101 thông qua chủ trương tăng thuế xuất khẩu mặt hàng phôi thép nếu trong trường hợp giá thép tăng quá cao nhằm góp phần ổn định nguồn cung phôi thép, hạn chế việc xuất khẩu phôi thép để giữ lại cho sản xuất trong nước, bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành thép trong dài hạn.