"Bật mí": Phía sau những nông dân "triệu phú" tại huyện đảo Lý Sơn
"Bật mí": Phía sau những nông dân "triệu phú" tại huyện đảo Lý Sơn
Huyền Anh
Thứ hai, ngày 25/07/2022 06:07 AM (GMT+7)
Những năm qua, được sự đồng hành và tiếp vốn có hiệu quả của Agribank, nhiều hộ nông dân nuôi trồng thủy sản đổi đời, trở thành những triệu phú tại vùng đảo tiền tiêu của tổ quốc - nơi có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh.
Thăm huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) – hòn đảo có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh của tổ quốc, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng "triệu phú" nuôi trồng thủy sản Huỳnh Ngọc Thảo (thôn Đông, An Hải).
Ông Thảo cho biết, bè cá bớp của gia đình năm nay "thắng lớn" bởi nhu cầu thị trường tăng đột biến khiến giá cả tăng cao.
Theo đó, từ mức giá trung bình chỉ khoảng 120.000 đồng/kg – 130.000 đồng/kg của những năm trước, năm nay cá bớp ông bán ra có giá 180.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên tới 220.000 đồng/kg.
Với quy mô 50 lồng nuôi cá bớp, trừ các loại chi phí, ông Thảo có lãi 1,5 tỷ đồng. Niềm vui "được mùa" dường như đã xua đi hết những vất vả, mệt mỏi trong cái nắng gay gắt những ngày giữa tháng 7 của ông chủ bè cá này.
"Ở đây hơn 50 bè nuôi trồng thủy sản, năm nay ai cũng có lợi nhuận hết. Bà con ai ai cũng rất phấn khởi", ông Huỳnh Ngọc Thảo hồ hởi khoe.
Kể lại "cơ duyên" với nghề nuôi trồng thủy sản tại huyện đảo, ông Thảo cho hay, ông "nhập" nghề đến nay vừa tròn 5 năm. Trước đó, ông cũng từng trải qua nhiều công việc khác nhau để mưu sinh, khi thì đi biển khi buôn bán. Thế nhưng, đi biển vừa phải xa nhà nhiều ngày, rủi ro cao nhưng thu nhập rất bấp bênh, trong khi buôn bán thu nhập cũng "chẳng đáng là bao". Khi đó, thấy anh em nuôi trồng thủy sản làm ăn khấm khá, ông Thảo cũng quyết tâm đầu tư với mong muốn đổi đời.
Quyết tâm là vậy nhưng vấn đề khiến ông "đau đầu" chính là nguồn vốn, bởi khả năng tài chính của gia đình khi đó không đủ để đáp ứng nhu cầu đầu tư.
Theo tính toán của ông chủ bè cá này, một lồng nuôi cá đầu tư tốn 10 triệu, 10 ô lồng cũng tốn cả trăm triệu. Đó là chưa kể, đầu tư con giống và tiền thức ăn cho cá cũng rất cao, mỗi tháng bình quân vài trăm triệu.
"Khi một cánh cửa đóng lại sẽ có cánh cửa khác mở ra". Dòng vốn tín dụng từ Agribank chính là "cánh cửa" giúp ông Thảo giải "bài toán" khó nhất tại thời điểm đó.
"Có thể gây dựng được quy mô bè cá lớn, mỗi năm lợi nhuận cả tỷ đồng như hiện nay tất nhiên là không thể thiếu được sự đồng hành của Agribank. Trong mọi thời điểm, các cán bộ Agribank Lý Sơn đều tạo điều kiện, hỗ trợ làm thủ tục vay vốn nhanh gọn, ngày mốt ngày hai là xong thủ tục. Lãi suất vay tại Agribank cũng thấp hơn nhiều các ngân hàng khác như Vietcombank hay LienVietPostbank, nên cũng lợi cho bà con nuôi trồng thủy sản như chúng tôi", ông Thảo thông tin.
Tại huyện đảo, câu chuyện đổi đời trở thành "triệu phú" nuôi trồng như câu chuyện của ông Thảo nhờ có được sự "tiếp sức" của Agribank không phải là cá biệt.
Ông Huỳnh Văn Nam - ông chủ của 68 lồng nuôi tôm và cá, với sản lượng bình quân 15 – 20 tấn/năm cũng là một trong điển hình.
Theo chia sẻ của ông Nam, trong tổng số 4 tỷ đồng tiền vốn đầu tư, có tới 1,5 tỷ là tiền vay của Agribank. Năm nay, chỉ tính riêng cá sau khi trừ các loại chi phí số tiền ông Nam "bỏ túi" khoảng 1 tỷ đồng.
"Trước đó tôi vay vốn của một ngân hàng thương mại ngoài nhà nước nhưng lãi suất rất cao, nên lợi nhuận gần như không có nói gì đến việc tích góp mở rộng đầu tư. Ngay sau đó, tôi chuyển qua vay tại Agribank chi nhánh Lý Sơn, lãi suất rất ưu đãi. Chưa kể đợt dịch Covid-19 vừa qua ngân hàng cũng hỗ trợ giảm 1% lãi vay. Nhờ đó, gia đình cũng đã có của ăn của để. Thời gian tới tôi vẫn mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Agribank để tiếp tục phát triển, mở rộng quy mô nuôi trồng", anh Nam nói.
Agribank luôn nỗ lực vì "tam" nông
Đánh giá cao vai trò của Agribank đối với sự phát triển kinh tế tại huyện đảo trong thời gian qua, ông Đặng Tấn Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, trên huyện đảo có trên 50 bè nuôi trồng thủy sản, có đến hơn nửa đang vay vốn tại Agribank.
Agribank là ngân hàng đầu tiên có mặt trên huyện đảo, nguồn vốn tín dụng Agribank đã giúp đầu tư phát triển kinh tế, đặc biệt trong nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và phát triển sản xuất nông nghiệp.
Nhờ có sự đồng hành và tiếp vốn có hiệu quả của Agribank, tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện đảo trong những năm gần đây đạt 8 -9%/năm. Thu nhập của người dân địa phương tăng đều qua các năm, cải thiện đáng kể so với trước đây. Từ đó, góp phần thay đổi bộ mặt huyện đảo.
Đặc biệt, trong phục hồi và phát triển kinh tế sau ảnh hưởng của dịch Covid19, nguồn vốn tín dụng của Agribank đã góp phần giúp doanh nghiệp, người dân trên huyện đảo khôi phục sản xuất, đầu tư xây dựng, tu bổ cơ sở hạ tầng, khách sạn, nhà hàng, mua sắm phương tiện vận tải để đón khách du lịch đến với huyện đảo.
Do đó, lãnh đạo chính quyền địa phương mong muốn Agribank sẽ tiếp tục quan tâm tới nguồn vốn và dành những cơ chế ưu đãi cho nhu cầu và kế hoạch phát triển huyện đảo.
Về phía Agribank, bà Lê Thị Của - Phó Giám đốc Agribank chi nhánh huyện đảo Lý Sơn cho biết, từ năm 2014, khi điện lưới quốc gia được kéo ra đảo, Agribank Lý Sơn cũng như được tiếp thêm sức mạnh trong hoạt động tín dụng và phát triển các sản phẩm dịch vụ.
Từ 8 tỷ đồng nguồn vốn huy động, 15 tỷ đồng dư nợ năm 2014, đến nay huy động vốn của Agribank Lý Sơn lên tới hơn 472 tỷ đồng, dư nợ 533 tỷ đồng.
"Agribank Lý Sơn hoạt động trên đảo không chỉ là bài toán kinh doanh mà còn là nhiệm vụ chính trị. Vì vậy, Agribank Lý Sơn luôn nỗ lực không ngừng để không chỉ góp phần làm giàu cho người dân trên đảo, mà còn khẳng định mục tiêu của Agribank để mọi người dân, từ vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo khó khăn đều được tiếp cận với nguồn vốn của nhà nước, với dịch vụ ngân hàng", bà Lê Thị Của nhấn mạnh.
Thừa nhận, tiềm năng sản xuất hàng hóa của Quảng Ngãi còn hạn chế, cộng với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thiên tai thường xuyên nên hoạt động cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ông Đinh Văn Công - Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh, thực hiện vai trò chủ lực trên thị trường vốn và tín dụng cho nông nghiệp - nông thôn, Agribank Chi nhánh Quảng Ngãi vẫn triển khai mạng lưới rộng khắp địa bàn, đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân cả ở vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo khó khăn.
Đến nay, nguồn vốn của Agibank Quảng Ngãi đạt con số 16.000 tỷ đồng, trong khi đó dư nợ trên 12.600 tỷ đồng. Đáng chú ý, hơn 81% dư nợ là cho vay nông nghiệp, nông thôn.
Trong thời gian tới Agribank Quãng Ngãi khuyến khích cho vay nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, cho vay các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.