Một bao cám thức ăn cho gà nếu "chồng" tiền ngay, ông Cao Văn Đà – chủ trại gà quy mô 15.000 m2 tại xã Vĩnh Bình, Xã Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam chỉ phải bỏ ra 320.000 đồng.
Nhưng, "ký sổ" giá trị bao cám lúc này lên tới 370.000 đồng, tức là tăng 50.000 đồng/bao. Như vậy, với 1.000 bao cám, số tiền ông Đà phải trả sẽ "vênh" tới 50 triệu đồng – một số tiền không hề nhỏ đối với những người chăn nuôi, đặc biệt là khi giá cả đầu vào đối với hoạt động chăn nuôi ngày càng "đắt đỏ" dưới áp lực của lạm phát.
Tương tự, 1 con giống mức giá "vênh" giữa 2 thời điểm thanh toán khoảng 3.000 đồng/con. Mỗi lứa gà 85.000 con, ông chủ trại này nếu "ký sổ", số tiền đội lên 255 triệu đồng. Vị chi, mỗi năm 3 lứa gà, giá thành "đội" lên 800 triệu đồng, "ăn mòn" vào lợi nhuận của người chăn nuôi như ông Đà.
Thực tế, nhờ có nguồn vốn lưu động với dư nợ 3 tỷ đồng vay tại Agribank trên địa bàn, ông Cao Văn Đà đã "bớt" được nỗi lo "đội" giá thức ăn, con giống.
"Nuôi con gà rủi ro dịch bệnh rất lớn, tiết giảm được một đồng cũng rất đáng quý. Cho nên, nếu giá cả vật tư nông nghiệp đội lên bà con chăn nuôi như chúng tôi rất thiệt thòi, càng đội nhiều càng thiệt lớn.
Trang trại nuôi gà của gia đình tôi được cái rất may mắn vì có sự đồng hành của Agribank hơn 10 năm qua. Hiện vốn vay từ Agribank, tôi dùng để chi trả cho con giống, thức ăn và nhân công. Giá gà hạ như thời điểm hiện nay, nếu trừ các loại chi phí bao gồm cả chi phí lãi vay, mỗi con gà xuất chuồng vẫn còn có lãi 8.000 đồng/kg, lợi nhuận thu được khoảng 800 triệu đồng/lứa (tương đương 2,4 tỷ đồng/năm). Còn khi được giá thì lãi nhiều lắm", ông Đà hồ hởi khoe.
Ông chủ trang trại gà nhớ lại, năm 2010 ông bắt tay xây dựng trại chăn nuôi gà. Thế nhưng, vốn tự có không đủ, ông phải "gõ cửa" ngân hàng.
Tại thời điểm đó, tổng vốn đầu tư 4 tỷ đồng, thì có tới 2,4 tỷ đồng là tiền vốn vay từ Agribank; đồng thời nhờ cơ chế hỗ trợ lãi suất từ 24%/năm xuống chỉ còn 12%/năm, trang trại gà của ông Đà đã vượt qua được "cơn bão" suy thoái kinh tế những năm 2010 và không ngừng phát triển trong suốt hơn 12 năm qua.
"Tất nhiên rồi, không có nguồn vốn của Agribank, không có ngân hàng đồng hành từ năm 2010 cho đến nay, đâu có trại gà lớn như bây giờ. Nhờ ngân hàng tiếp vốn, bà con như chúng tôi lợi đơn lợi kép", ông Đà nhấn mạnh và cho biết thêm, hiện ông đang tiếp tục đầu tư 28 tỷ đồng xây dựng thêm một cơ sở trang trại khác quy mô lên tới 30.000 m2 chuồng trại hiện đại theo quy trình công nghệ cao, kết hợp với hệ thống năng lượng mặt trời, vừa cung cấp phục vụ trang trại chăn nuôi, vừa bán điện lưới.
Đầu tư 3 tỷ đồng với 5.000 trụ tiêu tại địa bàn xã Tiên Sơn, Tiên Phước (Quảng Nam) từ năm 2018, thì có tới 2 tỷ đồng ông Hồ Văn Ký "mượn" Agribank trên địa bàn. Đến nay, vườn tiêu của ông Ký đã bắt đầu cho thu hoạch.
Tuy nhiên, làm nông nghiệp không thể tránh khỏi rủi ro, bấp bênh từ thiên tai, dịch bệnh cho tới giá cả, thị trường tiêu thụ,... nên nếu không có ngân hàng đồng hành, những người nông dân như ông Ký cũng không thể làm gì được.
"Năm vừa rồi dịch ngân hàng hỗ trợ lãi suất vay 10% cũng phấn khởi, giảm lãi suất lợi nhuận cao hơn một chút cho người nông dân. Chúng tôi được Agribank ưu ái cho vay lãi suất ưu đãi nên mới phát triển được nông nghiệp", ông Ký khẳng định.
Cũng theo chia sẻ của ông chủ vườn tiêu, tại địa phương trước đây có nhiều người mới đầu làm kinh tế nhưng không có vốn và phải đi "vay nóng" để đầu tư.
Tuy nhiên, lãi vay cao (bình quân tối thiểu khoảng gần 40%/năm), trong khi đó đầu tư lại chưa kịp thu hoạch, thành ra lãi mẹ đẻ lãi con, phải bán tài sản trả nợ, nhiều người bán cuối cùng "tay trắng".
"Giờ cán bộ của ngân hàng Agribank đến tận nơi tư vấn cho vay, nạn vay nóng cũng đã giảm đi rất nhiều", ông Ký cho hay.
Tương tự, trong 2 năm đại dịch Covid-19, công ty chế biến nông - lâm - thủy sản trên địa bàn Điện Bàn (Quảng Nam) của ông Võ Trọng Hậu cũng được Agribank hỗ trợ giảm 10% lãi suất của khoản dư nợ 20 tỷ đồng đang vay tại ngân hàng.
Nhờ đó, ông Hậu đã giữ chân được người lao động, duy trì hoạt động trong bối cảnh sản xuất gặp khó khăn, hàng hóa tồn đọng. Hiện tại, công suất hoạt động của doanh nghiệp đã phục hồi tới 85%- 90%.
"Trước đến nay chỉ giao dịch 1 ngân hàng trong khi có nhiều sự lựa chọn khác đó là vì tôi tin tưởng Agribank. Agribank hỗ trợ nhiệt tình, lúc khó khăn luôn đồng hành với doanh nghiệp", anh Hậu nhấn mạnh.
Ông Phạm Đức Dũng, Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Tiên Phước (Quảng Nam) cho biết, mạng lưới giao dịch rộng với đội ngũ cán bộ là người địa phương đã giúp chi nhánh bám sát tình hình thực tế của khách hàng để tìm hiểu nhu cầu sử dụng vốn.
Đặc biệt, sự liên hệ chặt chẽ với chính quyền địa phương để nắm bắt định hướng, kế hoạch phát triển kinh tế đã hỗ trợ hoạt động của Agribank sát với thực tế nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất. Nhưng trên hết cả là sự gần gũi, thấu hiểu và đồng hành để giải quyết nhu cầu của khách hàng một cách nhanh chóng, kịp thời.
"Cán bộ ít, địa bàn rộng, có những xã cách trung tâm huyện đến 25-30 km, yêu cầu nghiệp vụ phải kiểm tra, thẩm định kỹ, nhưng thời vụ nông nghiệp cũng rất nhanh. Nếu không tích cực, kịp thời hoàn thiện thủ tục để giải ngân nguồn vốn vay cho người dân kịp thời vụ sản xuất thì đồng vốn không mang lại hiệu quả, người dân không có niềm tin, sự gắn bó với ngân hàng. Do đó, cán bộ tín dụng của chúng tôi thường xuyên trong tình trạng quá tải công việc", ông Phạm Đức Dũng cho hay.
Nói về khó khăn lớn nhất của hoạt động cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, ông Trần Ngọc Ánh - Phó Giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh Quảng Nam cho biết, đó là rủi ro rất lớn, đặc biệt là với khu vực miền Trung thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai.
Bên cạnh đó, đa số cho vay nông nghiệp - nông thôn là những khoản vay nhỏ lẻ nên chi phí cao, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của ngân hàng.
Mặc dù vậy, xác định vai trò, vị trí của mình, Agribank Quảng Nam thời gian qua đã thực hiện tốt vai trò đầu tư tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 26/NQ-TW về nông nghiệp - nông dân - nông thôn. Hầu hết chính sách cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn theo chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đều được Agribank thực hiện tốt.
Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, Agribank Quảng Nam đã giảm lãi suất cho vay 10% cho khách hàng, với số tiền giảm khoảng 70 tỷ đồng (năm 2021). Bên cạnh đó miễn phí chuyển tiền cho khách hàng với số tiền trên dưới gần 10 tỷ đồng, cùng nhiều khoản hỗ trợ hoạt động an sinh xã hội khác.
Đại diện chính quyền địa phương, bà Nguyễn Thị Thúy Hằng – Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) đánh giá, trong những năm vừa qua Agribank đã gắn bó với địa phương trong tất cả các chương trình phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt, trong các mô hình phát triển kinh tế thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng chương trình nông thôn mới Agribank đóng góp rất lớn.
"Tất cả các nguồn vốn vay được bà con nông dân tin tưởng và sử dụng có hiệu quả tại địa phương, góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế xã hội tại địa phương", Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) nhấn mạnh.